Badge field

Trám răng là gì? Trám răng có đau không? Quy trình trám răng sâu

Published date field

Được Colgate Global Scientific Communications đánh giá về mặt y tế.

Trám răng là một quy trình nha khoa phổ biến nhằm điều trị sâu răng, sứt mẻ, nứt, hỏng hoặc mất mảnh răng. Thông qua việc sử dụng vật liệu trám như composite hoặc amalgam, bác sĩ nha khoa có thể tái tạo và khắc phục bề mặt răng. Trong phần lớn trường hợp, quá trình trám răng không gây đau hoặc chỉ gây đau rất ít. Để biết thêm về trám răng là gì và quy trình trám răng sâu như thế nào, cùng Colgate tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Trám răng là gì?

Trám răng (hay còn được gọi là hàn răng) là một phương pháp điều trị phổ biến trong nha khoa sử dụng vật liệu trám nhân tạo để bổ sung vào các mô răng bị mất do sâu răng, sứt mẻ răng. Trám răng giúp khôi phục chức năng ăn nhai và đảm bảo tính thẩm mỹ của hàm răng.

Theo National Institute of Dental and Craniofacial Research (NIH) Trước khi trám răng, nha sĩ sẽ loại bỏ phần răng bị tổn thương, làm sạch vùng bị ảnh hưởng và trám đầy lại bằng vật liệu trám chuyên dụng trong nha khoa. Các vật liệu được sử dụng để trám răng hiện nay khác đa dạng, bao gồm: nhựa composite (vật liệu trám giống màu răng tự nhiên), amalgam (hợp kim của thủy ngân, bạc, đồng, thiếc và kẽm), vàng, sứ.

Trám răng có đau không?

Quá trình trám răng thông thường không gây đau hoặc rất ít đau đối với một số người. Trước khi bắt đầu quá trình trám răng, bác sĩ sẽ sử dụng một chất gây tê để làm tê liệt hoặc giảm cảm giác đau ở khu vực xung quanh răng cần trám. Điều này giúp ngăn chặn cảm giác đau trong quá trình trám răng.

Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc biệt khi trám răng có thể cảm thấy không thoải mái hoặc đau nhẹ. Điều này xảy ra nếu răng bị tổn thương nặng, việc làm sạch sâu phải thực hiện nhiều hơn, hoặc sẽ gây đau nhẹ nếu trám răng gần với dây thần kinh nhạy cảm. Trong những trường hợp này, bác sĩ nha khoa có thể xem xét sử dụng các biện pháp giảm đau bổ sung để làm giảm cảm giác đau cho bệnh nhân.

Trường hợp nào cần thực hiện trám răng?

Kỹ thuật nha khoa trám răng được thực hiện trong một số trường hợp sau:

1. Trám răng sâu

Trám răng sâu là một kỹ thuật nha khoa quan trọng được thực hiện để điều trị các vấn đề do sâu răng, gây tổn thương nghiêm trọng đến cấu trúc răng. Khi răng bị sâu, vi khuẩn tạo ra axit tấn công bề mặt răng (men răng), khiến răng bị mất chất khoáng và hư hại răng. Trám răng sâu giúp bịt kín lỗ sâu không cho vi khuẩn xâm nhập, loại bỏ tình trạng sâu răng và ngăn ngừa sâu răng trở lại.

Trong quá trình trám răng sâu, nha sĩ sẽ tiến hành làm sạch và loại bỏ phần bị nhiễm trùng. Sau đó, vùng bị hư hỏng sẽ được trám bằng vật liệu nhân tạo để làm đầy mô răng bị mất, ngăn chặn sâu răng lan đến tủy và bảo vệ răng khỏi tổn thương.

2. Trám răng bị mẻ

Trám răng mẻ được thực hiện khi một phần nhỏ của răng bị mẻ do chấn thương thể thao, tai nạn,... Trong trường hợp này, việc trám răng mẻ được sử dụng để khôi phục lại cấu trúc và chức năng nhai của răng.

Khi thực hiện trám răng mẻ, nha sĩ sẽ làm sạch bề mặt phần răng bị mẻ để chuẩn bị trám răng. Sau đó, nha sĩ sẽ áp dụng vật liệu trám lên bề mặt răng và sử dụng các công cụ phù hợp để định hình và hoàn thiện kết cấu trám. Mục tiêu của quá trình này là tái tạo hình dạng và chức năng của răng, đồng thời cải thiện tính thẩm mỹ.

3. Trám răng thưa

Người bị răng thưa do kích thước răng không đồng đều, thói quen nhai, cắn không đúng cách,... sẽ được nha sĩ đề nghị thực hiện trám răng. Trám răng thưa giúp điều chỉnh và lấp đầy khoảng trống giữa các răng, tạo ra một hàm răng thẳng và đều đặn hơn.

Phương pháp trám răng thưa thường được áp dụng cho trường hợp răng hở khoảng 2mm. Với những trường hợp răng thưa có khoảng hở lớn hơn nếu trám răng sẽ gây mất cân đối, nha sĩ sẽ đề xuất bạn thực hiện niềng răng hoặc bọc răng sứ.

4. Trám răng thay thế miếng trám cũ

Trong trường hợp miếng trám cũ trên răng bị hỏng, mòn hoặc không còn bám chặt vào răng, nha sĩ có thể thực hiện quá trình trám răng để thay thế miếng trám cũ. Quá trình này có thể được gọi là trám răng thay thế hoặc trám lại.

Khi trám răng thay thế miếng trám cũ, nha sĩ sẽ loại bỏ hoặc lấy đi miếng trám cũ và chuẩn bị bề mặt răng để tiếp nhận miếng trám mới. Sau đó, vật liệu trám mới, chẳng hạn như composite, sẽ được áp dụng lên bề mặt răng để hoàn thiện miếng trám.

 

Trám răng là gì

Quy trình trám răng gồm 5 bước

Bước 1: Kiểm tra và chẩn đoán

Bước đầu tiên là nha sĩ sẽ kiểm tra và chẩn đoán tình trạng răng của bạn. Nha sĩ sẽ kiểm tra răng, xác định vấn đề như sâu răng, mảng bám và đánh giá mức độ hư hỏng của răng để quyết định liệu trám răng có phù hợp hay không.

Bước 2: Làm sạch và gây tê

Khu vực xung quanh răng sẽ được làm sạch mảng bám, cặn, vết sâu răng và tẩy trắng để tạo điều kiện tốt nhất cho việc trám răng. Bác sĩ cũng sẽ sử dụng một chất tê để làm tê liệt khu vực xung quanh răng giúp người bệnh không cảm thấy đau trong quá trình trám.

Bước 3: Tạo hình xoang trám và làm nhám

Sau khi làm sạch răng, nha sĩ sẽ tiến hành chuẩn bị răng bằng cách tạo một bề mặt nhám trên răng giúp miếng trám dính chặt hơn vào răng. Thông thường, nha sĩ sẽ sử dụng chất axit photphoric để axit hóa răng tạo ra một bề mặt nhám.

Bước 4: Thực hiện trám răng bằng vật liệu trám

Nha sĩ sẽ chọn vật liệu trám phù hợp như composite (trám trắng) hoặc amalgam (trám bạc). Vật liệu trám sẽ được lấy đầy lên vùng răng bị hư hỏng và tạo hình để phù hợp với cấu trúc răng và hình dáng tự nhiên. Họ cũng sẽ đảm bảo rằng màu sắc của trám phù hợp với màu tự nhiên của răng để có kết quả thẩm mỹ tốt nhất.

Bước 5: Đánh bóng và kiểm tra

Sau khi trám, bác sĩ sẽ kiểm tra và điều chỉnh nếu cần để đảm bảo miếng trám vừa vặn và không gây khó chịu cho bệnh nhân. Khi miếng trám khô, nha sĩ sẽ đánh bóng răng để tạo ra bề mặt sáng, mịn màng.

 

Quy trình trám răng

Các phương pháp trám răng sâu áp dụng phổ biến hiện nay

Trám răng sâu là thủ thuật được thực hiện phổ biến tại nha khoa để điều trị sâu răng vì khả năng phục hồi răng tốt và an toàn cho bệnh nhân. Tuy nhiên thời gian và mức độ phức tạp của biện pháp này sẽ phụ thuộc vào trường hợp răng sâu mức độ nặng hay nhẹ.

Trường hợp răng sâu mức độ 1

Phương pháp trám mức độ 1 áp dụng khi răng chỉ mới xuất hiện các vệt trắng đục hoặc lốm đốm đen/nâu. Bạn chưa cảm nhận được cơn đau nhức răng sâu vì chưa ảnh hưởng đến tủy răng nhưng những chiếc răng này sẽ có nguy cơ sâu răng lỗ to rất cao.

Do đó, trám bít hố rãnh sâu là phương pháp phù hợp, giúp lấp đầy kẽ hở nhằm tránh thức ăn thừa dính vào không vệ sinh được, ngăn ngừa sâu răng về sau.

Thời gian trám răng bít hố rãnh sâu chỉ mất từ 15-20 phút.

Trường hợp răng sâu mức độ 2

Đây là mức độ răng bị phá hủy nặng do vi khuẩn đã ăn hết men răng và tấn công vào cấu trúc tủy răng. Dấu hiệu cho thấy lúc này là răng xuất hiện có lỗ sâu lớn, có màu đen hoặc nâu. Bạn sẽ cảm thấy rất đau nhức với những chiếc răng này và khó ăn uống vì ê buốt.

Nha sĩ sẽ tiến hành nạo sạch vết sâu trên răng kỹ càng. Sau đó, sử dụng miếng trám gắn lên răng. Vì lỗ sâu tương đối lớn và đã ăn vào tủy răng nên thời gian điều trị dài hơn, thường mất khoảng 30 - 40 phút cho 1 chiếc răng bị sâu như vậy.

Trường hợp răng sâu cấp độ 3

Đây là trường hợp nguy hiểm nhất vì sâu răng đã lan đến tủy. Trước tiên, nha sĩ sẽ phải điều trị lấy tủy răng rồi trám bít lại lỗ sâu răng. Đây là việc làm cần yêu cầu kỹ thuật cao nên thời gian để hoàn thành mất khá lâu, thường mất từ 1-2 tiếng cho 1 chiếc răng.

Nếu như sâu răng ăn mòn hết cấu trúc răng và không thể trám được nữa thì bạn cần nhổ bỏ răng sâu và trồng lại răng giả để hàm răng đẹp hơn.

Trám răng sâu có đau không?

Trám răng sâu không đau như bạn nghĩ, bạn sẽ được gây tê khu vực răng cần trám để không cảm thấy đau đớn trong suốt quá trình trám. Ngoài ra, kỹ thuật trám răng sâu được thực hiện bởi nha sĩ có chuyên môn cao và máy móc hiện đại nên thời gian thực hiện nhanh chóng, ít để lại biến chứng.

Loại vật liệu trám răng nào tốt nhất?

Loại vật liệu trám răng phù hợp với bạn sẽ tùy thuộc vào các yếu tố như mức độ trám răng, khả năng dị ứng vật liệu trám, vị trí trám và chi phí. Dưới đây là các loại trám thường được sử dụng trong nha khoa.

1. Trám răng bằng nhựa composite

Trám răng bằng nhựa composite có màu gần trùng khớp với màu răng tự nhiên và do đó vật liệu này được sử dụng khi mà bệnh nhân mong muốn có vẻ ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, vật liệu composite không phải là vật liệu lý tưởng để trám những lỗ lớn vì composite dễ sứt mẻ và dễ bị ăn mòn theo thời gian.

Composite cũng có thể bị ố do cà phê, trà hoặc thuốc lá, và cũng không có tuổi thọ cao như các loại vật liệu trám răng khác, thường chỉ duy trì từ 3 đến 5 năm. Giá trung bình cho trám răng composite khoảng 200.000đ - 300.000đ/răng.

 

 

Trám răng bằng vật liệu composite

2. Trám răng bằng chất liệu GIC

Trám răng bằng vật liệu GIC (Glass Ionomer Cement) là một phương pháp trám răng khá phổ biến. GIC có màu trắng bột có chứa Fluor chống sâu răng được làm thành men răng để trám lỗ răng sâu. Đây là một loại vật liệu trám được sử dụng trong nha khoa cho trường hợp trám răng sữa, răng cửa và những vị trí không chịu áp lực quá lớn. 

GIC có khả năng chịu lực và độ bền thấp hơn composite và không thực hiện cho răng hàm. Chi phí trám răng GIC khá rẻ khoảng 80.000đ - 150.000đ/răng.

3. Trám răng bằng amalgam (trám bạc)

Trám răng bằng amalgam (trám bạc) có khả năng chống mòn và chi phí tương đối vừa phải với túi tiền của bệnh nhân khoảng 100.000 - 300.000 VNĐ/răng. Tuy nhiên, do có màu tối, amalgam dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường hơn so với vật liệu trám răng bằng sứ hoặc composite và thường không được sử dụng ở những khu vực rất dễ nhìn thấy như răng hàm, răng cửa.

 

Trám răng sâu bằng vật liệu amalgam

4. Trám răng mạ vàng

Trám răng mạ vàng được làm bằng khuôn trong phòng thí nghiệm và sau đó được gắn vào răng. Trám inlay mạ vàng ít gây kích ứng mô nướu, và có thể tồn tại trong vòng hơn 20 năm. Vì những ưu điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng vàng là vật liệu trám răng tốt nhất. Tuy nhiên, đây thường là lựa chọn ít người sử dụng vì giá làm khoảng 4.000.000 - 5.000.000 VNĐ/răng và cần phải thăm khám nhiều lần thì mới hoàn thành.

5. Trám răng bằng sứ

Trám răng bằng sứ được gọi là trám răng inlay hoặc trám răng onlay, được sản xuất bằng khuôn trong phòng thí nghiệm và sau đó được gắn vào răng. Vật liệu này có màu khớp với màu tự nhiên của răng và các tác dụng chống ố vàng. Trám răng bằng sứ thường bao phủ hầu hết bề mặt của răng. Giá của vật liệu này đắt ngang trám răng mạ vàng.

Lưu ý khi trám răng

  • Tránh ăn nhai ngay sau khi trám: Trong vòng ít nhất 2 giờ sau khi trám răng, hạn chế việc ăn nhai thức ăn để vật liệu trám có thời gian cứng lại.

  • Hạn chế tiếp xúc với thức ăn nóng và lạnh: Trong vài giờ đầu sau khi trám răng, tránh tiếp xúc với thức ăn hoặc đồ uống nóng/lạnh, vì vật liệu trám có thể còn nhạy cảm và gây khó chịu.

  • Tránh nhai các thức ăn cứng: Trong vài ngày sau khi trám răng, hạn chế nhai các thức ăn cứng, như hạt cứng. Điều này giúp tránh tạo áp lực lên miếng trám mới và đảm bảo nó không bị vỡ.

  • Hạn chế các thức ăn và đồ uống gây đổi màu: Trong thời gian ngắn sau khi trám răng, hạn chế tiếp xúc với các thức ăn và đồ uống sẫm màu có thể gây ố vàng răng, như cà phê, trà, rượu vang đỏ và thuốc lá. Điều này giúp tránh tình trạng miếng trám bị nhuộm màu và duy trì thẩm mỹ.

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách: Điều này bao gồm đánh răng hai lần mỗi ngày, sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng chứa chất khử trùng. Vệ sinh răng miệng thường xuyên giúp ngăn ngừa mảng bám và sâu răng tái phát.

  • Định kỳ kiểm tra nha khoa 6 tháng/lần: Hãy duy trì lịch hẹn kiểm tra nha khoa định kỳ để nha sĩ kiểm tra và bảo trì răng đã trám. Điều này giúp phát hiện sớm bất kỳ vấn đề nào và đảm bảo miếng trám được bảo quản và duy trì hiệu quả trong thời gian dài.

 

Trám răng là biện pháp phục hồi những chiếc răng bị tổn thương do sâu răng.

Phương pháp trám răng được thực hiện để trám răng sâu, răng mẻ giúp khôi phục chức năng, mang lại sức khỏe tốt cho răng miệng và cải thiện thẩm mỹ. Bạn đừng quên thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sâu răng như đánh răng bằng kem đánh răng có chứa fluor, đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và định kỳ khám răng miệng 6 tháng một lần nhé!

Nguồn tham khảo: