Nhổ răng được thực hiện như thế nào?
Có hai loại nhổ răng, gồm nhổ răng thông thường và nhổ răng phẫu thuật.
Nhổ răng thông thường
Nhổ răng thông thường được thực hiện cho những chiếc răng có thể nhìn thấy rõ ràng trong miệng. Hầu hết các nha sĩ đều có thể thực hiện được thủ thuật nhổ răng thông thường. Khi nhổ răng thông thường, nha sĩ làm lung lay răng bằng một dụng cụ gọi là dụng cụ bẩy răng. Sau đó, nha sĩ sử dụng dụng cụ kẹp để nhổ răng.
Hầu hết các trường hợp nhổ răng thông thường có thể được thực hiện chỉ với một mũi tiêm (thuốc gây tê cục bộ). Trong một số trường hợp, bạn thậm chí có thể không cần dùng thuốc gây tê mà vẫn cảm thấy thoải mái.
Nhổ răng phẫu thuật
Nhổ răng phẫu thuật là một thủ thuật phức tạp hơn. Thủ thuật này thường được sử dụng để nhổ một chiếc răng bị gãy ở mép nướu hoặc một chiếc răng mọc ngầm. Nhổ răng phẫu thuật thường được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật hoặc nha sĩ. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ (cắt một đường nhỏ) ở nướu của bạn. Đôi khi, bác sĩ cũng cần loại bỏ xương xung quanh răng hoặc cắt một nửa răng để nhổ răng.
Đối với nhổ răng phẫu thuật, bạn sẽ được gây tê cục bộ, và bạn cũng có thể được gây mê thông qua tĩnh mạch (tiêm tĩnh mạch). Trong một số trường hợp, bạn cũng có thể cần phải gây mê toàn thân. Những trường hợp này bao gồm trẻ nhỏ và những bệnh nhân có tình trạng sức khỏe hoặc hành vi đặc biệt khó kiểm soát.
Nếu bác sĩ sử dụng phương pháp an thần tỉnh, bạn sẽ được truyền thuốc có chứa chất steroid cũng như các loại thuốc khác vào trong tĩnh mạch. Các loại thuốc có chứa steroid này giúp giảm sưng và giúp bạn không cảm thấy đau sau khi thực hiện thủ thuật.
Trong quá trình nhổ răng, bạn vẫn có thể cảm thấy áp lực trên răng, nhưng không cảm thấy đau. Nếu bạn cảm thấy đau hoặc nhói, hãy nói với bác sĩ.
Quá trình theo dõi sau nhổ răng
Sau khi thực hiện nhổ răng, bạn sẽ cảm thấy khó chịu ở vị trí nhổ, tuy nhiên cảm giác này không quá gay gắt và sẽ hết sau vài ngày. Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn hướng dẫn chi tiết về những gì cần làm và những gì sẽ xảy ra sau khi phẫu thuật. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi bạn rời phòng khám.
Khuyến nghị sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng dùng thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID) có thể làm giảm đau rất hiệu quả sau khi nhổ răng. Những loại thuốc này bao gồm ibuprofen, như Advil, Motrin và các biệt dược khác. Dùng thuốc theo đúng liều bác sĩ khuyên dùng, 3 đến 4 lần một ngày. Bạn cần uống liều thuốc đầu tiên trước khi thuốc gây tê cục bộ hết tác dụng và tiếp tục uống thuốc trong 3 ngày tiếp theo.
Nhổ răng phẫu thuật thường gây ra nhiều đau đớn sau phẫu thuật hơn so với nhổ răng thông thường. Mức độ khó chịu và thời gian cảm thấy khó chịu sẽ phụ thuộc vào độ khó của thủ thuật nhổ răng. Nha sĩ có thể kê đơn cho bạn thuốc giảm đau trong một vài ngày và sau đó sẽ khuyến nghị bạn sử dụng NSAID. Hầu hết các cơn đau sẽ giảm chỉ sau một vài ngày.
Không chạm và làm vỡ cục máu đông
Một vết cắt trong miệng có xu hướng chảy máu nhiều hơn vết cắt trên da vì vết cắt đó không thể khô và tạo vảy. Sau khi nhổ răng, bạn cần phải cắn một miếng gạc trong vòng 20 đến 30 phút để máu đông lại. Bạn vẫn sẽ bị chảy máu trong khoảng 24 giờ tới, sau đó, máu sẽ dần dần ngừng chảy. Bạn không nên chạm và làm vỡ cục máu đông hình thành trên vết thương.
Chườm đá hoặc chườm nóng để giảm sưng
Bạn có thể đặt túi nước đá lên mặt để giảm sưng. Chườm đá trong vòng 20 phút một lần để giảm sưng tốt hơn. Nếu hàm của bạn bị đau và cứng sau khi hết sưng, hãy thử đổi sang túi chườm ấm.
Ăn thức ăn mềm và mát trong vài ngày
Bạn nên ăn thức ăn mềm và mát trong vài ngày sau khi nhổ răng để giảm áp lực lên vết thương. Sau đó, bạn có thể thử các loại thực phẩm khác khi bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Súc miệng bằng nước muối ấm
Vệ sinh nhẹ nhàng vị trí phẫu thuật với nước muối ấm sau phẫu thuật 24 giờ, có thể giữ cho khu vực phẫu thuật sạch sẽ. Bạn chỉ cần pha một nửa muỗng cà phê muối trong một cốc nước ấm.
Nếu bạn cần khâu, bác sĩ có thể sử dụng loại chỉ tự tiêu. Thường mất từ một đến hai tuần để chỉ tiêu hết. Súc miệng bằng nước muối ấm sẽ giúp chỉ khâu dễ tiêu hơn. Tuy nhiên, có một số loại chỉ khâu cần do nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật tháo bỏ.
Trong hầu hết các trường hợp, hiện tượng sưng và chảy máu sẽ kết thúc trong vòng một hoặc hai ngày sau phẫu thuật. Sẽ mất ít nhất hai tuần để bạn hồi phục như lúc đầu.
Không hút thuốc sau khi phẫu thuật
Bạn không nên hút thuốc trong vòng 24 đến 72 giờ sau khi nhổ răng. Sử dụng ống hút hoặc khạc nhổ sau khi phẫu thuật cũng cần tránh. Những hành động này có thể làm bật cục máu đông ra khỏi lỗ răng đã bị nhổ.
Rủi ro khi nhổ răng
Tình trạng ổ răng khô
Trong khoảng 3% đến 4% trường hợp nhổ răng, sẽ xuất hiện tình trạng gọi là ổ răng khô. Tình trạng ổ răng khô xảy ra khi cục máu đông không hình thành trong lỗ răng hoặc cục máu đông bị vỡ hoặc vỡ quá sớm.
Trong ổ răng khô, xương bên dưới ổ răng sẽ tiếp xúc với không khí và thực phẩm. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy rất đau đớn và có thể gây ra tình trạng hôi miệng hoặc cảm giác đắng miệng. Thông thường, tình trạng ổ răng khô bắt đầu gây đau nhức vào ngày thứ ba sau phẫu thuật.
Hiện tượng ổ răng khô xảy ra trong khoảng 30% tổng số các trường hợp nhổ răng mọc ngầm. Ổ răng khô cũng có nhiều khả năng xuất hiện sau những ca nhổ răng có độ khó cao. Những người hút thuốc và phụ nữ dùng thuốc tránh thai có nhiều khả năng gặp phải tình trạng ổ răng khô.
Tình trạng ổ răng khô cần được điều trị bằng bằng thuốc để ngăn chặn cơn đau phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho vết thương sau phẫu thuật được chữa lành nhanh chóng.
Nhiễm trùng răng
Nhiễm trùng răng có thể xảy ra sau khi nhổ răng. Tuy nhiên, bạn có thể sẽ không bị nhiễm trùng nếu bạn có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
Các rủi ro tiềm ẩn khác
Tổn thương ngẫu nhiên cho các răng xung quanh. Chẳng hạn như mẻ răng hoặc mẻ miếng trám răng.
Nhổ răng không đầy đủ, tức là để lại một phần chân răng trong hàm. Nha sĩ thường loại bỏ chân răng để ngăn ngừa nhiễm trùng, nhưng đôi khi chân răng nằm quá sâu thì nha sĩ sẽ để lại và đợi cho chân răng đẩy ra.
Hàm có thể bị gãy do áp lực lên hàm trong quá trình nhổ răng. Điều này xảy ra thường xuyên hơn ở những người lớn tuổi bị loãng xương (xương xốp) ở khu vực xương hàm.
Lỗ thủng xoang hàm. Trong một số trường hợp, khi nhổ một chiếc răng hàm ở hàm trên, sẽ có thể xuất hiện lỗ thủng xoang - Một lỗ rất nhỏ thường sẽ tự lành lại trong một vài tuần. Nếu lỗ này không tự lành lại, bạn có thể cần phải thực hiện thêm nhiều cuộc phẫu thuật khác.
Đau nhức ở cơ hàm và/hoặc khớp hàm. Có thể khiến bạn gặp khó khăn khi mở rộng miệng. Hiện tượng này có thể xảy ra do việc tiêm, miệng của bạn bị mở ra quá lâu và/hoặc có quá nhiều lực đẩy tác động vào hàm của bạn.
Tê cứng kéo dài ở môi dưới và cằm. Đây là một vấn đề không thường xuyên xảy ra. Hiện tượng này được gây ra bởi chấn thương dây thần kinh phế răng dưới ở hàm dưới của bạn. Có thể mất ba đến sáu tháng để điều trị vấn đề này một cách triệt để. Trong một số ít trường hợp, cảm giác tê sẽ trở nên mãn tính.
Khi nào bạn nên đến gặp nha sĩ
Hãy liên hệ với nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật miệng của bạn nếu:
Vết sưng mấy ngày không lành và trở nên nặng hơn.
Bạn bị sốt, ớn lạnh hoặc tấy đỏ tại vết nhổ răng.
Khó nuốt khi ăn uống.
Bạn bị chảy máu không ngừng tại vị trí phẫu thuật.
Khu vực này tiếp tục rỉ máu hoặc chảy máu sau 24 giờ đầu tiên.
Lưỡi, cằm hoặc môi của bạn cảm thấy bị tê cứng sau 3 đến 4 giờ làm thủ thuật.
Vị trí nhổ răng trở nên rất đau đớn - Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đã gặp phải tình trạng ổ răng khô.
Trong trường hợp bạn bị nhiễm khuẩn, nha sĩ sẽ kê cho bạn thuốc kháng sinh.
Việc nhổ răng là để đảm bảo sức khỏe răng miệng cũng như an toàn cho cơ thể của bạn. Bạn cần trao đổi kỹ với nha sĩ hoặc bác sĩ về tình trạng răng của mình để có những tư vấn, chẩn đoán phù hợp. Bạn cũng cần chú ý theo dõi tình trạng ổ răng sau khi nhổ để kịp thời xử lý khi xảy ra biến chứng.