Phòng ngừa bệnh nướu răng dạng nặng (bệnh nha chu)
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh nướu răng chính là hình thành thói quen vệ sinh răng miệng tốt tại nhà.
Nếu chuyên gia nha khoa nhận thấy tình trạng tích tụ mảng bám, nướu sưng viêm, hoặc các túi sâu trên mô nướu xung quanh răng, nha sĩ sẽ khuyên bạn nên thực hiện làm sạch sâu để phòng ngừa bệnh nha chu.
Hãy đảm bảo thường xuyên thăm khám nha khoa để làm sạch răng miệng định kỳ 6 tháng/lần và kiểm tra tình trạng sức khỏe răng, nướu của bạn. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ tình trạng bất thường hoặc nhạy cảm nào của nướu răng, hãy lên lịch khám nha khoa ngay lập tức.
Làm sạch sâu giúp điều trị và phòng ngừa bệnh nướu răng như thế nào?
Nếu chuyên gia nha khoa chẩn đoán bạn mắc bệnh nướu răng sớm, thủ thuật làm sạch sâu (hay còn gọi là cạo vôi răng và bào láng gốc răng) có thể giúp bạn đẩy lùi tình trạng này. Chuyên gia nha khoa sẽ loại bỏ mảng bám trên răng và các túi nha chu phát triển sâu bên trong nướu bằng các công cụ chuyên dụng và sóng rung siêu âm.
Sau đó, nha sĩ có thể làm mịn chân răng để giúp đảm bảo phần nướu sẽ liền lại sau khi thực hiện thủ thuật. Cạo vôi răng và bào láng gốc răng có thể yêu cầu bạn thăm khám nhiều lần, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh nha chu.
Nha sĩ có thể sử dụng biện pháp gây tê cục bộ để làm tê khu vực miệng cần làm sạch sâu. Sau khi thực hiện thủ thuật, bạn có thể được kê thuốc kháng sinh răng để loại bỏ bất kỳ tình trạng nhiễm trùng nào xuất hiện trong miệng.
Sau khi lấy cao răng, bạn sẽ gặp phải tình trạng răng ê buốt trong một khoảng thời gian ngắn. Tùy vào tình trạng cụ thể, bạn có thể chỉ cần vệ sinh răng miệng bình thường hoặc nhờ bác sĩ kê đơn thuốc uống hoặc thuốc bôi nhằm hỗ trợ giảm ê buốt.
Chuyên gia nha khoa sẽ đưa ra những lời khuyên tốt nhất để chăm sóc sau làm sạch tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân của bạn, nhưng chắc chắn họ sẽ khuyên bạn nên cẩn thận trong ăn uống và hướng dẫn cách đánh răng phù hợp cho tới khi phần nướu hồi phục.
