Túi nha chu - colgate

Túi Nha Chu Là Gì?

Nếu bạn có một khoang miệng khỏe mạnh, bạn thường không nghĩ đến nướu của mình. Chúng khít quanh răng bạn và không gây đau đớn hay bất cứ vấn đề gì khác cho bạn. Nhưng khi khoảng cách giữa mô nướu và răng bắt đầu gia tăng, đó là dấu hiệu của viêm nướu. Viêm nướu có thể dẫn đến các khoảng trống sâu hơn quanh răng bạn, được gọi là túi nha chu, và nếu không được điều trị, những túi nướu này có thể dẫn đến rụng răng. Nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, bạn có thể giữ được răng mình cả đời! Hãy xem qua về quá trình hình thành của túi nha chu, chúng được chẩn đoán ra sao, các lựa chọn điều trị, và các biện pháp phòng ngừa bạn có thể thực hiện ở nhà.

Túi Nha Chu Hình Thành Như Thế Nào?

Khi vi khuẩn trong miệng bạn không được dọn dẹp thường xuyên, nó sẽ dẫn đến sự hình thành mảng bám (màng sinh học) trên răng bạn, đặc biệt xung quanh các viền nơi tiếp xúc của nướu và cổ răng. Nếu không được loại bỏ, mảng bám này cuối cùng sẽ cứng lại thành vôi răng là thứ bạn không thể tự loại bỏ chúng. Bạn sẽ cần đến nha sĩ hoặc chuyên gia vệ sinh răng miệng để loại bỏ nó trong một buổi hẹn làm sạch chuyên nghiệp. Nếu không được điều trị, chất độc từ vi khuẩn sẽ tiếp tục dính vào vôi răng đã vôi hóa của bạn và gây viêm nhiễm mô nướu. Nó sẽ gây ra tình trạng được gọi là viêm lợi, giai đoạn đầu tiên của viêm nha chu.

Viêm và sưng do mảng bám và vôi răng có thể dẫn đến sự hình thành túi giữa nướu và răng bạn. Do bị kéo xa khỏi răng bạn, mô nướu bị viêm giờ đây thành nơi lý tưởng cho nhiều mảng bám và vôi răng khu trú hơn, làm sâu thêm túi nha chu và đe dọa sức khỏe xương quanh răng bạn. Bạn có thể nghĩ về hiện tượng này như áo len cổ lọ bắt đầu bị rão phần cổ áo.

Chẩn Đoán Viêm Nha Chu

Giả sử bạn đang có dấu hiệu cảnh báo nào của viêm nướu, như hơi thở hôi, chảy máu, lợi sưng tấy, hay tụt lợi. Trong trường hợp đó, bạn buộc phải để chuyên gia nha khoa kiểm tra miệng bạn. Ngoài quan sát mô nướu, chuyên gia nha khoa sẽ đo độ sâu túi nha chu quanh mỗi răng bằng một đầu dò nha chu. Bằng cách này họ có thể khẳng định sự xuất hiện của bệnh nha chu và mức độ tiến triển của nó.

Bạn có biết một chuyên gia nha khoa có thể dò sáu vị trí khác nhau quanh mỗi răng khi kiểm tra nha chu? Theo Viện Nghiên Cứu Nha Khoa và Sọ Mặt cho biết các dấu hiệu của viêm nha chu là răng có ít nhất một điểm viêm nha chu với túi nha chu sâu 4 mm hoặc hơn hay mất bám dính từ 3 mm trở lên. Khi mô gắn kết nướu và răng mất đi, nướu bị tụt và xương chống đỡ răng biến mất, khiến răng lung lay.

Cách Loại Bỏ Các Túi Này

Giống như nhiều vấn đề sức khỏe răng miệng khác, bước đầu tiên để điều trị viêm nướu là gặp chuyên gia nha khoa của bạn để răng bạn được làm sạch một cách chuyên nghiệp. Hay còn được gọi là cạo vôi răng và bào láng gốc răng, bằng cách loại bỏ vôi răng và mảng bám, quy trình làm sạch này giúp nướu bạn bám chặt quanh răng bạn trở lại. Nếu bạn không bị mất xương quá nghiêm trọng, đây có thể là phương pháp điều trị duy nhất bạn cần. Tuy nhiên, trong trường hợp các túi nha chu sâu trong nướu của bạn vẫn tồn tại, chuyên gia nha khoa của bạn có thể đề xuất biện pháp phẫu thuật để ổn định tình trạng viêm nha chu của bạn.

Ngoài cạo vôi răng và bào láng gốc răng, biện pháp không cần phẫu thuật khác là dùng thuốc kháng sinh bôi hoặc uống để kiểm soát sự lây nhiễm của vi khuẩn. Nếu bạn cần đến biện pháp điều trị cao hơn, nhiều loại phẫu thuật có thể loại bỏ lây nhiễm và làm giảm các túi nha chu của bạn. Các biện pháp này bao gồm phẫu thuật chuyển vạt, ghép mô mềm hay ghép xương, và tái tạo mô có hướng dẫn.

Chăm Sóc Tại Nhà để Phòng Bệnh

Viêm nha chu là bệnh có thể phòng ngừa. Bằng cách duy trì việc khám nha sĩ thường xuyên và thói quen chăm sóc răng miệng phù hợp, bạn đang làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu nguy cơ hình thành các túi nha chu. Nướu khỏe mạnh có túi nông dễ dàng giữ vệ sinh, có độ sâu chỉ từ 1 đến 3 mm. Đây là cách bạn giữ các túi nướu nông và dễ vệ sinh:

  • Dùng bản chải đánh răng lông mềm để vệ sinh răng hai lần một ngày, đánh răng cẩn thận quanh đường viền nướu nơi mảng bám dễ hình thành.
  • Thay bàn chải mỗi 3-4 tháng một lần hoặc khi bạn thấy lông bàn chải tõe ra.
  • Nếu miệng bạn có xu hướng hình thành vôi răng nhanh, hãy dùng thuốc đánh răng kiểm soát vôi răng.
  • Làm sạch kẽ răng một lần mỗi ngày cũng quan trọng như đánh răng để ngăn ngừa viêm nướu. Bạn có thể dùng chỉ nha khoa, máy xỉa răng nước (tăm nước), hay dụng cụ làm sạch kẽ răng khác.
  • Hãy tuân thủ khuyến nghị của chuyên gia nha khoa về làm sạch chuyên nghiệp và kiểm tra nướu. Họ có thể đề xuất vệ sinh thường xuyên hơn sau khi điều trị trường hợp viêm túi nha chu nặng.

Chẩn đoán và điều trị viêm nha chu ở các giai đoạn đầu có thể loại bỏ các túi nha chu không khỏe mạnh. Điều trị sẽ giúp giảm tác hại trước khi nó diễn tiến thành tình trạng mất xương nặng. May mắn thay, có nhiều biện pháp tại nhà bạn có thể áp dụng để ngăn bị viêm nha chu. Nhưng nếu bạn cần được điều trị, cũng có nhiều lựa chọn, bao gồm phương pháp không cần phẫu thuật và phẫu thuật. Bất kể bạn đang ở giai đoạn đầu của viêm nướu hay đã đến mức cần phẫu thuật, việc đảm bảo tuân thủ thói quen chăm sóc răng miệng trọn đời là điều bắt buộc vì nụ cười rạng rỡ của bạn trong tương lai!