Nguyên nhân hình thành cao răng
Khi chúng ta tiêu thụ thực phẩm và đồ uống, đặc biệt là các món ăn giàu đường, vi khuẩn trong khoang miệng sẽ hấp thụ đường và phát triển thành những mảng bám. Nếu không được loại bỏ kịp thời, sự kết hợp giữa vi khuẩn, thức ăn thừa và nước bọt sẽ tạo điều kiện cho cao răng hình thành trên bề mặt răng. Chính vì vậy, thói quen vệ sinh răng miệng kém chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự xuất hiện của cao răng.
Tác hại của cao răng
Hôi miệng, vàng răng: Cao răng hình thành do các mảng bám từ thức ăn thừa trong miệng. Lâu dần sẽ gây nên tình trạng hơi thở có mùi và răng bị ố vàng gây mất tự tin trong giao tiếp.
Bệnh nha chu, viêm nướu, sâu răng: Cao răng bám chặt vào chân răng khiến việc vệ sinh răng miệng trở nên khó khăn hơn. Từ đó, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh nướu răng như viêm nướu, sâu răng,....
Tụt lợi: Cao răng tích tụ trong thời gian dài có thể phát triển về kích thước, đẩy lợi xuống gây tụt lợi, khiến răng dễ lung lay và có khả năng mất răng.
Ảnh hưởng đến thẩm mỹ răng miệng do cao răng sẽ hấp thụ màu của thức ăn và đồ uống làm xỉn màu răng.
>>> Xem thêm: Cách điều trị tưa miệng do nấm Candida ở người lớn và trẻ em
Cách nhận biết sự tích tụ của cao răng
Bạn có thể dễ dàng phát hiện sự tích tụ của cao răng thông qua màu sắc của răng. Khi bề mặt răng bắt đầu xuất hiện những vết ố vàng hoặc nâu, đó chính là dấu hiệu cho thấy cao răng đã và đang hình thành. Trong các buổi kiểm tra và làm sạch răng định kỳ, nha sĩ sẽ phát hiện và loại bỏ lớp mảng bám cứng đầu này.
Vì sao phải lấy cao răng định kỳ?
Lấy cao răng định kỳ là biện pháp hạn chế tổn thương nướu và ngăn ngừa bệnh lý răng miệng hiệu quả. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), cao răng tích tụ lâu ngày có thể làm cho nướu bị sưng và chảy máu.
Tình trạng này được gọi là viêm lợi - giai đoạn đầu của bệnh viêm nha chu. Ngoài ra, lấy cao răng định kỳ còn giúp ngăn ngừa một số bệnh về răng miệng như sâu răng, hơi thở có mùi,... đồng thời bảo vệ cấu trúc xương hàm và sự vững chắc của chân răng.
Bên cạnh các lợi ích trực tiếp đối với sức khỏe răng miệng, lấy cao răng còn hạn chế khả năng viêm nhiễm lây ra các vùng lân cận như viêm amidan, viêm xoang, viêm họng. Quá trình này giúp ngăn ngừa viêm nội mạc do vi khuẩn gây ra, tăng hiệu quả trong điều trị bệnh đái tháo đường.
Nên lấy cao răng định kỳ bao lâu một lần?
Mặc dù việc lấy cao răng đem lại nhiều lợi ích, nhưng nếu thực hiện quá thường xuyên có thể gây chảy máu và viêm nhiễm. Do đó, nha sĩ sẽ dựa vào tình trạng răng miệng của từng người để đưa ra lời khuyên phù hợp.
Với những người chăm sóc răng miệng tốt, ít cao răng: Nên lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần.
Người thường xuyên sử dụng thuốc lá, cà phê, rượu, bia: Nên thực hiện lấy cao răng 3 - 4 tháng/lần.
Trẻ em dưới 10 tuổi: Cần lấy cao răng theo hướng dẫn và chỉ định cụ thể của nha sĩ.
Trường hợp nên và không nên lấy cao răng
Các trường hợp nên lấy cao răng
Hầu hết mọi người đều nên thực hiện việc lấy cao răng, đặc biệt là trong các trường hợp sau:
Người chưa đến định kỳ cạo vôi răng nhưng đã xuất hiện vôi răng.
Người có lượng cao răng nhiều hoặc có nhiều vết dính trên, dưới nướu.
Người bị viêm nha chu hoặc viêm nướu liên quan đến cao răng.
Phụ nữ mang thai có cao răng nên loại bỏ để giảm nguy cơ mắc các bệnh răng miệng trong thời gian thai kỳ.
Người được yêu cầu cạo vôi răng trước khi thực hiện nhổ răng, niềng răng, tẩy trắng răng.
Bệnh nhân đang trong quá trình xạ trị hoặc phẫu thuật cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước khi điều trị.
Các trường hợp không nên lấy cao răng
Người bị viêm nha chu cấp, viêm nướu, viêm nướu hoại tử cấp tính.
Người không thể há miệng hoặc bị đau khi phải há miệng lớn.
Người bị bệnh tắc nghẽn đường hô hấp trên, không thể sử dụng mũi để thở.
Người bị viêm tủy cấp, nhạy cảm với nước lạnh và độ rung của dụng cụ lấy cao răng.
Người bị rối loạn đông máu.
Người mắc các bệnh lý về thần kinh như co giật cơ, động kinh.
Người bị tiểu đường bị biến chứng nha chu.
Người bị sốt xuất huyết hoặc mắc bệnh lây truyền qua đường nước bọt.
Quy trình lấy cao răng 3 bước chuẩn chuyên khoa
Bước 1: Kiểm tra lâm sàng
Đầu tiên, nha sĩ cần kiểm tra độ dày của cao răng để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Nha sĩ cũng sẽ trao đổi với bạn một số vấn đề có thể gặp phải trong quá trình lấy cao răng như chảy máu chân răng, răng ê buốt,... sau khi lấy cao răng.
Bước 2: Lấy cao răng bằng dụng cụ chuyên dụng
Nha sĩ sẽ sử dụng dụng cụ cầm tay có sóng siêu âm để cạo vôi răng. Thiết bị siêu âm rung động tần số cao với nước để lấy cao răng ra ngoài mà không cần chạm vào răng. Quá trình lấy cao răng hoàn toàn không gây đau đớn và không bị mòn men răng.
Một số người có cơ địa quá nhạy cảm sẽ cảm thấy ê buốt nhẹ khi lấy cao răng. Những trường hợp cao răng nặng, bám dày sâu dưới chân răng sẽ gây chảy máu chân răng 1 ít do lợi bị tách ra. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng vì sau khi chăm sóc răng miệng đúng cách vài ngày lợi sẽ bám vào chân răng và phục hồi nhanh chóng.
Bước 3: Đánh bóng răng
Sau khi loại bỏ cao răng, nha sĩ sẽ đánh bóng và làm mịn bề mặt răng, hạn chế cao răng quay trở lại, giúp răng sáng màu hơn.
Với những người mắc bệnh về răng, lợi, nha sĩ có thể kê 1 số loại thuốc hỗ trợ điều trị và hẹn lịch tái khám. Ngoài ra, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách vệ sinh, chăm sóc răng miệng hiệu quả tại nhà.