Bệnh khô miệng là gì
Badge field

Khô miệng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Published date field

Được Colgate Global Scientific Communications đánh giá về mặt y khoa.

Khô miệng không chỉ gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến chức năng nhai mà còn có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe răng miệng khác. Bài viết dưới đây của Colgate sẽ giải đáp nguyên nhân gây khô miệng và cách khắc phục khô miệng tại nhà.

Khô miệng là gì?

Khô miệng là tình trạng thiếu nước bọt trong miệng. Lượng nước bọt sụt giảm không đủ để giữ ẩm cho khoang miệng. Khô miệng có thể xuất phát từ việc không uống đủ nước, ăn thức ăn cay, khô, thời tiết hanh khô hoặc há miệng khi ngủ,...

Tình trạng uống nhiều nước nhưng vẫn khô miệng có thể do tác dụng phụ của thuốc hoặc các bệnh lý răng miệng từ trước. Thuốc là nguyên nhân phổ biến nhất gây khô miệng, nhưng các bệnh làm yếu hệ thống miễn dịch (thường là hội chứng Sjögren hoặc HIV) và xạ trị cũng có thể dẫn đến vấn đề này.

 

Khô miệng là gì?

Dấu hiệu phổ biến của chứng khô miệng

Các triệu chứng khô miệng thường gặp bao gồm:

  • Cảm giác dính, khô ran trong miệng.

  • Môi nứt nẻ, miệng khô và dễ chảy máu.

  • Viêm lưỡi, lưỡi nóng rát, khô và có cảm giác nóng và đau như kim châm.

  • Loét miệng, nổi nhiệt miệng.

  • Thay đổi vị giác hoặc có mùi kim loại trong miệng, ăn không ngon.

  • Hơi thở có mùi khó chịu.

  • Khó khăn khi cử động miệng, nói, nhai, nuốt và sử dụng răng giả.

  • Khô họng, rát miệng, nứt da quanh góc miệng, môi.

Nguyên nhân gây khô miệng

Tác dụng phụ của thuốc điều trị

Tình trạng khô miệng thường xuyên xảy ra có thể xuất phát từ tác dụng phụ của một số loại thuốc hỗ trợ điều trị như thuốc điều trị huyết áp cao, thuốc thông mũi, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau hoặc hen suyễn,... Nếu thuốc là nguyên nhân gây khô miệng, bạn cần xin ý kiến bác sĩ điều chỉnh đơn thuốc hoặc cần phải được kê đơn thuốc khác.

Cơ thể thiếu nước

Một trong những nguyên nhân chính gây ra khô miệng là thiếu nước trong cơ thể. Khi cơ thể mất nước do không uống đủ nước hoặc do mất nước qua mồ hôi, tiểu, hoặc tiêu chảy, có thể dẫn đến tình trạng khô miệng.

Há miệng khi ngủ

Há miệng khi ngủ cũng có thể là một nguyên nhân gây khô miệng. Khi há miệng, lớp nước bọt bảo vệ niêm mạc miệng sẽ bị khô dần, dẫn đến cảm giác khát và khô miệng khi thức dậy.

Sử dụng thuốc lá, rượu bia, ma túy

Hóa chất trong thuốc lá, rượu bia, ma túy có thể làm tăng các triệu chứng khô miệng và ảnh hưởng đến sức khỏe chung của răng miệng.

Thoái hóa thần kinh không chủ định (chấn thương vùng cổ)

Chấn thương vùng cổ có thể gây ra tác động lên các dây thần kinh chịu trách nhiệm điều chỉnh hoạt động của các tuyến nước bọt, bao gồm tuyến nước bọt chính và tuyến nước bọt nhỏ khác trong miệng. Nếu có tổn thương hoặc tác động đến các dây thần kinh này, nó có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất nước bọt và gây khô miệng.

Bệnh lý ảnh hưởng đến tuyến nước bọt

Hội chứng Sjögren (là một bệnh lý tự miễn liên quan đến các tuyến ngoại tiết trong cơ thể như tuyến lệ, tuyến nước bọt), bệnh tiểu đường, bệnh Hodgkin, bệnh Parkinson, hội chứng HIV/AIDS và bệnh Alzheimer (chứng giảm trí nhớ ở người già) đều ảnh hưởng đến tình trạng tiết nước bọt trong khoang miệng, dẫn đến khô miệng.

Hóa trị, xạ trị điều trị ung thư

Các loại thuốc dùng cho điều trị ung thư có thể làm cô đặc hoặc giảm tác dụng của nước bọt, khiến miệng của bạn trở nên khô hơn. Quá trình xạ trị cũng có thể gây tổn thương tuyến nước bọt nếu vùng đầu hoặc cổ của bạn tiếp xúc với bức xạ khi điều trị ung thư. Hiện tượng mất nước bọt có thể xảy ra tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Khô miệng ở người lớn tuổi

Một số người trung niên và người lớn tuổi có xu hướng trải qua tình trạng khô miệng do sự giảm sản xuất nước bọt và hoạt động của tuyến nước bọt.

Ngoài ra, môi trường khô nóng, căng thẳng, lo lắng và sử dụng quá nhiều các loại thực phẩm và đồ uống có cồn hoặc caffeine cũng có thể gây khô miệng. Nếu bạn gặp tình trạng khô miệng kéo dài hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được khám và tư vấn thêm.

 

Nguyên nhân bị khô miệng phổ biến

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị khô miệng

Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng khô miệng:

  • Bệnh tiểu đường, hội chứng Sjogren và các vấn đề sức khỏe mãn tính khác.

  • Sử dụng thuốc.

  • Hút thuốc.

  • Sử dụng chất kích thích như caffeine, rượu bia, ma túy,...

  • Có tiền sử xạ trị.

  • Thần kinh bị tổn thương.

  • Thường xuyên căng thẳng, lo âu.

  • Người cao tuổi.

Ảnh hưởng của khô miệng đến sức khỏe cơ thể

Nước bọt đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát vi khuẩn, làm sạch mảng bám, tăng cường vị giác, hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Do đó, tình trạng giảm tiết nước bọt, khô miệng thường xuyên sẽ gây ra các vấn đề như hôi miệng, viêm nướu, sâu răng, tưa miệng, lở miệng, nứt môi, suy dinh dưỡng do nhai nuốt kém,...

Cách điều trị khô miệng hiệu quả

Để giảm triệu chứng khô miệng, bạn có thể áp dụng các phương pháp điều trị nào dưới đây:

  • Uống đủ nước, ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, đồng thời nên tăng cường bổ sung trái cây có nhiều nước, thực phẩm lỏng.

  • Ăn thức ăn mềm, ít gia vị và không quá khô; hạn chế ăn thức ăn cay hoặc mặn, các thực phẩm giòn như khoai tây chiên hoặc bỏng ngô.

  • Hạn chế sử dụng rượu, thực phẩm chứa cafein, bánh kẹo, thực phẩm có tính axit,...

  • Sử dụng các loại kẹo không đường hoặc nhai kẹo cao su không đường để tăng tiết nước bọt.

  • Sử dụng máy tạo độ ẩm, máy phun sương, máy phun tinh dầu trong phòng ngủ vào ban đêm.

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng với kem đánh răng chứa fluor hai lần một ngày và vệ sinh kẽ răng hàng ngày với chỉ nha khoa hoặc máy tăm nước.

  • Hạn chế thở bằng miệng, há miệng khi ngủ, ngáy khi ngủ.

  • Chữa trị các bệnh lý gây khô miệng.

  • Dừng sử dụng thuốc điều trị có tác dụng phụ gây khô miệng (cần tham vấn ý kiến bác sĩ).

  • Với tình trạng khô miệng nặng, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc kích thích tiết nước bọt như pilocarpine, cevimeline,...

  • Sử dụng nước bọt nhân tạo theo kê đơn của bác sĩ để làm ẩm miệng của bạn. Nước bọt nhân tạo thường là một loại thuốc xịt hoặc gel sử dụng trong miệng bất cứ khi nào bạn cảm thấy khô miệng.

 

Uống nhiều nước nhưng vẫn khô miệng

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Hãy thăm khám bác sĩ nếu như đang mắc phải tình trạng khô miệng với các dấu hiệu bất thường như:

  • Đột ngột bị khô miệng.

  • Đi tiểu thường xuyên hoặc bị nhiễm trùng.

  • Thường xuyên bị khô miệng kéo dài hơn 2 tuần.

  • Không nhai, nói hoặc nuốt được.

  • Khó đeo răng giả.

  • Sâu răng quá nhiều.

Với trường hợp khô miệng do dùng thuốc, bác sĩ có thể quyết định thay đổi đơn thuốc của bạn để giảm bớt các triệu chứng khô miệng. Nếu tuyến nước bọt của bạn hoạt động kém, bác sĩ có thể kê cho bạn một loại thuốc giúp tuyến nước bọt hoạt động tốt hơn.

Một số bệnh lý có thể gây khô miệng chẳng hạn như hội chứng Sjögren, bệnh Alzheimer. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ đề nghị sử dụng nước bọt nhân tạo giúp làm tăng lượng nước bọt trong miệng.

Các biện pháp phòng ngừa khô miệng

Chứng khô miệng gây ra nhiều bất tiện và khó khăn khi ăn uống hoặc nói chuyện. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa khô miệng dưới đây:

  • Uống nước thường xuyên để giữ cho miệng không bị khô.

  • Uống nước hoặc sữa trong bữa ăn giúp giữ ẩm và hỗ trợ quá trình nhai và nuốt.

  • Sử dụng máy làm ẩm không khí trong phòng ngủ để giảm khô miệng vào buổi sáng thức dậy.

  • Hạn chế các thức ăn và đồ uống có đường, có tính axit hoặc chứa caffein.

  • Thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần để làm sạch, lấy cao răng và kiểm tra sức khỏe răng miệng.

  • Hạn chế sử dụng nước súc miệng chứa cồn, không hút thuốc lá, không uống rượu bia, hạn chế dùng thuốc không kê đơn có thể gây khô miệng như thuốc kháng histamin và thuốc thông mũi.

Khô miệng là một tình trạng phổ biến xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài và không có dấu hiệu dừng lại, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để kiểm tra, điều trị kịp thời.

Nguồn tham khảo:

1. Hennessy, B.J. (2023) Xerostomia - dental disorders, MSD Manual Professional Edition. Available at: https://www.msdmanuals.com/professional/dental-disorders/symptoms-of-dental-and-oral-disorders/xerostomia (Accessed: 11 July 2023).

2. Villa, A., Connell, C.L. and Abati, S. (2014) Diagnosis and management of Xerostomia and hyposalivation, Therapeutics and clinical risk management. Available at: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4278738/ (Accessed: 11 July 2023). 

3. NIDCR, N.I. of D. and C.R. (2022) Dry mouth, National Institute of Dental and Craniofacial Research. Available at: https://www.nidcr.nih.gov/health-info/dry-mouth (Accessed: 11 July 2023).

4. Staff, M.C. (2018) Dry mouth, Mayo Clinic. Available at: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dry-mouth/symptoms-causes/syc-20356048 (Accessed: 11 July 2023).