Cách trị chảy máu chăn răng
Badge field

Chảy máu chân răng: Nguyên nhân, cách khắc phục và phòng ngừa

Published date field
Published date field Cập nhật mới nhất:

Được Colgate Global Scientific Communications đánh giá về mặt y khoa

 

Chảy máu chân răng khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa thường là triệu chứng ban đầu của bệnh viêm nướu, có thể dẫn đến các giai đoạn nghiêm trọng của bệnh nha chu, theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA). Đánh răng bị chảy máu thường xuyên khiến nhiều người lo lắng, quan ngại về các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều biện pháp để điều trị chảy máu răng hết nhanh chóng và ngăn chặn tái phát. Cùng Colgate tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Chảy máu khi đánh răng là bị bệnh gì?

Chảy máu chân răng khi đánh răng là tình trạng chảy máu từ nướu và khe răng xảy ra do vệ sinh răng miệng không đúng cách, sử dụng bàn chải quá cứng. Đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nướu, viêm nha chu hoặc vấn đề khác liên quan đến sức khỏe của răng nướu. Nếu thường xuyên bị chảy máu khi đánh răng, bạn cần đến phòng khám để được kiểm tra và chẩn đoán kịp thời.

Chảy máu chân răng là tình trạng chảy máu từ nướu và khe răng

Vì sao đánh răng hay bị chảy máu chân răng?

Chảy máu chân răng khi đánh răng có thể là do vấn đề ở răng miệng hoặc là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe cơ thể. Một số nguyên nhân gây chảy máu chân răng bao gồm:

Viêm nướu gây chảy máu chân răng khi đánh răng

Nướu bị chảy máu khi đánh răng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nướu. Khi mảng bám tích tụ ở đường viền nướu, nướu sẽ bị kích ứng, sưng đỏ lên và dễ bị chảy máu khi có lực nhẹ tác động vào.

Viêm nướu có thể điều trị bằng cách vệ sinh răng miệng thật tốt, đánh răng ngày 2 lần, sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn. Đồng thời, phải thường xuyên thăm khám nha khoa và lấy vôi răng định kỳ.

Chảy máu chân răng do viêm nha chu

Nếu tình trạng viêm nướu không được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm nướu sẽ tiến triển xấu thành viêm nha chu. Viêm nha chu gây ra sự tổn thương cho mô nướu, làm suy yếu cấu trúc xương hỗ trợ chân răng, gây ra chảy máu chân răng khi đánh răng vào buổi sáng. Ngoài ra, viêm nha chu còn gây hôi miệng, nhiễm trùng và tụt nướu, khiến răng lung lay hoặc mất răng, đồng thời làm cho nướu sưng đỏ.

Áp xe răng khiến răng chảy máu khi đánh răng

Áp xe răng là tình trạng nhiễm trùng do sâu răng, bệnh lý về nướu, nứt răng, dẫn đến vi khuẩn xâm nhập vào sâu bên trong răng. Triệu chứng của áp xe răng bắt đầu từ những cơn đau liên tục, đánh răng thường xuyên bị chảy máu, sưng tấy ở chân răng. Khi chuyển sang giai đoạn sưng mặt, tình trạng áp xe răng đã tiến triển nặng.

Chảy máu khi đánh răng do ung thư khoang miệng

Ung thư khoang miệng là một căn bệnh ác tính, nguy hiểm có thể xuất hiện ở mọi vị trí trong khoang miệng. Những biểu hiện sớm của ung thư khoang miệng gồm có chảy máu chân răng, lở loét miệng, sưng nướu, nổi hạch trong khoang miệng,... Triệu chứng của căn bệnh này tương tự như các bệnh lý răng miệng khác nên nhiều người khá chủ quan. Do đó, khi phát hiện, bệnh đã ở giai đoạn khó điều trị.

Nếu thường xuyên xuất hiện tình trạng chảy máu chân răng khi đánh răng kèm theo các dấu hiệu như trên, bạn cần thực hiện khám nha khoa để kiểm tra kịp thời.

Bị chảy máu nướu khi đánh răng do sâu răng

Sâu răng cũng là một nguyên nhân gây chảy máu khi đánh răng thường xuyên. Nếu bạn bị sâu răng nhưng không điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể xâm nhập vào mô nướu gây sưng, viêm và chảy máu khi đánh răng.

Vệ sinh răng miệng không đúng cách

Hành động đánh răng quá mạnh, quá nhiều lần có thể làm tổn thương nướu răng, dẫn đến tình trạng chảy máu. Thay vào đó, hãy thực hiện các chuyển động tròn, nhẹ nhàng để vệ sinh răng mà không dẫn đến chảy máu chân răng.

Ngoài ra, việc sử dụng bàn chải lông cứng cũng có thể khiến nướu bị chảy máu, sưng đỏ khi cọ xát với lông bàn chải. Vậy nên, khi chọn bàn chải đánh răng, hãy chọn loại có lông mềm như Bàn Chải Đánh Răng Colgate® Slimsoft Advanced với đầu lông siêu mềm mảnh <0,01mm, giúp chải sạch sâu mà không gây tổn thương nướu.

Dùng chỉ nha khoa sai kỹ thuật khiến nướu bị chảy máu

Khi dùng chỉ nha khoa sai khi thuật, nướu răng có thể bị tổn thương, sưng đỏ và chảy máu trong lúc đánh răng. Thay vì buộc chỉ giữa các răng, bạn hãy cầm chỉ nha khoa cẩn thận trượt lên xuống qua từng kẽ răng với thao tác nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng đến nướu.

Thiếu vitamin C, K khiến răng bị chảy máu khi đánh

Vitamin C và vitamin K là những loại vitamin đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình đông máu. Việc thiếu hụt 2 loại vitamin này có thể dẫn đến tình trạng chảy máu chân răng. Để bổ sung vitamin C và vitamin K, bạn nên thêm vào thực đơn hàng ngày các loại rau xanh, trái cây và củ quả.

Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ

Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng chảy máu chân răng khi đánh răng. Các giai đoạn như dậy thì, mang thai hoặc mãn kinh đều làm thay đổi nội tiết tố trong cơ thể nữ giới. Khi đó, nồng độ progesterone được sản sinh ra nhiều hơn, làm tăng lưu lượng máu tới nướu. Điều này dẫn đến tình trạng nướu chảy máu khi đánh răng.

Sử dụng thuốc khi điều trị bệnh

Một số loại thuốc được sử dụng khi điều trị bệnh về tim mạch, ung thư, thuốc hóa trị có thể khiến nướu nhạy cảm và dễ bị chảy máu khi đánh răng. Đây là tình trạng khá phổ biến ở những bệnh nhân mắc bệnh mãn tình, phải thường xuyên sử dụng thuốc để duy trì sức khỏe.

Chảy máu chân răng khi đánh răng do phẫu thuật nha khoa

Sau khi nhổ răng, lấy tủy răng, phẫu thuật nha khoa,... bạn có thể gặp tình trạng đánh răng bị chảy máu do vết thương chưa lành hẳn. Tình trạng này sẽ giảm dần khi vị trí phẫu thuật lành lại.

Hút thuốc thường xuyên gây chảy máu chân răng

Hút thuốc lá thường xuyên gây ra tình trạng vi khuẩn tích tụ ở nướu răng. Sau thời gian dài, người hút thuốc có thể mắc các bệnh về nướu răng dẫn đến nướu nhạy cảm, dễ chảy máu khi bị tác động như đánh răng.

Mắc các bệnh lý khác khiến chân răng chảy máu khi đánh

Một số bệnh lý có thể dẫn đến tình trạng chảy máu chân răng là:

  • Ung thư máu: Nếu thường xuyên bị chảy máu chân răng kèm theo các triệu chứng như bầm tím nướu và lưỡi, khoang miệng bị tổn thương hoặc xuất hiện vết loét, nướu bị sưng, bạn có thể đã bị ung thư máu.

  • Giảm tiểu cầu: Đây là tình trạng rối loạn máu, đặc trưng bởi số lượng tiểu cầu giảm bất thường. Giảm tiểu cầu có thể khiến nướu bị bầm tím và chảy máu.

  • Bệnh Hemophilia hoặc von Willebrand: Nếu nướu của bạn bị một vết thương nhỏ nhưng bị chảy máu liên tục thì đây có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn đông máu. 

  • Sốt xuất huyết: Chảy máu nướu răng có thể là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng của bệnh sốt xuất huyết, thường bắt đầu vào 1, 2 ngày đầu sau khi cơ thể phát sốt.  Ngoài ra, còn đi kèm một số triệu chứng khác như đau bụng, nôn mửa dai dẳng,...

  • Rối loạn chức năng gan: Gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu của cơ thể. Do đó, nếu gan bị tổn thương, điều này có thể ảnh hưởng đến chức năng gan và gây ra tình trạng chảy máu chân răng.
Viêm nướu là nguyên nhân chính gây chảy máu chân răng khi đánh răng
 

Thường xuyên bị chảy máu chân răng khi đánh răng có sao không?

Nếu thường xuyên bị chảy máu chân răng khi đánh răng, đây là một vấn đề đáng lo ngại mà bạn cần tìm cách xử lý nhanh chóng. Bởi vì chảy máu chân răng có thể là triệu chứng của các bệnh lý về răng miệng như viêm nướu cấp, viêm nha chu, mất răng vĩnh viễn,... Ngoài ra, chảy máu chân răng cũng có thể dẫn tới các biến chứng tiềm ẩn khác như ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch, ảnh hưởng xấu đến thai nhi (đối với phụ nữ đang mang thai), làm tăng nguy cơ sinh non hoặc thai nhẹ cân,...

Thường xuyên đánh răng bị chảy máu có thể gây ra hậu quả tiềm ẩn đáng lo ngại

7 Cách khắc phục tình trạng đánh răng bị chảy máu tại nhà

Bạn có thể điều trị chảy máu chân răng khi đánh răng tại nhà bằng các giải pháp như sau:

Dùng gạc để cầm máu chân răng

Khi đánh răng bị chảy máu, bạn có thể dùng miếng gạc sạch ấn vào vùng bị tổn thương đến khi máu ngừng chảy. Tuy nhiên, đối với những người có hệ thống miễn dịch yếu hoặc mắc các vấn đề sức khỏe khác như rối loạn đông máu, cách cầm máu này có thể mất khá nhiều thời gian.

Chườm đá để khắc phục tình trạng chảy máu chân răng

Sử dụng đá lạnh hoặc miếng gạc mát chườm lên vùng nướu bị chảy máu có thể giúp cầm máu, giảm đau và sưng nướu. Nếu sau khi chườm đá trong 10 phút mà máu vẫn tiếp tục chảy, hãy đến cơ sở ý tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Sử dụng nước súc miệng

Nước súc miệng kháng khuẩn có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, giảm viêm và làm dịu phần nướu bị sưng, chảy máu. Đồng thời, nước súc miệng cũng có thể sử dụng để điều trị viêm nướu - nguyên nhân phổ biến gây chảy máu chân răng.

Sử dụng nước muối

Súc miệng với nước muối là biện pháp dễ thực hiện nhất để kháng vi khuẩn, giảm viêm và làm dịu cảm giác đau. Bạn có thể tự pha nước muối hoặc sử dụng nước muối sinh lý hàng ngày sau khi ăn để làm sạch vi khuẩn gây hại và hạn chế chảy máu chân răng.

Sử dụng tinh dầu bạc hà

Tinh dầu bạc hà có khả năng kháng khuẩn tự nhiên và giúp giảm sưng tấy cũng như loại bỏ mùi hôi trong miệng. Thoa và massage nhẹ nhàng với vài giọt tinh dầu bạc hà lên vị trí nướu tổn thương hai lần mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

Sử dụng bột quế

Bột quế chứa thành phần có khả năng diệt khuẩn và ngăn chặn viêm nhiễm nướu. Hòa bột quế với một ít nước và thoa lên nướu răng, để trong khoảng 2 phút rồi rửa sạch bằng nước.

Bổ sung canxi

Bổ sung các thực phẩm giàu canxi vào chế độ ăn hàng ngày như sữa, cá, hạnh nhân, đậu, rau xanh để tăng cường sức khỏe cho xương và nướu. Canxi cũng giúp hạn chế sưng tấy và chảy máu chân răng.

 

Súc miệng bằng nước muối giảm viêm và làm dịu cơn đau do viêm nướu
 

Điều trị chảy máu khi đánh răng tại nha sĩ

Viêm nướu là nguyên nhân phổ biến gây chảy máu chân răng, tình trạng này thường bắt đầu với những triệu chứng rất nhẹ, dễ bỏ qua. Vì vậy, không có gì lạ khi mọi người không nhận ra mình mắc bệnh trước khi được chẩn đoán. Do đó, khi phát hiện bị chảy máu chân răng liên tục trong khoảng 3-5 ngày, bạn nên đến kiểm tra và điều trị tại phòng khám nha khoa đáng tin cậy.

Vệ sinh và làm sạch mảng bám, cao răng

Khi thăm khám, nha sĩ sẽ nhận thấy chân răng chảy máu, sưng tấy và kích ứng nướu. Lúc này, nha sĩ tiến hành loại bỏ những mảng bám và vôi răng ở dưới đường viền nướu và trên bề mặt của răng để đảm bảo sạch sẽ, ngăn ngừa viêm nhiễm lan rộng hoặc nghiêm trọng hơn.

Điều trị nhiễm trùng

Nếu chảy máu chân răng được gây ra bởi vi khuẩn hoặc nhiễm trùng, nha sĩ sẽ kê các loại thuốc điều trị khác nhau. Điều trị nhiễm trùng có thể bao gồm kháng vi khuẩn, dùng thuốc trị viêm nhiễm hoặc thuốc bôi xử lý các vùng nướu bị viêm nhiễm.

Kiểm tra vị trí răng bằng dụng cụ chỉnh nha

Nha sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ chỉnh nha để kiểm tra vị trí của răng và hàm. Nếu phát hiện vấn đề, nha sĩ sẽ đề xuất các phương pháp điều trị để khắc phục tình trạng này.

Lập biểu đồ nha chu đo độ sâu của nướu

Lập biểu đồ nha chu có thể được thực hiện để đo độ sâu của mô nướu để có thể xác định xem bạn có bị tụt nướu hay không. Phương pháp này sẽ được các chuyên gia thực hiện lại vào các buổi khám răng trong tương lai để phân tích xem sức khỏe nướu của bạn đã cải thiện hay bị giảm sút.

Hướng dẫn chăm sóc răng miệng đúng kỹ thuật

Các chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc răng miệng tại nhà hiệu quả với quy trình chải răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách. Hãy đảm bảo tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, khám và vệ sinh răng miệng thường xuyên rất quan trọng để theo dõi và đẩy lùi bệnh nha chu.

 

Điều trị chảy máu chân răng khi đánh răng tại phòng khám

Cách ngăn ngừa tình trạng chảy máu khi đánh răng

Đánh răng đúng cách theo nha sĩ khuyến nghị

Dưới đây là các bước đánh răng đúng cách để làm sạch mảng bám, giúp răng chắc khỏe, hạn chế tình trạng viêm nướu dẫn đến chảy máu chân răng:

Bước 1: Đặt bàn chải đánh răng ở góc 45 độ đối với đường viền nướu.

Bước 2: Di chuyển bàn chải đánh răng lên xuống trên thân răng và nướu nhẹ nhàng. Chải tất cả các bề mặt răng bằng kỹ thuật này.

Bước 3: Dùng đầu bàn chải để vệ sinh mặt trong của các răng cửa ở cả mặt trên và mặt dưới của răng. 

Bước 4: Chải lưỡi bằng bàn chải hoặc dụng cụ cạo lưỡi. Bàn chải đánh răng Colgate® 360® có mặt chải lưỡi bằng cao su nằm ở mặt sau bàn chải giúp vệ sinh được bề mặt lưỡi tiện lợi.

Mỗi ngày, bạn cần đánh răng 2 lần để đảm bảo răng miệng sạch sẽ.

 

Đánh răng đúng cách giúp hàm răng khỏe mạnh và cải thiện tình trạng nướu

Dùng bàn chải đánh răng có lông mềm

Việc sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng chảy máu chân răng. Đồng thời, tạo cảm giác thoải mái cho răng và lợi, hạn chế mài mòn men răng.

Dùng chỉ nha khoa đúng cách để hạn chế chảy máu nướu

Dưới đây là hướng dẫn cách sử dụng chỉ nha khoa để hạn chế tình trạng chảy máu nướu mà bạn có thể tham khảo:

Bước 1: Lấy 1 đoạn chỉ nha khoa dài vừa đủ quấn quanh đầu ngón trỏ của hai bàn tay.

Bước 2: Nhẹ nhàng luồn chỉ nha khoa vào giữa kẽ răng và uốn cong chỉ nha khoa thành hình chữ C bao quanh răng.

Bước 3: Di chuyển chỉ lên và xuống xung quanh răng, bao gồm cả dưới đường viền nướu. Không chuyển động qua lại quá mạnh hoặc tác dụng lực quá mức.

Lưu ý: Sử dụng một phần chỉ nha khoa mới cho mỗi răng. Bàn chải kẽ răng sẽ giúp làm sạch các khu vực có khoảng trống như mão răng, cầu răng và implant nha khoa.

 

Dùng chỉ nha khoa giúp làm sạch giữa răng và dưới nướu, ngăn ngừa vi khuẩn

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất

Để đảm bảo sức khỏe và tránh tình trạng chảy máu chân răng, hãy thực hiện một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung các khoáng chất và vitamin thiết yếu như canxi, magie, vitamin C, K,... Bạn có thể dễ dàng tăng cường những dưỡng chất này từ các loại thực phẩm đa dạng như hải sản, rau củ và trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi,...

Không hút thuốc lá

Hút thuốc lá là thói quen cần từ bỏ nếu như bạn muốn khắc phục tình trạng chảy máu chân răng khi đánh răng. Không chỉ vậy, không hút thuốc lá còn giúp bạn có hàm răng chắc khỏe, trắng sáng, hơi thở sạch sẽ và thơm tho, đồng thời giảm nguy cơ bị ung thư phổi.

Kiểm tra răng miệng định kỳ

Mỗi năm, bạn nên khám nha khoa định kỳ 2 lần. Những buổi thăm khám này sẽ giúp bạn phát hiện được răng miệng có đang gặp vấn đề nào hay không. Từ đó, kịp thời xử lý để không dẫn đến biến chứng nặng và nguy hiểm.

Câu hỏi thường gặp khi đánh răng bị chảy máu

Bé bị chảy máu chân răng khi đánh răng có nguy hiểm không?

Chảy máu chân răng khi đánh răng ở trẻ em có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của cơ thể, khiến trẻ biếng ăn, gián đoạn giấc ngủ,... Tình trạng chảy máu chân răng khi đánh răng có thể dẫn đến viêm nướu, viêm nha chu, u nhú nướu răng, làm tổn thương tới chân răng và xương ổ răng. Về lâu dài, chân răng có thể lung lay, dẫn tới mất răng.

Ngoài ra, bé bị chảy máu chân răng khi đánh răng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như:

  • Bệnh về máu: giảm tiểu cầu, thiếu canxi, ung thư máu, máu khó đông,...

  • Bệnh về gan.

  • Bệnh tiểu đường.

  • Bệnh tim mạch.

Nếu phát hiện bé thường xuyên chảy máu chân răng, nướu sưng đỏ, hãy đưa bé đến phòng khám nha khoa để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Bị chảy máu chân răng nên ăn gì?

Khi bị chảy máu chân răng, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C như ổi, cam, quýt, chanh, cà rốt,... Việc duy trì hàm lượng vitamin C cần thiết trong cơ thể sẽ giúp tăng cường khả năng liên kết các mô ở nướu. Từ đó, giúp niêm mạc nướu được bảo vệ tốt hơn, hạn chế tình trạng chảy máu chân răng.

Bị chảy máu chân răng là thiếu chất gì?

Nếu cơ thể thiếu canxi, photpho, kẽm, chân răng sẽ bị chảy máu. Ngoài ra, nếu thiếu vitamin C và K, tình trạng chảy máu chân răng cũng có thể thường xuyên xảy ra.

Nếu thường xuyên gặp tình trạng chảy máu chân răng khi đánh răng, bạn tuyệt đối không được chủ quan. Thay vào đó, hãy đến ngay phòng khám nha khoa kiểm tra và xử lý sớm các vấn đề liên quan đến sức khỏe.