Dù đã vệ sinh răng miệng sạch sẽ nhưng hơi thở của bạn vẫn có mùi thì hãy đọc ngay bài viết sau. Colgate sẽ chia sẻ đến bạn đọc nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này.
Nguyên nhân hơi thở có mùi hôi
Hơi thở có mùi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nhưng phổ biến nhất là do:
Hơi thở có mùi do khô miệng, khô cổ họng: Một trong những nguyên nhân khiến hơi thở có mùi sau khi ngủ dậy vào buổi sáng là do khô miệng hoặc khô cổ họng. Nước bọt đóng vai trò tiêu diệt các vi khuẩn gây mùi trong miệng. Thở bằng miệng khi ngủ khiến lượng nước bọt bay hơi, không đủ để tiêu diệt vi khuẩn gây mùi. Tình trạng khô miệng cũng xảy ra ở người tập luyện thể thao và chỉ cần uống nước thường xuyên sẽ khắc phục được.
Vệ sinh răng miệng không đúng cách: Lười vệ sinh răng miệng hoặc vệ sinh răng miệng không đúng cách là nguyên nhân phổ biến nhất khiến hơi thở có mùi. Các mảng thức ăn bám vào răng, nướu lâu ngày sẽ hình thành các ổ vi khuẩn trong miệng gây hôi miệng và sâu răng.
Ăn thực phẩm dễ gây mùi: Hành, tỏi, súp lơ, bắp cải hoặc một số loại gia vị khác cũng là nguyên nhân gây mùi hôi trong hơi thở. Mặc dù mùi của những loại thực phẩm này có thể biến mất sau khoảng từ 1-2 tiếng nhưng vẫn có thể quay trở lại khi bạn ợ hơi đặc biệt là hơi thở có mùi tỏi.
Sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia: Thành phần hóa học trong thuốc lá sẽ khiến khoang miệng tiết ra ít nước bọt hơn bình thường và gia tăng hợp chất gây mùi từ đó làm cho hơi thở người hút thuốc lá có mùi hôi. Tương tự như việc uống rượu, cơ thể sẽ chuyển hóa rượu thành một chất có mùi khó chịu. Cồn trong rượu còn khiến bạn bị khô miệng khi ngủ.
Hôi miệng do một số bệnh lý: Tình trạng hơi thở có mùi có thể do ảnh hưởng từ một số bệnh mũi họng như: Sâu răng, viêm xoang, viêm họng, viêm nướu, viêm nha chu, vết loét trong khoang miệng, nhiễm nấm candida,... Đối với những người mắc bệnh ở cổ họng, khoang miệng thường chứa nhiều vi khuẩn, virus khiến cho hơi thở có mùi. Ngoài ra, người mắc bệnh liên quan đến dạ dày - ruột hoặc bệnh nhân tiểu đường, mắc các bệnh về gan, thận cũng khiến cho khoang miệng có mùi.
Nhịn đói: Khi không ăn, miệng không tiết ra nhiều nước bọt, dẫn đến tình trạng khô miệng và hơi thở có mùi.
Sử dụng thuốc gây khô miệng: Các loại thuốc kháng histamin, lợi tiểu, chống loạn thần và giãn cơ có thể khiến miệng của bạn bị khô, ít tiết nước bọt, dẫn đến hơi thở có mùi khó chịu.
Bị nghẹt mũi: Dịch nhầy trong mũi có chức năng lọc các hạt lạ hít vào cơ thể. Khi mũi bị nghẹt, dịch nhầy sẽ tích tụ sau cổ họng, các hạt lạ sẽ hít vào miệng, đọng trên bề mặt lưỡi, dẫn đến hôi miệng.
Niềng răng, chỉnh nha: Thức ăn dễ bám trên các thiết bị niềng răng, chỉnh nha như răng giả, cầu răng. Từ đó, dẫn đến tích tụ mảng bám và vi khuẩn gây hôi miệng.
Lượng đường trong máu cao: Hơi thở có mùi có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 1.
Mắc hội chứng Sjogren: Người mắc hội chứng Sjogren thường bị khô miệng, làm tăng nguy cơ hôi miệng.
>>> Xem thêm:
TOP 9 nguyên nhân gây hôi miệng phổ biến do thói quen xấu và bệnh lý
9 nguyên nhân bất ngờ gây hôi miệng ở trẻ em và cách phòng ngừa
Hôi miệng từ dạ dày: Nguyên nhân và cách khắc phục dứt điểm