Nhiễm trùng miệng do nấm Candida
Badge field

Cách điều trị tưa miệng do nấm Candida ở người lớn và trẻ em

Published date field

Được Colgate Global Scientific Communications đánh giá về mặt y khoa.

Tưa miệng là bệnh lý do một loại nấm gây ra, xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh này gây ảnh hưởng sức khỏe và rối loạn cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Cùng Colgate tìm hiểu tưa miệng là gì và cách điều trị, phòng tránh giúp cả gia đình khỏe mạnh nhé.

Tưa miệng là gì?

Tưa miệng (tưa lưỡi, nấm lưỡi, nấm miệng) là tình trạng niêm mạc miệng, lưỡi, họng hoặc thực quản bị nhiễm nấm candida. Dấu hiệu phổ biến nhất là bề mặt lưỡi xuất hiện các bợn màu trắng bám chắc, khó bong ra khi rửa gây đau rát, chảy máu khi cọ xát. Nấm Candida là loại nấm gây nhiễm trùng da và niêm mạc thường xuất hiện ở những vùng có nếp gấp, kẽ ngón tay, niêm mạc miệng, bộ phận sinh dục và bề mặt da.

Bệnh tưa miệng xuất hiện ở hầu hết mọi lứa tuổi, tuy nhiên, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Bệnh khiến trẻ đau, khó nuốt thức ăn, dẫn đến chứng biếng ăn, ảnh hưởng đến khả năng và sự phát triển lâu dài của trẻ.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tưa lưỡi ở người lớn, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bao gồm:

  • Hệ thống miễn dịch yếu do bẩm sinh hoặc do bệnh lý khác gây ra (HIV, ung thư…).

  • Sử dụng kháng sinh hoặc corticoid.

  • Mẹ bị nấm Candida vùng sinh dục trong thời kỳ mang thai hoặc có nấm ở vú khi cho con ngậm bú.

  • Bị chứng khô miệng.

 

Bệnh tưa miệng (tên gọi khác là tưa lưỡi, nấm lưỡi) là tên gọi phổ biến của bệnh nhiễm trùng miệng do sự phát triển quá mức của nấm Candida

Dấu hiệu nhận biết bị bệnh tưa lưỡi ở người lớn và trẻ em

Trong giai đoạn đầu của bệnh tưa lưỡi, người bệnh chưa cảm nhận được các dấu hiệu một cách rõ ràng. Khi tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn, cơ thể bắt đầu xuất hiện nhiều triệu chứng cụ thể hơn:

  • Triệu chứng chung khi bị tưa lưỡi: Mảng màu trắng kem, đục như phô mai, bám trên bề mặt lưỡi, lợi, vòm miệng, trong cổ họng và khóe miệng khiến bạn cảm thấy khó chịu.

  • Triệu chứng trẻ sơ sinh bị tưa lưỡi: Bé luôn cảm thấy khó chịu, bứt rứt, khó bú, quấy khóc và có thể bị sốt nếu nhiễm trùng lây lan vào trong thực quản.

  • Triệu chứng bị tưa lưỡi ở người lớn: Xuất hiện cảm giác đau nhức, nóng rát ở trong miệng, khó nuốt thức ăn, rối loạn vị giác, khô miệng, có thể chảy máu nếu các mô trong miệng bị cọ xát nhiều với thức ăn,...

Trẻ sơ sinh bị tưa lưỡi thường quấy khóc

Tưa lưỡi có thể lây từ bầu vú của mẹ sang con trong quá trình bú. Dưới đây là các dấu hiệu cho thấy bầu ngực của mẹ đã bị nhiễm nấm và nên dừng cho con bú trực tiếp để tránh lây lan:

  • Núm vú sưng đỏ, nứt hoặc ngứa một cách bất thường.

  • Vùng quầng vú bị bong da, bong tróc.

  • Xuất hiện cảm giác đau nhói sâu bên trong vú một cách bất thường khi cho con bú.

Cách điều trị bệnh tưa miệng do nấm Candida gây nên

Chẩn đoán bệnh tưa miệng

Nha sĩ hoặc bác sĩ chẩn đoán bệnh nấm lưỡi bằng cách quan sát bên trong miệng của bạn. Bác sĩ sẽ cố gắng cạo sạch bất kỳ mảng bám màu trắng nào bằng que đè lưỡi hoặc một miếng gạc. Sau đó, bác sĩ sẽ gửi mẫu vết mảng bám này đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Trong một số trường hợp nhất định, bạn sẽ cần phải thực hiện sinh thiết. Trong quá trình này, một mảnh da nhỏ sẽ được lấy đi và kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Ở hầu hết các bệnh nhân, những bước trên là tất cả những gì cần được thực hiện để chẩn đoán. 

Tuy nhiên, nếu bạn bị tưa miệng thường xuyên hoặc điều trị mãi không hết, có thể vấn đề đến từ bệnh nội khoa, xuất phát từ bệnh tiểu đường, ung thư và nhiễm HIV... Trong trường hợp này, bạn cần phải thực hiện xét nghiệm máu hoặc các loại xét nghiệm khác. Bác sĩ hoặc nha sĩ sẽ hỏi về lịch sử bệnh án của bạn đối với những căn bệnh này và liều thuốc mà bạn sử dụng gần đây.

Bác sĩ hoặc nha sĩ cũng sẽ hỏi về việc sử dụng kháng sinh hoặc các loại thuốc bạn sử dụng gần đây mà có khả năng gây ức chế hệ thống miễn dịch. Ví dụ như thuốc có chứa steroid hoặc thuốc hóa trị ung thư. Bác sĩ cũng xác định xem bạn có đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào gây khô miệng hay không.

 

Cách điều trị bệnh tưa miệng do nấm Candida gây nên

Thời gian ủ bệnh nấm miệng thường gặp

Với phương pháp điều trị thích hợp, hầu hết các trường hợp mắc tưa miệng đơn giản có thể được chữa khỏi trong khoảng từ 7 đến 14 ngày.

Điều trị bệnh tưa miệng

Bác sĩ điều trị bệnh tưa miệng, nấm lưỡi bằng thuốc chống nấm như:

  • Nystatin (Mycostatin, Nilstat).

  • Clotrimazole (Mycelex).

  • Ketoconazole (Nizoral).

  • Fluconazole (Diflucan).

Đối với những trường hợp nhẹ, có thể sử dụng nước súc miệng nystatin hoặc viên ngậm clotrimazole. Đối với những trường hợp nặng hơn, có thể dùng ketoconazole hoặc fluconazole một lần một ngày trong vòng 7 đến 10 ngày. Các vết thương ở khóe miệng có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc mỡ nystatin.

Sau khi điều trị bệnh tưa miệng thành công, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên chuyển từ các loại thuốc kháng sinh có thể là nguyên nhân gây khô miệng nghiêm trọng sang các loại thuốc ít gây khô miệng hơn. Chỉ có bác sĩ của bạn mới có thể thay đổi các loại thuốc theo toa mà bạn đang dùng. 

Đôi khi, không thể thay thế thuốc vì lý do sức khỏe. Trong trường hợp này, bạn nên uống nhiều nước hơn, sử dụng kem dưỡng ẩm miệng và điều tiết nước bọt thường xuyên.

Khi nào nên gọi bác sĩ?

Gọi cho bác sĩ hoặc nha sĩ của bạn bất cứ khi nào các mảng bám màu trắng giống như sữa đặc xuất hiện trong miệng bạn hoặc trong miệng con của bạn. Gọi bác sĩ nhi khoa của con bạn ngay lập tức bất cứ khi nào xuất hiện kích ứng miệng gây cản trở việc ăn uống bình thường. 

Bệnh tưa miệng rất hiếm khi ảnh hưởng đến thực quản và việc ăn uống. Nếu điều này xảy ra, bạn nên gọi cho nha sĩ hoặc bác sĩ của mình. Tất cả các bệnh nhân bị ức chế hệ thống miễn dịch nên kiểm tra các vấn đề về răng miệng thường xuyên.

Cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh tưa lưỡi do nhiễm nấm Candida

Cách chăm sóc người bị bệnh tưa miệng do nấm Candida

- Đối với trẻ sơ sinh: Cần điều trị cả trẻ lẫn mẹ để tránh tái nhiễm.

+ Sử dụng thuốc kháng nấm do bác sĩ kê toa chỉ định dành cho mẹ.

+ Các vật dụng sử dụng cho trẻ sơ sinh như bình sữa, núm vú, máy hút sữa… Các bộ phận này cần tháo rời và khử khuẩn sạch sẽ.

+ Chăm sóc và đánh tưa cho bé bằng cách đặt bé nằm ngửa, vệ sinh tay sạch sẽ và quấn gạc mềm vào đầu ngón trỏ và đánh tưa cho bé theo thuốc kê đơn của bác sĩ.

- Đối với trẻ em và người lớn: Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ chỉ định.

Cách phòng ngừa bệnh tưa lưỡi

+ Chỉ sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. 

+ Hãy gặp nha sĩ ngay khi bạn cảm thấy bất kỳ kích ứng miệng nào hoặc cảm thấy đau nhức xung quanh răng giả.

+ Nếu có kế hoạch mang thai, cần khám và điều trị nấm candida trước khi mang thai.

+ Hãy chia sẻ với bác sĩ của bạn nếu bạn có bất kỳ dịch tiết nào trong âm đạo có màu trắng, đục trong khi bạn đang mang thai.

+ Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đánh răng tối thiểu 2 lần một ngày.

+ Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch.

+ Hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều đường.

+ Bỏ hút thuốc lá, hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, bia,…

+ Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

+ Đối với trẻ sơ sinh, bố mẹ giữ vệ sinh miệng cho trẻ thật sạch sẽ, rơ lưỡi thường xuyên, vệ sinh núm vú của mẹ và núm vú bình. Khi mẹ bị nhiễm nấm, phải dừng cho trẻ bú trực tiếp và điều trị dứt điểm để tránh lây lan.

Câu hỏi thường gặp khi bị tưa lưỡi

Nấm miệng và tưa lưỡi có khác nhau không?

Nấm miệng và tưa lưỡi là tên gọi của cùng một tình trạng niêm mạc miệng bị tổn thương. Nấm miệng trong dân gian còn được gọi là tưa miệng, tưa lưỡi hay đẹn trăng.

Làm gì khi trẻ sơ sinh bị tưa lưỡi?

Đối với trường hợp tưa lưỡi mức độ nhẹ, bố mẹ có thể gạc thấm nước muối sinh lý hoặc dung dịch iod povidine 1% để vệ sinh miệng bé hàng ngày, đặc biệt là sau khi ăn. Khi tưa lưỡi nhiễm nặng, trẻ bỏ bú, đau nhiều và bị nấm trên diện rộng, bố mẹ nên đưa bé đến thăm khám tại trung tâm y tế.

Lưu ý, bố mẹ không cố cậy tưa lưỡi dưới mọi hình thức để tránh tổn thương lưỡi của bé, thậm chí là chảy máu. Sau khi đã điều trị tưa lưỡi, bố mẹ vẫn phải tiếp tục vệ sinh lưỡi cho trẻ trong ít nhất 2 ngày để hạn chế tình trạng tái phát bệnh.

Ở hầu hết các bệnh nhân khỏe mạnh, viêm nhiễm tưa miệng được điều trị đúng cách sẽ biến mất mà không gây ra bất kỳ tổn thương vĩnh viễn nào cho da. Viêm nhiễm có thể không tái phát, nếu bạn có lối sống lành mạnh và một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, những người mắc bệnh lâu năm hoặc có hệ thống miễn dịch suy yếu có thể bị bệnh tưa miệng thường xuyên. Ở một số bệnh nhân bị suy nhược, nấm Candida thậm chí có thể lan đến cổ họng, gây viêm thực quản hoặc lây lan đến các bộ phận khác trong cơ thể.