Đối tượng chỉ định và chống chỉ định lấy cao răng
Đối tượng nên lấy cao răng thường xuyên
Người bị viêm nướu, viêm nha chu.
Đến thời gian cạo vôi răng định kỳ.
Nhiều cao răng, số lượng tăng lên bất thường, có vết dính ở trên hoặc dưới nướu.
Phụ nữ có thai: nên thực hiện lấy cao răng trong giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ (từ tháng thứ 4, 5 và 6).
Đối tượng cần vệ sinh răng miệng trước khi xạ trị, phẫu thuật.
Đối tượng chống chỉ định lấy cao răng
Bệnh nhân viêm nướu, viêm nha chu cấp tính, nướu bị lở loét, hoại tử cấp tính.
Tắc nghẽn đường hô hấp trên, không thở được bằng mũi.
Bệnh nhân viêm tủy cấp tính, không chịu được độ rung của các dụng cụ lấy cao răng hay cảm giác lạnh, ê buốt sau khi lấy cao răng.
Người mắc bệnh đái tháo đường nghiêm trọng, đã biến chứng.
Bệnh nhân bị sốt xuất huyết, suy giảm miễn dịch, các bệnh truyền nhiễm lây qua đường nước bọt, rối loạn đông máu, không cầm máu được,…
Người không làm chủ được hành vi, thần kinh có vấn đề, hay bị co giật.
Quy trình lấy cao răng tại nha khoa
Nha sĩ sẽ kiểm tra độ dày cao răng, đồng thời căn cứ vào điều kiện sức khỏe răng miệng của bạn để lựa chọn những biện pháp điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, quy trình thực hiện, những thắc mắc và lo ngại của bạn cũng sẽ được giải đáp, tư vấn tận tình.
Cao răng có thể xuất hiện bất cứ đâu bên trong túi nướu. Do vậy, trước khi bắt đầu lấy cao răng, nha sĩ sẽ dò tìm tất cả các vị trí trong miệng. Điều này đảm bảo vôi răng được cạo sạch sẽ, kỹ lưỡng, không bị bỏ sót. Có 2 cách phổ biến mà nha sĩ thực hiện để tìm vôi răng:
Cách 1: sử dụng dụng cụ thăm dò trượt lên và xuống dọc theo bề mặt chân răng, dưới nướu. Răng có mảng bám cao răng thường gồ ghề, không nhẵn bóng.
Cách 2: tiến hành xoắn một góc và ấn bông gạc vào giữa hai hàm răng. Nước bọt hoặc nước dịch nướu sẽ thấm vào gạc. Lúc này, vùng có cao răng sẽ hiện ra rõ ràng hơn, dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường.
Nha sĩ sẽ sử dụng các công cụ lấy cao răng chuyên dụng để loại bỏ tận gốc vôi răng và mảng bám mắc kẹt quanh chân răng.
Tiếp theo, các chuyên gia tiến hành đánh bóng và làm mịn bề mặt răng. Quá trình này không chỉ giúp loại bỏ các mảng bám còn sót lại mà còn hạn chế sự tái hình thành vôi răng, giúp răng trở nên sáng màu và mịn màng hơn.
Cuối cùng, bạn sẽ được hướng dẫn cách vệ sinh răng miệng để hạn chế cao răng. Bên cạnh đó, với những người có vấn đề về răng, lợi, nha sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc hỗ trợ điều trị hiệu quả.
Có thể tự lấy cao răng tại nhà không?
Bạn có thể tự lấy cao răng tại nhà, tuy nhiên, việc này không được khuyến khích. Nguyên nhân bởi vì việc lấy cao răng đòi hỏi các kỹ năng và công cụ phù hợp để loại bỏ mảng bám cao răng hiệu quả mà không gây tổn thương cho nướu hoặc răng. Đồng thời, thực hiện cạo vôi răng sai cách sẽ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như tổn thương nướu, làm mòn men răng, gây đau nhức, khó chịu. Do vậy, để lấy cao răng an toàn và hiệu quả, bạn nên tìm đến các phòng khám nha khoa uy tín.
Cách lấy cao răng lâu năm tại nhà
Cạo vôi răng bằng các dụng cụ cầm tay chuyên dụng
Hiện nay trên thị trường có nhiều máy lấy cao răng cầm tay tiện lợi. Các sản phẩm này tạo ra rung động mạnh với tần số cao kết hợp đầu nhỏ, nhọn, giúp loại bỏ được mảng bám ở chân răng. Tuy nhiên, bạn cần chú ý cẩn thận khi sử dụng vì máy có thể làm tổn hại đến mô mềm và men răng.
Phương pháp lấy cao răng tại nhà bằng nguyên liệu tự nhiên
Phương pháp lấy cao răng tại nhà bằng nguyên liệu tự nhiên chỉ phù hợp với những trường hợp vôi răng nhẹ, thường là trong giai đoạn cao răng chưa bám chặt vào răng và chỉ gây ra hiện tượng ố vàng. Bên cạnh đó, thực hiện không đúng cách hoặc lạm dụng các phương pháp này có thể dẫn đến nhiều tác hại như viêm nướu, viêm nha chu, mòn men răng, răng trở nên nhạy cảm và đau nhức. Đồng thời, phương pháp này không thể loại bỏ hết vôi răng tồn tại, đặc biệt là ở các vị trí sâu trong răng hàm. Một số cách lấy cao răng tại nhà bằng nguyên liệu tự nhiên như:
Sử dụng muối và chanh: Kết hợp một muỗng cà phê muối biển và một ít nước chanh để tạo thành một hỗn hợp. Chải răng với hỗn hợp này khoảng 2 - 3p mỗi lần. Muối giúp loại bỏ mảng bám, vi khuẩn trên răng, trong khi chanh có tính chất làm sạch và làm trắng răng.
Sử dụng dầu dừa hoặc dầu oliu: Chải răng với dầu dừa hoặc dầu oliu trong khoảng 15-20 phút. Nguyên liệu này có tính kháng khuẩn và giúp loại bỏ mảng bám trên răng.
Dùng Baking soda: Pha một ít bột nở (baking soda) với nước để tạo thành một hỗn hợp. Sau đó, sử dụng hỗn hợp này để chải răng như bình thường 2 - 3 phút. Thực hiện 2 - 3 lần/tuần để mang lại kết quả tốt nhất.
>>>Xem thêm:
Tác hại của việc lấy cao răng sai cách
Lấy cao răng đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, nếu thực hiện sai cách, quá trình này có thể gây ra những tác hại như:
Nhiễm trùng nướu: Nếu không tuân thủ các quy trình vệ sinh và phòng tránh nhiễm trùng đúng cách, việc lấy cao răng có thể dẫn đến nhiễm trùng vùng nướu hoặc răng.
Tổn thương đến mô mềm: Cao răng không được lấy cẩn thận và đúng cách có thể làm tổn thương nướu và các mô mềm xung quanh răng, gây viêm nhiễm và đau đớn.
Mòn men răng: Việc di chuyển máy cạo vôi răng sai vị trí hoặc sử dụng tần số rung quá cao có thể gây tổn thương đến men răng. Mòn men răng khiến răng trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
Lấy cao răng có đau không?
Thông thường, việc lấy cao răng không gây ra bất kỳ cảm giác không thoải mái hay đau đớn nào cho người bệnh. Bởi vì cạo vôi răng chỉ tác động đến mảng bám trên răng, không ảnh hưởng đến men hay nướu răng. Tuy nhiên, những người có răng nhạy cảm hay mảng bám cao răng lâu năm, cứng tại những vị trí sâu trong hàm sẽ có thể cảm thấy ê buốt nhẹ, thậm chí chảy máu.