Làm sao để chữa sưng lợi
Badge field

Nguyên nhân bị sưng nướu răng và điều trị nướu răng bị sưng

Published date field
Published date field Cập nhật mới nhất:

Được Colgate Global Scientific Communications đánh giá về mặt y khoa

Được Colgate Global Scientific Communications đánh giá về mặt y tế.

Bị sưng nướu răng (hay còn gọi là sưng lợi) là tình trạng phần mô nướu quanh chân răng bị tổn thương, sưng tấy và đau nhức. Nướu răng bị sưng là bệnh về nướu rất phổ biến ở mọi độ tuổi và gây nhiều khó khăn cho bệnh nhân khi ăn uống, nói chuyện. Cách tốt nhất để điều trị nướu bị sưng là phát hiện các dấu hiệu và điều trị dứt điểm nguyên nhân gây bệnh. Các thông tin về dấu hiệu đau nướu răng, nguyên nhân và cách trị sưng nướu sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.

Nướu răng bị sưng đau là bệnh gì?

Nướu răng hay lợi răng là bộ phận quan trọng đối với sức khoẻ răng miệng của bạn giúp bao phủ xương hàm và bảo vệ chân răng khỏi vi khuẩn gây hại. Nướu răng bị sưng là một triệu chứng phổ biến của bệnh viêm nướu và các loại bệnh nướu răng khác. Nướu bị sưng thường bị kích ứng, nhạy cảm và dễ chảy máu hơn khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa.

Các dấu hiệu nhận biết bị sưng nướu răng

Dấu hiệu nhận biết nướu răng bị sưng dễ thấy nhất:

  • Nướu sưng tấy đỏ. Nướu bị sưng có màu đỏ tía hoặc đỏ sẫm thay vì màu hồng bình thường.

  • Nướu bị sưng phồng, nhạy cảm. Sưng nướu có thể làm cho vùng nướu trở nên căng phồng, nhô to hơn bình thường và cảm thấy đau nướu răng khi ăn, nhai hoặc chạm vào.

  • Bị chảy máu chân răng khi đánh răng, dùng chỉ nha khoa, hoặc cắn thức ăn cứng, giòn.

  • Bị hôi miệng dai dẳng. Khi lợi sưng và viêm, vi khuẩn có thể phát triển mạnh tại vị trí tiếp xúc giữa nướu và răng gây mùi hôi miệng.

  • nướu bị tụt (tụt lợi) hoặc không dính vào chân răng.

Nếu tình trạng nướu răng bị sưng trở nên nặng hơn hoặc kéo dài hơn 2 tuần, hãy đến khám nha sĩ ngay lập tức để phòng ngừa các biến chứng nặng như viêm nha chu, áp xe răng.

 

Các dấu hiệu nhận biết sưng nướu răng: nướu tấy đỏ và sưng phù

 

15 nguyên nhân khiến nướu răng bị sưng

Nướu răng bị sưng là dấu hiệu của bệnh gì?

Theo Phòng khám Cleveland Clinic, nguyên nhân bị sưng lợi có thể là dấu hiệu của một số bệnh răng miệng như:

  • Viêm nướu (viêm lợi răng): Đây là nguyên nhân chính khiến nướu răng bị sưng. Viêm nướu xảy ra do mảng bám trên răng tích tụ gây kích ứng nướu, và sự phát triển của vi khuẩn sản sinh độc tố làm nướu bị sưng và mềm.

  • Viêm nha chu. Viêm nha chu là tình trạng nướu bị viêm nghiêm trọng, với các triệu chứng bao gồm đau nướu răng, chảy máu hoặc bị sưng lợi. Nếu không được điều trị, nó sẽ ăn mòn xương nâng đỡ răng của bạn, dẫn đến lung lay và mất răng.

  • Áp xe răng. Áp xe răng là một túi mủ do nhiễm vi khuẩn trong nướu răng. Áp xe thường trông giống như vết sưng đỏ, sưng tấy, hoặc mụn nhọt. Nó ảnh hưởng đến răng liên quan, nhưng nhiễm trùng nướu cũng có thể lan sang xương xung quanh và các răng lân cận.

  • Sâu răng hoặc sâu chân răng. Sâu răng là một lỗ trên răng phát triển do vi khuẩn tạo ra axit ăn mòn lớp men răng. Sâu răng trên bề mặt men răng bên ngoài thường không gây đau hoặc triệu chứng. Tuy nhiên khi sâu răng lan đến tuỷ sẽ gây đau nướu răng, bị sưng lợi và hôi miệng.

  • Nhiễm trùng do nấm và vi rút có khả năng gây sưng nướu. Nếu bạn bị nhiễm vi rút Herpes SV1, nó có thể dẫn đến tình trạng viêm nướu răng miệng cấp tính và là nguyên nhân sưng nướu. Hoặc bệnh tưa miệng do nấm Candida phát triển quá mức cũng có thể gây ra sưng lợi.

Các nguyên nhân khác gây sưng lợi và sưng nướu

Theo Học viện Nha chu Hoa Kỳ, nướu răng bị sưng còn xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

  • Đánh răng quá mạnh. Chải răng quá mạnh, đánh răng không đúng cách hoặc sử dụng bàn chải lông cứng có thể khiến bạn bị sưng nướu răng.

  • Bị mắc dị vật trong nướu. Những dị vật từ thức ăn thừa như vỏ bỏng ngô, thức ăn thừa, xương cá,... có thể mắc lại trong nướu răng gây sưng nướu.

  • Ăn thức ăn quá cứng hoặc quá dẻo liên tục làm tổn thương nướu khiến nướu bị sưng.

  • Răng mọc không đúng vị trí. Răng mọc lệch, chen chúc các răng khác tạo ra những vị trí khó làm sạch, dẫn đến tích tụ mảng bám gây sưng lợi, sưng chân răng.

  • Tác dụng phụ của thuốc. Lợi bị sưng có thể là tác dụng phụ của một loại thuốc mới mà bạn đang dùng. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về các tác dụng của thuốc và đề xuất một số loại thay thế.

  • Lấy cao răng không đúng cách. Tự lấy cao răng tại nhà hoặc lấy cao răng tại những phòng khám thiếu chất lượng rất dễ khiến bạn bị sưng nướu răng.

  • Chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng, vitamin B, vitamin C. Nếu bạn không ăn hoặc ăn ít nhóm thực phẩm chất xơ và vitamin như trái cây, rau củ thì khả năng đây là nguyên nhân khiến nướu bị sưng. Đặc biệt, sự thiếu hụt vitamin C có thể gây ra viêm lợi răng nếu bạn không bổ sung đủ liều lượng được khuyến nghị từ 75-90mg/ngày.

  • Đau nướu răng do thay đổi nội tiết tố khi mang thai. Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ, nướu bị sưng, đau nướu răng và trở nên nhạy cảm là điều thường thấy khi mang thai. Trong thời kỳ mang thai, thay đổi nội tiết tố sẽ làm giảm khả năng cơ thể bạn phản ứng với vi khuẩn và khiến tình trạng sưng nướu tăng lên.

  • Bị sưng lợi do thiết bị nha khoa. Các dụng cụ chỉnh nha như mắc cài niềng răng và răng giả là một trong những nguyên nhân gây sưng lợi hoặc đau nướu răng. Khi cảm thấy lợi bị sưng ở khu vực lắp mắc cài, hãy chia sẻ với nha sĩ để được điều chỉnh hoặc lắp lại cho vừa vặn.

  • Hút thuốc hoặc sử dụng các sản phẩm chứa nicotin. Sử dụng thuốc lá gây hại cho mọi cơ quan trong cơ thể bạn. Những người sử dụng thuốc lá có thể bị bệnh nướu răng, sâu răng, mất răng, ung thư miệng, thực quản và tuyến tụy.

  • Thay đổi loại kem đánh răng mới: Sử dụng nhãn hiệu kem đánh răng hoặc nước súc miệng mới có thể khiến cơ thể phản ứng với các thành phần đó dẫn đến sưng lợi.

     

Sưng nướu răng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra
 

Các vị trí sưng nướu răng thường gặp

Nướu bị sưng có thể xảy ra ở bất kỳ vùng nướu/lợi nào trong khoang miệng. Thông thường, một số vị trí bị sưng lợi phổ biến như:

  • Sưng chân răng: Các chân răng tiếp xúc với lợi đều có thể bị sưng nếu như không được vệ sinh răng miệng đúng cách và loại bỏ mảng bám kỹ càng.

  • Sưng nướu xung quanh răng cửa: Đây là vị trí thường xuyên bị sưng nướu răng do mảng bám và vi khuẩn tích tụ nhiều trong quá trình ăn uống. Vi khuẩn tích tụ lâu dần sẽ sản sinh ra axit gây đau nướu răng.

  • Sưng nướu răng trong cùng hàm dưới và hàm trên: Nướu răng trong cùng của hàm trên và hàm dưới là 2 vị trí thường bị tác động mạnh do nhai trúng vật cứng gây xước và viêm nhiễm.

  • Sưng nướu răng khôn. Khi mọc răng khôn, sưng lợi và đau nhức xương hàm là những dấu hiệu đi kèm. Vì răng khôn nằm ở vị trí cuối cùng trong hàm nơi bàn chải khó tiếp cận để làm sạch nên tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công khiến lợi bị sưng mủ, viêm nhiễm.

     

Nướu răng bị sưng ở bất kỳ vùng nướu nào trong khoang miệng
 
 

Cách chữa sưng nướu răng, sưng lợi tại nhà nhanh nhất

Để điều trị nướu răng bị sưng và lợi bị sưng hồi phục nhanh chóng, bạn nên tuân thủ các điều nên làm và không nên làm dưới đây:

Các điều nên làm khi điều trị sưng nướu răng

  • Chải răng 2 lần/ngày và dùng chỉ nha khoa thường xuyên. Nếu nướu bị sưng do viêm nướu răng, biện pháp tốt nhất để khắc phục vấn đề này là thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách và đều đặn 2 lần/ngày kết hợp dùng nước súc miệng và chỉ nha khoa.

  • Cải thiện chế độ ăn uống của bạn. Tăng lượng trái cây và rau quả của bạn, đồng thời tránh sử dụng nước ngọt và đồ uống có chứa caffein trong thời gian điều trị lợi bị sưng.

  • Súc miệng bằng nước muối. Muối giúp giảm cơn sưng lợi và làm dịu cơn đau nướu răng.

  • Uống thuốc chống viêm lợi răng. Dùng thuốc chống viêm không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen, có thể giúp giảm nướu răng bị sưng, cũng như giảm đau răngê buốt.

  • Ăn thức ăn mát giảm sưng nướu. Nếu tình trạng nướu nhạy cảm của bạn không lan sang răng, hãy ăn thức ăn mềm và mát, những loại thức ăn này có thể giúp giảm sưng nướu răng và làm dịu một số cơn đau.

  • Dùng sản phẩm chứa benzocaine. Nếu bị sưng nướu răng khiến bạn khó ăn, uống hoặc nói chuyện, hãy thử sử dụng sản phẩm có chứa benzocaine. Benzocaine thường được bôi trực tiếp lên chỗ sưng hoặc có trong nước súc miệng giúp giảm đau và làm dịu chỗ viêm tạm thời.

  • Khám răng định kỳ 6 tháng/lần. Nếu tình trạng kích ứng nướu của bạn vẫn còn tiếp diễn, hãy hẹn gặp nha sĩ của mình. Nha sĩ có thể giúp bạn xác định nguyên nhân gây sưng nướu và đề xuất các phương án điều trị.
     

 Cách chữa sưng nướu răng hiệu quả tại nhà

 

Các điều cần tránh làm khi điều trị sưng nướu răng

  • Tránh các yếu tố gây kích ứng. Không nên tiếp tục sử dụng kem đánh răng hoặc nước súc miệng có cồn gây kích ứng miệng. Nếu bạn thấy mình bị dị ứng hoặc nhạy cảm với kem đánh răng mới, hãy ngừng sử dụng và quay lại với loại kem đánh răng quen thuộc. Nước súc miệng sát khuẩn cũng có thể gây kích ứng, vì vậy hãy tránh sử dụng những loại dung dịch này nếu bạn đang bị sưng nướu răng.

  • Không sử dụng rượu, bia và thuốc lá. Các sản phẩm này đều gây kích ứng nướu của bạn và có thể khiến tình trạng sưng tấy trở nên nghiêm trọng hơn.

  • Tránh ăn các loại thực phẩm dầu mỡ, có đường. Các loại thực phẩm như bỏng ngô và khoai tây chiên có thể mắc thức ăn thừa dưới nướu và gây sưng tấy. Bạn cũng nên tránh các loại thức ăn và đồ uống có đường để hạn chế tình trạng lợi bị sưng nặng hơn.

     

Hút thuốc lá làm tình trạng bị sưng nướu răng nghiêm trọng hơn

 

Cách ngăn ngừa nướu bị sưng cần biết

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách

Cách tốt nhất để ngăn ngừa lợi bị sưng và ngăn chặn sự tích tụ mảng bám ngay từ đầu là chải răng kỹ hai lần một ngày (buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ), dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần và sử dụng nước súc miệng 1 ngày 2 lần.

  • Khám răng định kỳ 6 tháng/lần

Ngoài ra, hãy đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần để lấy cao răng và kiểm tra sức khỏe răng miệng nhằm đề phòng mọi vấn đề tiềm ẩn các bệnh lý. Ngay cả khi duy trì thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách, mảng bám vẫn có thể tích tụ và trở thành cao răng, mà chỉ có thể được loại bỏ tại nha khoa được nha sĩ thực hiện vệ sinh răng miệng chuyên nghiệp.

  • Bổ sung vitamin và khoáng chất trong bữa ăn

Chế độ ăn đủ chất rất quan trọng việc giữ gìn và duy trì sức khoẻ răng miệng của bạn. Đặc biệt, các khoáng chất như vitamin C, K sẽ tăng cường hệ miễn dịch, duy trì sự khỏe mạnh và đàn hồi của nướu.

Nướu răng bị sưng hay bị sưng lợi có thể gây đau và khó chịu, nhưng trong hầu hết các trường hợp, vấn đề này có thể được điều trị dễ dàng. Khi đã tìm ra nguyên nhân cơ bản, bạn có thể bắt đầu tự điều trị sưng nướu răng tại nhà và trao đổi với nha sĩ để xin ý kiến chuyên môn. Hy vọng bạn sẽ có nụ cười rạng ngời!

Nguồn tham khảo:

1. Clinic, M. (2017) Gingivitis, Mayo Clinic. Available at: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gingivitis/symptoms-causes/syc-20354453 (Accessed: 03 July 2023).

2. Chow AW. Infections of the oral cavity, neck, and head. In: Bennett JE, Dolin R, Blaser MJ, eds. Mandell, Douglas and Bennett's Principles and Practice of Infectious Diseases. 9th ed. Philadelphia, PA: Elsevier; 2020:chap 64.

3. Wint, C. (2022) What causes swollen gums?, Healthline. Available at: https://www.healthline.com/health/gums-swollen (Accessed: 03 July 2023). 

4. professional, C.C. medical (2023) Why do I have swollen gums?, Cleveland Clinic. Available at: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24907-swollen-gums (Accessed: 03 July 2023). 

5. Wint, C. (2022b) What causes swollen gums?, Healthline. Available at: https://www.healthline.com/health/gums-swollen (Accessed: 03 July 2023).