Dị ứng xuất hiện khi hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng quá mức và bắt đầu sản sinh ra kháng thể khi cơ thể tiếp xúc với chất lạ như bụi, phấn hoa,... Tuy nhiên, bạn có biết chúng ta có thể bị dị ứng kem đánh răng? Trong một số trường hợp hiếm hoi, kem đánh răng có chứa các thành phần gây kích ứng hoặc phản ứng dị ứng với cơ thể. Cùng Colgate tìm hiểu các triệu chứng dị ứng kem đánh răng, những chất gây dị ứng phổ biến trong kem đánh răng, và cách xử lý khi bị dị ứng kem đánh răng.
Dấu hiệu nhận biết dị ứng kem đánh răng và nguyên nhân
Những dấu hiệu nhận biết dị ứng kem đánh răng?
Triệu chứng phổ biến khi dị ứng kem đánh răng là môi khô đóng vảy, căng cứng và rát ngứa quanh miệng sau khi đánh răng. Trong một số trường hợp, bạn cũng có thể cảm thấy mẫn cảm hoặc bỏng rát nhẹ. Nếu tiếp tục sử dụng, người bệnh có khả năng bị viêm chân răng, phồng rộp và lở loét vùng da quanh miệng.
Dị ứng kem đánh răng còn xảy ra bên trong khoang miệng với các biểu hiện nhiễm trùng như đau rát nướu, viêm nướu, lở loét miệng,... Xuất hiện các phản ứng dị ứng thông thường (chảy nước mắt, nổi phát ban, mẩn ngứa, mề đay, xung huyết,...).
Ngoài những triệu chứng viêm da, viêm trong miệng thường gặp trên, tùy vào thành phần gây dị ứng và cơ địa mỗi người mà người bệnh sẽ có những dấu hiệu dị ứng kem đánh răng khác nhau, cụ thể dưới đây.
Đau dạ dày
Một số người đặt câu hỏi kem đánh răng có ăn được không khi vô tình nuốt phải kem đánh răng. Trong kem đánh răng có chứa các thành phần hóa học, chất tạo mùi vị, chất bảo quản, chất làm trắng,... nên kem đánh răng không ăn được và không tốt cho sức khỏe khi nuốt phải. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi dị ứng kem đánh răng và lỡ nuốt kem đánh răng xuống dạ dày và đường tiêu hóa là cảm giác khó chịu dạ dày, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa,...
Sốc phản vệ
Trong trường hợp cơ thể người bệnh quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của kem đánh răng có thể dẫn tới tình trạng sốc phản vệ và gây tử vong nếu không can thiệp y tế kịp thời. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi bị sốc phản vệ là xây xẩm, chóng mặt, buồn nôn, ho, khó thở, tức ngực, ngất xỉu và mất ý thức.
Phản ứng dị ứng xảy ra càng nghiêm trọng hơn với những người có cơ địa dị ứng hoặc có tiền sử dị ứng. Tình trạng dị ứng kem đánh răng xảy ra nhanh hoặc chậm tùy thuộc vào hệ miễn dịch của mỗi người. Có người dị ứng ngay lần đầu sử dụng kem đánh răng, có người dùng hết tuýp kem mới phản ứng.
Những chất gây dị ứng có thể có trong kem đánh răng là gì?
Thành phần kem đánh răng có chứa nhiều chất có thể gây dị ứng. Tác nhân gây dị ứng kem đánh răng thường gặp nhất là do các chất tạo hương vị, tạo mùi như hương bạc hà hay hương quế,... Các thành phần hương liệu này giúp hơi thở thơm tho, giảm mùi của các thành phần khác cũng như tạo hứng thú khi đánh răng cho trẻ em.
Các chất hóa học trong kem đánh răng gây dị ứng, viêm môi, viêm nướu ít phổ biến hơn bao gồm:
Chất tạo bọt Cocamidopropyl betaine (CAPB).
Chất làm trắng răng cũng gây ra các biểu hiện khô môi, ê buốt răng.
Fluoride - Khoáng chất tự nhiên giúp men răng chắc khỏe và chống sâu răng.
Chất bảo quản Propylene glycol.
Tinh dầu như trà xanh, bạc hà, quế giúp kiểm soát vi khuẩn trong miệng.
Chất bảo quản Parabens.
Gluten - Chất ổn định và làm đặc kem đánh răng.
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có nhiều loại kem đánh răng không gây dị ứng cho những người bị dị ứng Fluoride, không dung nạp gluten và các vấn đề khác. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về tiền sử dị ứng và xin tư vấn loại kem đánh răng không gây dị ứng phù hợp nhất.
Xem thêm:
Kem đánh răng cho răng nhạy cảm chứa thành phần gì?
Cách chọn kem đánh răng an toàn cho bé
Cách xử lý khi bị dị ứng kem đánh răng?
Khi nhận thấy dấu hiệu dị ứng kem đánh răng, hãy ngưng sử dụng loại kem đánh răng đó ngay lập tức. Sau đó súc miệng bằng nước ấm và rửa sạch vùng da tiếp xúc trực tiếp với kem đánh răng. Chườm nóng để làm dịu vùng da bị ngứa ngáy và bôi kem dưỡng ẩm cho môi và vùng da bị khô nứt, bong vảy. Nếu tình trạng dị ứng vẫn không thuyên giảm, xuất hiện mụn nước, chảy dịch, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Cách phòng tránh dị ứng kem đánh răng
Theo lời khuyên của bác sĩ, người có cơ địa dị ứng mẫn cảm nên sử dụng kem đánh răng dành cho người có da nhạy cảm. Đảm bảo súc miệng nhiều lần và thật sạch sau khi đánh răng để phòng ngừa dị ứng. Ngoài ra, bạn nên thực hiện các biện pháp sau để hạn chế tình trạng dị ứng kem đánh răng:
Nếu người bệnh dị ứng với hương liệu, có thể thay thế bằng kem đánh răng tự nhiên không mùi, kem đánh răng thảo dược ít thành phần hương liệu và phụ gia,...
Chọn kem đánh răng không có chất tẩy trắng, parabens,...
Nên đem theo kem đánh răng đang dùng khi đi du lịch, công tác,... để tránh xảy ra dị ứng không đáng có.
Lấy một lượng kem đánh răng vừa đủ theo khuyến nghị trên bao bì sản phẩm cho 1 lần đánh răng.
Không sử dụng kem đánh răng người lớn cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đối với những trẻ bị viêm da cơ địa cần hỏi ý kiến bác sĩ da liễu để chọn kem đánh răng phù hợp dành riêng cho nhóm trẻ này.
Nếu tình trạng dị ứng kem đánh răng vẫn tiếp diễn, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ nha sĩ hoặc bác sĩ da liễu. Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định thành phần hay chất nào đang gây kích ứng. Có thể nguyên nhân dị ứng hoàn toàn không phải do kem đánh răng của bạn, mà là ở loại son dưỡng môi hay sữa rửa mặt mới. Khi xác định được thành phần gây kích ứng, bạn có thể tránh bị dị ứng trong tương lai.
Tham khảo thêm:
Kem đánh răng than hoạt tính là gì?
Chọn kem đánh răng cho người bị tụt lợi an toàn nhất
Kem đánh răng là sản phẩm chăm sóc răng miệng không thể thiếu để làm sạch mảng bám, vi khuẩn và mùi hôi miệng. Tuy nhiên, dị ứng kem đánh răng gây ra rất nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến sức khỏe và khiến bạn mất tự tin khi giao tiếp. Nếu bạn gặp khó khăn khi tìm loại kem đánh răng phù hợp với mình, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn sản phẩm phù hợp nhất. Bằng cách đó, bạn có thể hạn chế các triệu chứng dị ứng không mong muốn và duy trì nụ cười rạng rỡ của mình.
Top từ khóa tìm kiếm nhiều nhất: kem đánh răng tốt nhất, nước súc miệng, bàn chải đánh răng, cây cạo lưỡi, bút tẩy trắng răng, thuốc trị hôi miệng, kháng sinh răng, bàn chải silicon cho bé