Badge field

Viêm nướu răng - Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị hiệu quả theo nha khoa

Published date field
Published date field Cập nhật mới nhất:

Được Colgate Global Scientific Communications đánh giá về mặt y khoa

Rất nhiều người gặp tình trạng bệnh lý viêm nướu răng gây ra nhiều đau đớn và rất dễ dẫn tới tình trạng mất răng. Do đó, tìm hiểu về dấu hiệu, nguyên nhân nướu bị viêm là điều vô cùng quan trọng để duy trì sức khỏe răng miệng tốt nhất. Bài viết dưới đây của Colgate sẽ cung cấp thông tin chi tiết về triệu chứng, biểu hiện và các phương pháp chăm sóc răng miệng hiệu quả để ngăn ngừa viêm nướu răng.

Viêm nướu răng là gì?

Viêm nướu là tình trạng viêm mô nướu bao quanh chân răng.

Viêm nướu răng (hay còn gọi là viêm lợi) là tình trạng viêm cấp tính phổ biến gây ảnh hưởng đến nha chu (các mô nâng đỡ và bao quanh răng). Một trong những dấu hiệu chính của viêm nướu chân răng là đau răng, xuất hiện sự viêm nhiễm nướu, nướu mềm, sưng đỏ. Viêm nướu răng cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Theo Học viện Nghiên cứu Nha Chu Hoa Kỳ, tình trạng viêm nướu cấp kéo dài nếu không được điều trị hiệu quả sẽ dẫn đến sâu răng và bệnh viêm nha chu. Bệnh viêm nướu và viêm nha chu có liên quan đến các biến chứng mang tính hệ thống, như bệnh tim, tiểu đường, đột quỵ, bệnh hô hấp, loãng xương và sinh non.

Ai có thể bị viêm sưng nướu?

Mọi người ở mọi lứa tuổi và giới tính đều có thể mắc bệnh nhiễm trùng nướu. Đặc biệt với những đối tượng sau sẽ có nguy cơ bị viêm nướu miệng cao hơn:

  • Người không chú trọng đến vệ sinh răng miệng.
  • Người có thói quen xấu như hút thuốc, sử dụng rượu bia.
  • Người cao tuổi.
  • Phụ nữ mang thai, sau khi sinh con do nội tiết tố thay đổi.
  • Người có chế độ ăn uống không đầy đủ.
  • Người mắc các bệnh lý như tiểu đường, HIV/AIDS,...

Các dấu hiệu nhận biết và triệu chứng của bệnh viêm nướu răng

Dấu hiệu nhận biết chung

Mỗi trường hợp viêm nướu sẽ có những dấu hiệu bệnh khác nhau. Nhưng nhìn chung, các dấu hiệu thường gặp của bệnh nhân bị viêm nướu bao gồm:

  • Nướu sưng đỏ hoặc hơi đỏ (dấu hiệu viêm mãn tính).
  • Bị viêm nướu răng chảy máu, chảy máu ở chân răng khi có kích thích (lúc bạn chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa).
  • Nướu mềm và xốp.
  • Mất các đốm lấm tấm (có màu vỏ cam).
  • Xuất hiện mủ trắng, vàng trên nướu, bị viêm nướu răng có mủ.
  • Có hiện tượng viêm (phù) hoặc sưng nướu răng.
  • Hơi thở có mùi khó chịu.
  • Tụt lợi, tụt nướu chân răng.
  • Có cảm giác đau nhức răng khi nhai.

Một số hình ảnh viêm nướu răng từ mức độ nhẹ tới mức độ nặng:

 

Hình ảnh viêm nướu răng và mảng bám quanh chân răng.
Nướu bị viêm, sưng đỏ, xuất hiện mủ trắng.
Hình ảnh viêm nướu răng mức độ nặng: nướu răng xốp, tụt nướu, và sắp dẫn tới mất răng.
 
 

Triệu chứng viêm nướu trong những trường hợp đặc biệt

Tuy nhiên trong một vài trường hợp bệnh lý đặc biệt, viêm nướu có những dấu hiệu, triệu chứng khác mà bạn cần phải chú ý:

  • Viêm nướu răng thông thường: Rãnh nướu sâu hơn 3mm, có dấu hiệu sưng đỏ, nhú lợi bị phồng và dễ chảy máu. Tình trạng viêm này không quá nguy hiểm, nhưng cần chú ý vệ sinh mảng bám kỹ càng để tránh vi khuẩn phát triển thành viêm quanh chân răng.
  • Viêm nướu do thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ mang thai, hoặc trong thời kỳ mãn kinh: có thể xảy ra viêm lợi bong vảy hoặc sưng tấy vùng nhú lợi. Chúng có thể phát triển thành các u hạt sinh mủ.
  • Viêm nướu chân răng do tiểu đường: Bệnh tiểu đường có thể khiến các yếu tố kích thích nướu phát triển, gây nhiễm trùng và có khả năng dẫn đến áp xe răng
  • Nướu bị viêm do bệnh bạch cầu: Nướu bị sưng do thâm nhiễm bạch cầu, gây đau và chảy máu nướu.
  • Viêm do bệnh Scorbut: Nướu phì đại, căng ứ và dễ chảy máu khi có tác động nhẹ, đồng thời trong miệng xuất hiện các vết bầm và đốm do xuất huyết.
  • Thiếu vitamin PP: Bên cạnh viêm nướu và dễ chảy máu, bệnh nhân còn có các dấu hiệu như môi khô nứt, khô miệng, lưỡi và niêm mạc bị loét.

Những nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm nướu

  • Chăm sóc, vệ sinh răng miệng kém
    Theo MSD Manual, nguyên nhân chính dẫn đến viêm nướu là do vệ sinh răng miệng kém, tạo điều kiện cho mảng bám và vi khuẩn tích tụ giữa nướu và răng. Khi đánh răng không kỹ hoặc không sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, các mảng bám sẽ đọng lại tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Trong trường hợp hệ miễn dịch cơ thể suy yếu, các vi khuẩn sẽ phát triển gây viêm nướu.
    Tình trạng viêm mãn tính có thể làm bệnh viêm nướu trở nặng hơn, thậm chí diễn biến nghiêm trọng hơn ở những người có yếu tố di truyền hoặc đang sử dụng thuốc (ví dụ thuốc cyclosporine, thuốc chống co giật và thuốc chặn kênh hấp thụ canxi).
  • Các nguyên nhân khác gây ra bệnh viêm nướu bao gồm: căng thẳng thần kinh, bước vào tuổi dậy thì, dinh dưỡng không đầy đủ, nhiễm HIV, hút thuốc, lão hóa và thay đổi nội tiết tố.

Các cách trị viêm nướu chân răng

Khi đã xác định được tình trạng bệnh viêm nướu, bạn cần tiến hành điều trị kịp thời để ngăn chặn sự tiến triển và hạn chế nguy cơ biến chứng nghiêm trọng như áp xe răng hoặc mất răng. Các phương pháp và cách trị sưng, đau nướu răng bao gồm:

  • Đánh giá tình trạng răng miệng và vệ sinh các mảng bám, cao ăng.
  • Điều trị tại nhà.
  • Đến phòng khám nha khoa kiểm tra tình trạng viêm.
  • Có thể sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc bôi viêm nướu răng theo chỉ định của bác sĩ.

Cách trị viêm nướu răng tại nhà

Có một số cách chữa trị viêm nướu tại nhà đơn giản mà bạn có thể thực hiện khi không thể đến bệnh viện hoặc các trung tâm y tế ngay lập tức:

  • Súc miệng bằng nước muối: Nước muối có tác dụng diệt khuẩn và rửa trôi mảng bám hiệu quả. Nước muối súc miệng pha loãng hoặc nước muối sinh lý sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng viêm nướu.
  • Túi lọc trà: Lá trà có chứa chất axit tannic với đặc tính kháng viêm tự nhiên sẽ giúp làm dịu vết sưng viêm ở nướu. Bạn chỉ cần dùng bã trà đã qua sử dụng hoặc túi lọc trà còn ấm để chườm lên vùng bị viêm nướu. Duy trì sử dụng để thấy rõ hiệu quả giảm viêm.
  • Dùng mật ong: Mật ong cũng là một loại thực phẩm có tính kháng viêm, giảm sưng hiệu quả. Sau khi đánh răng xong, bạn chỉ cần dùng một lượng nhỏ mật ong thoa vào vùng nướu bị sưng, mật ong sẽ làm vết sưng dịu xuống.
  • Lô hội (nha đam): Lô hội cũng là một nguyên liệu phổ biến và dễ tìm để bạn có thể trị viêm nướu tại nhà. Bạn chỉ cần ép một ít nha đam để lấy nước, sau đó xoa nhẹ vào vùng bị viêm. Bạn cần duy trì thường xuyên để thấy được hiệu quả.
  • Nước ép bưởi: Trong bưởi có chứa chất sát khuẩn, đặc biệt là vitamin C có khả năng chống lại các bệnh viêm nhiễm. Sử dụng nước ép bưởi thoa lên vùng bị viêm sẽ giúp làm dịu và cải thiện tình trạng viêm nướu.

Đến gặp nha sĩ để thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp

Những cách chữa trị viêm nướu chân răng tại nhà chỉ là phương pháp tạm thời. Bạn vẫn cần phải đến phòng khám nha khoa ngay khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của viêm nướu miệng. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, bạn sẽ có nhiều khả năng chữa trị triệt để và ngăn ngừa tiến triển thành bệnh nha chu.

Khi đến phòng khám, nha sĩ sẽ đánh giá tình trạng viêm nướu và làm sạch răng miệng kỹ lưỡng để loại bỏ tất cả mảng bám và cao răng. Sau đó các bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân sử dụng chỉ nha khoa có kỹ thuật hiệu quả để ngăn ngừa viêm nướu trở lại.

Những loại thuốc điều trị viêm nướu răng an toàn, nhanh khỏi

Những loại thuốc điều trị nhiễm trùng nướu là một phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề viêm nướu và khôi phục sức khỏe răng miệng. Viêm nướu răng không chỉ gây ra khó chịu mà còn có thể dẫn đến những vấn đề lớn hơn như suy giảm chức năng nướu, tổn thương mô xương và mất răng. Vì vậy, việc sử dụng những loại thuốc hiệu quả và an toàn để điều trị nhiễm trùng nướu là một yếu tố quan trọng để đạt được sự khỏe mạnh cho răng miệng.

1. Thuốc giảm đau

Bác sĩ có thể sẽ chỉ định thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau, giúp bệnh nhân thấy dễ chịu hơn trong việc ăn uống và vệ sinh răng miệng. Các loại thuốc giảm đau thường được kê đơn bao gồm:

  • Acetaminophen (Paracetamol): được bào chế dưới nhiều dạng (viên sủi, thuốc viên) và hàm lượng khác nhau trong việc cải thiện cơn đau từ nhẹ đến vừa. Thuốc Paracetamol có khả năng dung nạp tốt ở hầu hết bệnh nhân.
  • Ibuprofen: một hoạt chất thường được sử dụng để giảm đau nướu an toàn và ít xảy ra tác dụng phụ. Tuy nhiên cần lưu ý sử dụng thuốc giảm đau cho bệnh nhân suy thận, có tiền sử hen phế quản và loét dạ dày, tá tràng.

2. Thuốc kháng viêm

Thuốc kháng viêm Corticosteroid thường được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ trong thời gian ngắn để giảm đau nướu và ngăn ngừa tổn thương tuỷ răng hiệu quả.

Tuy nhiên, không sử dụng thuốc Corticosteroid cho trẻ em và trẻ sơ sinh bị viêm nướu chân răng khi chưa được sự hướng dẫn của nha sĩ.

3. Thuốc súc miệng sát khuẩn

Sử dụng nước súc miệng sát khuẩn chứa Chlorhexidine giúp hỗ trợ giảm vi khuẩn trong miệng và cải thiện tình trạng viêm nướu. Khi kết hợp sử dụng nước súc miệng sát khuẩn cùng chỉ nha khoa, đánh răng đúng cách sẽ làm tăng hiệu quả điều trị bệnh răng miệng. Bệnh nhân nên súc miệng với 15ml nước súc miệng Chlorhexidine trong 30 giây, sử dụng 2 lần mỗi ngày.

4. Thuốc gây tê tại chỗ trong điều trị viêm nướu răng

Một số loại thuốc gây tê tại chỗ như Lidocaine và Prilocaine được sử dụng trong điều trị viêm nướu bên trong khi có chỉ định của bác sĩ nha khoa. Lưu ý, bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ như: sưng, kích ứng nướu răng, buồn nôn.

5. Thuốc kháng sinh

Đối với những bệnh nhân có tình trạng viêm nướu mãn tính, tiến triển thành viêm nha chu, bác sĩ sẽ kê kháng sinh để điều trị hiệu quả hơn. Một số loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng để điều trị viêm nướu nghiêm trọng bao gồm:

  • Penicillin: loại kháng sinh phổ biến được sử dụng để điều trị viêm nướu răng. Liều lượng thông thường là 500mg mỗi 8 giờ hoặc 1000mg mỗi 12 giờ.
  • Erythromycin: thuốc này có tác dụng tương tự như Penicillin và thường được sử dụng cho những người bệnh dị ứng với Penicillin.
  • Clindamycin: có khả năng chống lại nhiều loại vi khuẩn trong miệng. Liều dùng thông thường là 300mg hoặc 600mg, mỗi 8 giờ một lần.
  • Azithromycin: thuốc này được sử dụng để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây nhiễm trùng nướu, chỉ định khi bệnh nhân dị ứng với penicillin.
  • Tetracycline: loại kháng sinh này được sử dụng để giảm hoặc loại bỏ tạm thời vi khuẩn có thể gây viêm nướu cấp. Thuốc còn ngăn ngừa tình trạng viêm sưng nướu, chảy máu nướu, viêm nướu răng có mủ.

6. Thuốc bôi viêm nướu răng

Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định đồng thời cả thuốc uống và thuốc tại chỗ để đạt hiệu quả tốt hơn. Thuốc bôi viêm nướu răng là dạng thuốc dùng ngoài được sử dụng bôi trực tiếp vào chỗ nướu răng bị viêm, sưng. Sản phẩm thường được bào chế ở dạng gel, dạng dung dịch súc miệng hoặc dạng sợi để đưa vào mô nướu quanh chân răng.

Cách ngăn ngừa, phòng ngừa bệnh viêm nướu lâu dài

Chăm sóc răng miệng định kỳ và vệ sinh nha khoa là những cách quan trọng trong việc ngăn ngừa viêm nướu răng. Để phòng ngừa tình trạng viêm nướu khó chịu, quan trọng nhất là bạn cần phải có một chế độ chăm sóc răng miệng phù hợp và thường xuyên:

  • Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng. Cần vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương đến nướu.
  • Sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn.
  • Duy trì chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh.
  • Từ bỏ các thói quen ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, thức khuya,...
  • Bên cạnh đó bạn cũng cần đến phòng khám nha khoa để kiểm tra răng miệng định kỳ. Điều này sẽ giúp bạn sớm phát hiện những căn bệnh tiềm ẩn để có hướng điều trị kịp thời trước khi bệnh trở nặng.

Hy vọng những thông tin về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh viêm nướu răng trong bài viết trên hữu ích với bạn. Nếu bạn có những thắc mắc liên quan đến tình trạng bệnh của mình, bạn nên trực tiếp đến gặp bác sĩ để được giải đáp và hỗ trợ kịp thời.

Các bài báo của Trung tâm Chăm sóc Răng miệng Colgate được xem xét bởi một chuyên gia y tế về sức khỏe răng miệng. Thông tin này chỉ dành cho mục đích giáo dục, không nhằm mục đích thay thế cho lời khuyên, chẩn đoán hoặc điều trị y tế chuyên nghiệp. Hãy luôn tìm kiếm lời khuyên của nha sĩ, bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đủ tiêu chuẩn khác.