Bệnh viêm nha chu có chữa khỏi được không?
Bệnh viêm nha chu không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát nếu bạn chăm sóc và điều trị đúng cách. Hãy vệ sinh răng miệng theo khuyến nghị từ bác sĩ, đánh răng 2 lần/ngày và dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám trên răng. Đồng thời, thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện và điều trị viêm nha chu.
Phương pháp điều trị bệnh viêm nha chu
Điều trị khẩn cấp
Nếu ổ mủ hình thành ở vùng nướu (áp xe răng) hoặc niêm mạc bị viêm, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị khẩn cấp. Lúc này, áp xe sẽ gây đau (đau nhiều hoặc ít) khi chạm vào, màng nhầy đỏ và sưng lên.
Bác sĩ thường chỉ định điều trị khẩn cấp bệnh viêm nha chu bằng thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp tạm thời và bệnh có thể chuyển sang mãn tính và tái phát cấp tính theo chu kỳ.
Điều trị không phẫu thuật
Tùy vào tình trạng bệnh nha chu, nha sĩ sẽ điều trị không phẫu thuật như sau:
Bôi thuốc chống viêm và sát khuẩn lên vùng nướu bị viêm, sưng.
Vệ sinh chân răng và lấy vôi răng: Theo Học viện Nha chu Hoa Kỳ (AAP), đây là cách vệ sinh sâu giúp loại bỏ mảng bám và vôi răng dưới đường viền nướu. Thủ thuật này có thể được thực hiện sau khi bệnh nhân được gây tê cục bộ.
Kiểm tra các miếng trám răng, chỉnh sửa hoặc thay thế miếng trám. Phục hình những răng đã trám không đúng kỹ thuật hoặc tạm thời.
Khắc phục tình trạng răng lung lay.
Nhổ răng đối với những răng không thể giữ được.
Điều trị phẫu thuật
Điều trị phẫu thuật chỉ áp dụng khi đã áp dụng các biện pháp điều trị thông thường nhưng bệnh không có dấu hiệu đáp ứng. Một số phương pháp điều trị phẫu thuật bệnh nha chu như sau:
Phẫu thuật loại bỏ túi nha chu: Thu nhỏ độ sâu túi nha chu, giúp việc làm sạch mảng bám trên răng dễ dàng hơn.
Phẫu thuật nướu: Được thực hiện để khắc phục các tổn thương do nhiễm trùng nướu. Các thủ thuật bao gồm cắt nướu để loại bỏ mô bị nhiễm trùng, làm sạch bên dưới đường viền nướu để loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Phẫu thuật tái tạo: Phương pháp điều trị này được sử dụng để khắc phục tổn thương xương và mô. Bác sĩ chuyên khoa nha chu sẽ loại bỏ nhiễm trùng khỏi mô nướu, sau đó sẽ ghép xương, mô nha chu hoặc các protein kích thích mô để tạo điều kiện cho xương và mô tái tạo.
Phẫu thuật ghép nướu (mô mềm): Chân răng bị lộ ra ngoài là hậu quả của bệnh tụt lợi. Phẫu thuật ghép mô mềm sẽ phục hồi những hư hại và ngăn chặn tụt lợi phát triển dẫn đến sự phá hủy mô lợi và xương quanh răng. Phẫu thuật này có thể tiến hành ở 1 hoặc nhiều răng để đảm bảo tính thẩm mỹ của đường viền nướu và cải thiện tình trạng ê buốt răng.
Điều trị duy trì
Sau khi áp dụng các phương pháp điều trị tích cực và bệnh ổn định, người bệnh cần được kiểm tra, theo dõi, thăm khám định kỳ và áp dụng điều trị duy trì. Điều này nhằm mục đích kiểm soát, ngăn ngừa bệnh viêm nha chu tái phát và tiến triển.