Tình trạng răng nhạy cảm hoặc thậm chí vô cùng đau đớn, đều nói lên rằng đã tới lúc bạn cần đi kiểm tra nha khoa chuyên nghiệp. Hãy cùng tìm hiểu các dấu hiệu sâu răng cần chú ý và lý do tại sao duy trì thăm khám nha khoa định kỳ cũng như thói quen chăm sóc răng miệng vô cùng quan trọng.
>>> Xem thêm: Sâu răng trẻ em: Nguyên nhân và cách phòng ngừa
Dấu hiệu sâu răng
Răng đổi màu
Răng đổi màu khi răng đang gặp vấn đề về dinh dưỡng. Nguồn cung cấp dinh dưỡng cho răng là từ tủy. Khi bị sâu răng, tủy răng bị ảnh hưởng khiến quá trình cung cấp dinh dưỡng nuôi răng bị gián đoạn. Nếu không có biện pháp điều trị và can thiệp kịp thời, tình trạng mất răng có thể xảy ra.
Răng nhạy cảm với nhiệt độ nóng/lạnh
Khi bạn nhận thấy những cơn ê buốt răng xuất hiện mỗi khi ăn đồ nóng hoặc lạnh, răng của bạn có thể đang bị vi khuẩn tấn công. Nhưng may mắn là dấu hiệu này chỉ cảnh báo về sâu răng giai đoạn đầu. Một cuộc hẹn với nha sĩ để thăm khám và trám răng sẽ giải quyết hoàn toàn vấn đề.
Xuất hiện các đốm đen và lỗ trên răng
Những vết nứt nhỏ màu đen trên rãnh răng hoặc các hố đen trên bề mặt răng là dấu hiệu chắc chắn nhất cho thấy bạn đã bị sâu răng. Đây là lời cảnh báo tình trạng sâu răng của bạn đang trở nên nghiêm trọng hơn. Men răng dần bị phá hủy, vi khuẩn xâm nhập sâu hơn vào phần ngà răng. Và nếu chủ quan không thăm khám, vi khuẩn có thể lan đến tủy răng, gây viêm tủy, chết tủy và nặng nhất là rụng răng.
Răng đau nhức
Khi các lỗ sâu và đốm đen xuất hiện, có thể sẽ kèm theo những cơn đau nhức khó chịu. Cơn đau không chỉ xảy ra khi bạn ăn hoặc nhai thức ăn, mà chúng còn có thể kéo dài âm ỉ hàng giờ liền, gây ra rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày của bạn.
Hơi thở có mùi hôi
Hôi miệng không phải là một dấu hiệu khẳng định chắc chắn rằng bạn đang bị sâu răng. Tuy nhiên, nếu bạn đã đánh răng cũng như súc miệng kỹ nhưng mùi hôi vẫn còn thì bạn có thể xem xét đến nguyên nhân gây hôi miệng là sâu răng.
Nướu bị sưng và có mủ
Tình trạng sưng nướu và có mủ thường xảy ra khi sâu răng đã ăn đến tủy hoặc sâu ở chân răng khiến nướu bị viêm nhiễm. Lúc này, khi đánh răng mạnh hoặc có lực tác động sẽ khiến nướu dễ bung mủ và chảy máu.