Tình trạng tụt lợi là bệnh lý nha khoa khá phổ biến nhưng không gây nhiều nguy hiểm và có thể điều trị khỏi. Tuy nhiên tụt lợi kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo cho những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như mất cement răng, mòn cổ răng,... Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin liên quan đến vấn đề tụt lợi là gì và cách phòng ngừa tụt nướu hiệu quả.
Tụt lợi là gì? Dấu hiệu khi bị tụt lợi chân răng

Tụt lợi, hay còn gọi là tụt nướu, là hiện tượng mô nướu bị hạ thấp và di chuyển xuống cuống răng làm hở chân răng ra ngoài. Tụt lợi có thể xảy ra ở một vài răng hoặc cả hàm, kèm theo các triệu chứng như chảy máu chân răng, viêm nướu, hơi thở có mùi,...
Những người gặp phải tình trạng tụt lợi thường có những dấu hiệu như sau:
Phần nướu răng sưng, tấy đỏ, có cảm giác đau nhức và khó chịu.
Dễ bị chảy máu ở phần chân răng khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa.
Lợi co rút, không bao bọc chắc răng khiến răng dễ bị lung lay.
Nguyên nhân gây tụt lợi
Tụt lợi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là 3 nhóm nguyên nhân chính gây tụt lợi mà bạn có thể tham khảo:
Nguyên nhân do các lực tác động
Các tác động vật lý ảnh hưởng đến nướu bao gồm quá trình đánh răng, sử dụng chỉ nha khoa hoặc do những vấn đề xảy ra trong khoang miệng như răng không đều, lệch khớp cắn:
Chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa quá mạnh sẽ khiến phần nướu mỏng và thấp dần.
Răng xô lệch, không thẳng hàng sẽ gây áp lực lớn lên nướu và xương răng, dẫn đến hiện tượng tụt lợi.
Nghiến răng không chỉ gây tụt nướu mà còn dễ dẫn đến nhiều bệnh lý răng miệng khác như mòn men răng, ê buốt răng, răng lung lay,...
Tụt lợi do chấn thương mô nướu. Mô nướu có thể bị tụt lại khi chấn thương xảy ra trên một răng hoặc nhiều răng.
Nguyên nhân do bệnh lý răng miệng
Tụt lợi cũng có thể là triệu chứng của các bệnh nha khoa khác:
Viêm nha chu: Đây là một loại bệnh ảnh hưởng đến các mô nâng đỡ răng. Người mắc bệnh viêm nha chu sẽ có dấu hiệu tụt lợi và lộ chân răng.
Viêm nướu: Viêm nướu kéo dài không được điều trị sẽ tiến triển thành viêm nha chu, gây nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng như tụt lợi, lộ chân răng, viêm nhiễm, thậm chí là hình thành ổ áp xe.
Cao răng: Cao răng tích tụ quanh chân răng không được vệ sinh thường xuyên sẽ làm nướu bị tụt và dễ chảy máu chân răng.
Nguyên nhân do sinh lý
Các vấn đề sinh lý của cơ thể cũng có thể gây tụt lợi:
Do di truyền: Giống như phần còn lại của cơ thể, đặc điểm của nướu răng được xác định bởi gen di truyền. Nếu cha hoặc mẹ của bạn hoặc cả hai người bị tụt nướu, bạn có nguy cơ bị tụt nướu cao hơn.
Lớn tuổi: Tuổi càng cao, nguy cơ bị tụt lợi càng lớn.
Thay đổi nội tiết tố: Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tụt lợi ở phụ nữ vì dễ bị vi khuẩn tấn công vào những giai đoạn hệ miễn dịch suy yếu.
Hậu quả của tình trạng tụt lợi
Tụt nướu tuy không gây nguy hiểm, nhưng lại gây ra nhiều rắc rối khó chịu và bất tiện:
Tụt lợi khiến chân răng bị lộ ra, gây ê buốt khi bị ảnh hưởng bởi đồ ăn nóng lạnh hoặc có tính acid.
Tụt lợi vượt quá niêm mạc tiền đình làm lợi dễ bị bong ra khỏi bề mặt răng khi nhai.
Tụt lợi tạo điều kiện cho mảng bám, thức ăn thừa, vi khuẩn tích tụ ở vùng chân răng, kẽ răng, dễ dẫn đến tình trạng sâu răng.
Ảnh hưởng đến thẩm mỹ răng miệng, đặc biệt là khi bị tụt lợi ở khu vực răng cửa.
Cách điều trị tụt lợi theo từng mức độ
Nếu bạn chỉ bị tụt nướu nhẹ, việc điều trị sẽ càng đơn giản. Phát hiện sớm có nghĩa là bạn có thể sẽ không cần phải thực hiện điều trị nha khoa chuyên nghiệp để khắc phục vấn đề tụt lợi. Nha sĩ sẽ giúp bạn xác định nguyên nhân và hướng dẫn bạn cách xử lý. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng một số loại thực phẩm dễ tìm như mật ong, lá trà xanh, nha đam,... bôi lên vùng lợi bị tụt để chữa tụt lợi tại nhà.
Nếu bạn cần phải điều trị, nha sĩ sẽ làm việc với bác sĩ chuyên khoa nha chu, bác sĩ chuyên khoa nướu, để tìm ra phương án điều trị tối ưu nhất. Nha sĩ sẽ xác định xem phương pháp cạo cao răng và bào láng gốc răng có cần thiết với bạn không. Đây thường là giải pháp khi tụt nướu là do viêm nha chu gây ra. Bạn cũng sẽ được hướng dẫn về cách chăm sóc răng miệng tốt nhất để giúp phục hồi sức khỏe răng miệng.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây tụt nướu, bạn có thể phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật ghép nướu được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa nha chu. Bác sĩ phẫu thuật sẽ hỗ trợ và cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết liên quan đến phương pháp điều trị này.
Chăm sóc răng miệng để ngăn ngừa bệnh tụt lợi
Chăm sóc răng miệng kỹ càng và đúng cách
Chăm sóc răng miệng đúng cách là phương pháp ngăn ngừa tụt lợi cũng như các bệnh lý nha khoa hiệu quả. Bạn nên đổi sang loại bàn chải có đầu lông tròn, mềm để tránh gây tác động mạnh lên nướu, chẳng hạn như Colgate Gentle Comfort Clean. Đồng thời, bạn cũng cần kết hợp với nước súc miệng chuyên dụng hoặc nước muối sinh lý để tăng hiệu quả làm sạch mảng bám.
Thăm khám nha khoa định kỳ
Khám răng định kỳ sẽ giúp bạn phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường và có biện pháp điều trị kịp thời. Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện việc cạo vôi răng 6 tháng/lần để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh răng miệng khác.
Tụt lợi mặc dù không gây nguy hiểm nhưng lại khiến chúng ta gặp nhiều rắc rối khó chịu. Vậy nên ngay khi có dấu hiệu về tình trạng này, bạn hãy xem xét lại thói quen vệ sinh răng miệng, đến gặp nha sĩ để có hướng xử lý hiệu quả.
Các bài báo của Trung tâm Chăm sóc Răng miệng Colgate được xem xét bởi một chuyên gia y tế về sức khỏe răng miệng. Thông tin này chỉ dành cho mục đích giáo dục, không nhằm mục đích thay thế cho lời khuyên, chẩn đoán hoặc điều trị y tế chuyên nghiệp. Hãy luôn tìm kiếm lời khuyên của nha sĩ, bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đủ tiêu chuẩn khác.