5 nguyên nhân gây chảy máu nướu răng bạn nên biết - colgate

5 nguyên nhân gây chảy máu chân răng bạn nên biết

Nếu bạn nhận thấy có máu sau khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa, đừng hoảng hốt. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu chân răng. Nguyên nhân nào gây chảy máu chân răng? Tìm hiểu về các nguyên nhân phổ biến gây chảy máu chân răng sau đánh răng và thời điểm bạn nên đến gặp nha sĩ.

Nguyên nhân nào gây chảy máu chân răng?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu chân răng. Trong đó một vài nguyên nhân nghiêm trọng hơn các nguyên nhân khác. Bạn cũng có thể ngăn ngừa chảy máu chân răng với thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách, bao gồm việc thăm khám nha sĩ định kỳ. Dưới đây là một vài nguyên nhân gây chảy máu chân răng phổ biến, và chúng tôi sẽ mô tả chi tiết như sau:

  • Viêm nướu
  • Các loại thuốc
  • Thay đổi thói quen vệ sinh răng miệng
  • Đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa quá mạnh hoặc sử dụng với quá nhiều lực
  • Viêm nướu (viêm lợi) khi mang thai

1. Viêm nướu

Viêm nướu có thể gây sưng, mềm và đôi khi chảy máu trong lúc đánh răng. Viêm nướu là giai đoạn đầu của bệnh nha chu, còn được gọi là bệnh nướu răng. Khi mảng bám trên răng và đường viền nướu không được loại bỏ bằng cách chải răng và dùng chỉ nha khoa, chúng có thể làm nhiễm trùng nướu. Tin tốt là viêm nướu có thể bị đẩy lùi bằng cách điều trị với chuyên gia vệ sinh nha khoa hoặc nha sĩ của bạn.

Nguyên nhân hàng đầu gây viêm nướu là do vệ sinh răng miệng không đúng cách. Nếu không được giải quyết, viêm nướu có thể phát triển thành bệnh nha chu. May thay, bạn có thể ngăn chặn kết quả xấu này bằng cách tìm kiếm phương pháp điều trị ngay khi những dấu hiệu viêm nướu giai đoạn khởi phát xuất hiện.

Nếu nha sĩ chẩn đoán bạn bị viêm nướu, bạn nên biết rằng viêm nướu có thể ảnh hưởng tới các tình trạng sức khỏe khác. Theo bác sĩ khoa Răng Hàm Mặt của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, đái tháo đường là bệnh lý mạn tính gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân, trong đó hay gặp các bệnh răng miệng như: sâu răng, viêm nướu răng, nha chu, áp xe... Một số người cũng có thể có mối liên hệ tiềm ẩn giữa bệnh nướu răng và các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác, chẳng hạn bệnh tim và đột quỵ.

2. Các loại thuốc

Thuốc chống đông máu cũng là một nguyên nhân có thể gây chảy máu chân răng. Thuốc chống đông máu làm giảm khả năng đông của máu, dẫn đến tình trạng chảy máu. Hãy cho nha sĩ hoặc bác sĩ của bạn biết về tình trạng sức khỏe và các loại thuốc bạn đang sử dụng vào mỗi lần kiểm tra răng miệng định kỳ. Nếu tình trạng chảy máu trở nên nghiêm trọng hơn, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn ngay lập tức.

3. Thay đổi trong thói quen vệ sinh răng miệng của bạn

Nếu trước đây bạn chưa thường sử dụng chỉ nha khoa, phần nướu giữa răng có thể chảy máu khi bạn bắt đầu dùng chỉ nha khoa để vệ sinh kẽ răng. Tình trạng này sẽ chấm dứt trong vòng một tuần với thói quen chăm sóc răng miệng thường xuyên. Nếu vẫn tiếp tục chảy máu, bạn nên liên hệ nha sĩ của mình để đặt lịch khám, bởi đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nướu.

Sử dụng bàn chải đánh răng lông cứng cũng có thể gây ra tình trạng chảy máu chân răng. Đổi sang loại bàn chải có lông mềm hoặc có độ cứng vừa phải, và thảo luận với chuyên gia vệ sinh răng miệng để xem đâu là loại bàn chải phù hợp với răng của bạn trong lần tái khám tiếp theo.

4. Chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa quá mạnh

Bạn có thể nhận thấy tình trạng chảy máu nếu chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa quá mạnh. Nhưng bạn nên tiếp tục sử dụng chúng như những thói quen hàng ngày bởi — cả dùng chỉ nha khoa lẫn chải răng đều rất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng. Hãy đảm bảo bạn sử dụng bàn chải răng có lông chải mềm và dùng lực nhẹ hơn khi chải răng. Tình trạng chảy máu sẽ hết trong vòng một tuần.

5. Viêm nướu (viêm lợi) khi mang thai

Phụ nữ mang thai có thể gặp tình trạng sưng lợi và chảy máu khi đánh răng. Theo Sở Y tế Hà Nội đây là tình trạng "viêm lợi khi mang thai. Hormone có thể làm thay đổi cách cơ thể phản ứng với vi khuẩn gây bệnh nướu răng, khiến nướu răng bị sưng viêm. Đi khám nha sĩ hoặc chuyên gia vệ sinh nha khoa, đánh răng thường xuyên và sử dụng chỉ nha khoa hàng ngày có thể giúp ngăn ngừa tình trạng viêm và chảy máu nướu trở nên trầm trọng hơn.

Bạn có thể khắc phục tình trạng chảy máu nướu bằng việc vệ sinh răng miệng đúng cách, sử dụng bàn chải lông mềm và kỹ thuật dùng chỉ nha khoa nhẹ nhàng. Thường xuyên thăm khám nha khoa để có thể ngăn ngừa viêm nướu và các giai đoạn bệnh nướu răng nghiêm trọng hơn.