Lưỡi trắng có mùi hôi dẫn đến hôi miệng - colgate

Cách điều trị lưỡi trắng ở người lớn hiệu quả dứt điểm

Được Colgate Global Scientific Communications đánh giá về mặt y tế.

Bạn có cảm giác lưỡi bị đóng bợn trắng, gây khó chịu và nhạt miệng? Lưỡi trắng không phải là tình trạng hiếm gặp ở mọi độ tuổi, đặc biệt ở người trưởng thành. Tình trạng mang lại nhiều bất tiện trong cuộc sống. Vậy lưỡi trắng là bệnh gì, đâu là nguyên nhân gây ra vấn đề này? Câu trả lời sẽ được giải thích tường tận trong bài viết dưới đây và cách để giữ khoang miệng luôn sạch sẽ, thơm tho.

Dấu hiệu miệng khô lưỡi trắng là bệnh gì? 

Lưỡi trắng là do các mô nhỏ trên bề mặt lưỡi (nhú lưỡi) bị sưng làm mắc kẹt các vi khuẩn, thức ăn thừa và tế bào chết giữa các mô nhỏ này, hình thành một lớp phủ màu trắng trên bề mặt lưỡi gây hôi miệng. Lưỡi trắng không phải là một loại bệnh, tình trạng này có thể hết trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, miệng khô lưỡi trắng kèm hôi miệng có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bạn đang có vấn đề.

 

Dấu hiệu lưỡi trắng là bệnh gì

 

Tại sao lưỡi bị đóng bợn trắng?

Lưỡi bị đóng bợn trắng xảy ra do nhiều nguyên nhân phổ biến bao gồm:

1. Vệ sinh răng miệng kém

Nếu bạn không có thói quen chăm sóc răng miệng tốt (không đánh răng, không dùng chỉ nha khoa, hoặc không cạo lưỡi thường xuyên) sẽ khiến các mảnh thức ăn đọng lại trong khoang miệng, tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi, gây nên tình trạng lưỡi trắng kèm hôi miệng.

2. Khô miệng

Nước bọt giữ cho các mô mềm trong miệng luôn ẩm và rửa trôi các mảnh thức ăn cũng trung hoà axit do vi khuẩn sản sinh. Theo Phòng khám Mayo Clinic, nếu miệng bạn không đủ nước bọt và bị khô miệng, điều này có thể làm tăng mảng bám, lưỡi trắng, lở miệng, nhiễm trùng nấm men trong miệng (tưa miệng). Khô miệng thường xảy ra ở những người thở bằng miệng do nghẹt mũi, người sử dụng thuốc điều trị bệnh,...

3. Cơ thể bị mất nước

Cơ thể bị mất nước cũng gây nên tình trạng lưỡi trắng kèm theo hôi miệng. Bất cứ ai cũng có thể bị mất nước, nhưng tình trạng này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Nguyên nhân phổ biến nhất gây mất nước ở trẻ nhỏ là tiêu chảy nặng và nôn mửa. Đối với những người lớn tuổi có lượng nước trong cơ thể thấp hơn và có thể mắc các bệnh lý hoặc dùng thuốc làm tăng nguy cơ mất nước thì tình trạng này sẽ nặng hơn.

4. Rối loạn tiêu hóa

Một trong những biểu hiện của rối loạn tiêu hóa là bệnh lưỡi trắng, lâu dần có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn như đau dạ dày, viêm loét dạ dày,... Nguyên nhân hệ tiêu hoá không ổn định là do ăn uống không điều độ, lạm dụng chất kích thích, bị stress căng thẳng thần kinh,...

5. Thiếu vitamin B9, B12

Cơ thể cần nhiều loại vitamin khác nhau để duy trì hoạt động bình thường, đặc biệt là nhóm vitamin B9, B12. Khi bị thiếu hụt vitamin, bạn có thể sẽ cảm thấy khô miệng, nhạt miệng, hệ miễn dịch suy giảm khiến vi khuẩn sinh sôi và phát triển, gây trắng lưỡi.

6. Hút thuốc lá

Thuốc lá chứa hàng ngàn chất hóa học, bao gồm nicotine và nhiều hợp chất khác. Khi bạn hút thuốc lá, các chất hóa học này tiếp xúc với mô trong miệng và có thể gây ra tác động tiêu cực lên mô niêm mạc và làm lưỡi bị trắng. Ngoài ra, hút thuốc lá hoặc các sản phẩm từ thuốc lá có thể tạo ra mùi hôi trong miệng bạn đồng thời gây ra khô miệng.

7. Dấu hiệu của tình trạng bệnh lý khác

Một số tình trạng cụ thể như viêm xoang hoặc chảy dịch mũi sau có thể để lại một lớp màng trắng trên lưỡi và gây ra hôi miệng. Các mảng bám này trên lưỡi sẽ khiến vị giác của bạn suy giảm, gây nhạt miệng, đắng miệng. Đồng thời lưỡi trắng cũng là một trong những nguyên nhân gây hôi miệng, hoặc có thể là dấu hiệu của bệnh tưa miệng, viêm lưỡi.

 

Tại sao lưỡi bị đóng bợn trắng

 

Lưỡi trắng có thể là dấu hiệu cảnh báo của bệnh lý gì?

Lưỡi trắng thông thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn. Nhưng trong một số trường hợp, lưỡi trắng có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như loét miệng, tưa miệng, liken phẳng, bạch sản, hoặc lưỡi bản đồ.

1. Bệnh tưa miệng (Nấm miệng Candida)

Bệnh lưỡi trắng kèm theo hôi miệng có thể xuất phát từ bệnh tưa miệng do nhiễm nấm Candida. Bên cạnh cảm giác khó chịu, mất vị giác, nhạt miệng do cặn trắng bám trên lưỡi, người bệnh còn có thể thấy đau rát khó chịu lưỡi. Bệnh này thường gặp ở những người có hệ miễn dịch kém như trẻ em và người cao tuổi. Ngoài ra, trẻ vị thành niên và người lớn, nấm Candida phát triển mạnh nếu đang điều trị bệnh bằng steroid, kháng sinh có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.

 

Dấu hiệu lưỡi trắng và nhiễm nấm Candida

 

2. Loét miệng, viêm lưỡi

Bất kỳ tổn thương mô mềm nào trong khoang miệng cũng có thể gây lưỡi trắng. Nếu tình trạng này xuất hiện cùng dấu hiệu viêm sưng, hôi miệng, đau rát và sốt, đó có thể là biểu hiện của viêm lưỡi, loét miệng. Loét miệng là những vết loét tròn, đau và sưng lên trông giống như mụn nước và có thể xuất hiện trên lưỡi, bên trong má hoặc môi.

 

 

 Viêm loét lưỡi/miệng gây trắng lưỡi

 

 3. Bệnh giang mai

Lưỡi trắng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh giang mai lây truyền qua đường tình dục. Các triệu chứng của giang mai bao gồm: mảng trắng trên lưỡi, vết loét đỏ và trắng trên lưỡi hoặc môi, nốt viêm cứng, nổi trong niêm mạc miệng. Nếu không điều trị kịp thời, các đốm trắng trong lưỡi sẽ chuyển biến thành viêm loét và hình thành khối u ở vùng miệng.

 

 Lưỡi trắng là dấu hiệu của bệnh giang mai

 

4. Bạch sản

Bệnh bạch sản là những tổn thương dạng mảng trắng hình thành ở nướu, má trong hoặc lưỡi do các tế bào tăng trưởng quá mức. Các mảng màu trắng này xuất phát từ sự kích ứng bên trong và không thể loại bỏ bằng các dụng cụ vệ sinh lưỡi. Căn bệnh này thường gặp ở những người thường xuyên sử dụng thuốc lá, rượu bia.

 

Lưỡi bị trắng do bệnh bạch sản

 

5. Liken phẳng ở miệng

Liken phẳng ở miệng là bệnh lý viêm mãn tính ảnh hưởng đến lớp màng nhầy trong niêm mạc. Những biểu hiện của căn bệnh này là mảng trắng bám ở lưỡi, má và nướu. Đồng thời niêm mạc miệng cũng sẽ bị sưng đỏ, gây cảm giác bỏng rát trong khoang miệng.

 

 

Liken phẳng ở miệng gây lưỡi trắng

 

6. Lưỡi bản đồ

Lưỡi trắng là dấu hiệu của bệnh lưỡi bản đồ - một tình trạng gây ra các mảng đỏ trên lưỡi của bạn với viền trắng. Lưỡi bản đồ lành tính, không lây lan, không gây đau đớn nghiêm trọng. Bất cứ ai cũng có thể mắc phải bệnh lưỡi bản đồ, từ trẻ sơ sinh, trẻ em đến người lớn. Nó phổ biến hơn ở những người mắc bệnh chàm, bệnh vẩy nến, bệnh tiểu đường Loại 1 hoặc viêm khớp phản ứng.

 

 

Tình trạng lưỡi bản đồ

 

7. Trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày bắt nguồn từ việc thừa axit dạ dày hoặc cơ thắt thực quản yếu khiến dịch dạ dày bị đẩy ngược lên vòm họng. Các dấu hiệu nhận biết của tình trạng trào ngược dạ dày lưỡi trắng bao gồm lưỡi bị trắng kèm mùi hôi, đau rát ở vòm họng, niêm mạc bị tổn thương, đau vùng thượng vị.

8. Bệnh tiểu đường

Những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường thường bị suy giảm hệ miễn dịch. Từ đó, các loại nấm gây hại như Candida sẽ có môi trường thuận lợi để phát triển, tạo nên lớp màng trắng phủ trên lưỡi.

Cách điều trị lưỡi trắng ở người lớn hiệu quả

Cách trị lưỡi trắng ở người lớn dễ thực hiện tại nhà

Lưỡi trắng xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng thường biến mất sau vài tuần. Đối với tình trạng lưỡi trắng do vệ sinh răng miệng không đúng cách, bạn có thể thực hiện theo các cách trị lưỡi trắng ở người lớn sau đây:

  • Uống đủ 2 lít nước hoặc 8 ly nước mỗi ngày để tránh mất nước, khô miệng.

  • Vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng: Đánh răng và chải lưỡi bằng bàn chải mềm hoặc dụng cụ cạo lưỡi mềm để làm sạch lưỡi.

  • Sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng chứa fluoride.

  • Sử dụng nước muối ấm. Muối có đặc tính kháng khuẩn, sát trùng. Vậy nên ngậm hoặc súc miệng với nước muối ấm pha loãng 2 lần/ngày sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng lưỡi trắng.

  • Sử dụng men vi sinh (Probiotics). Probiotics là những chủng vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa giúp tác động đến các triệu chứng ở miệng.. Men vi sinh có thể giúp cân bằng môi trường trong miệng và ngăn ngừa lưỡi trắng.

  • Sử dụng baking soda và nước cốt chanh. Trộn baking soda và nước cốt chanh, sau đó thoa nhẹ lên vùng lưỡi 2 lần/ngày sẽ hạn chế triệu chứng lưỡi trắng.

  • Sử dụng tinh bột nghệ: Nghệ có tính kháng khuẩn và kháng nấm hiệu quả. Bạn chỉ cần chà nhẹ một ít tinh bột nghệ lên vùng lưỡi mỗi ngày để loại bỏ các mảng bám  trên lưỡi.

  • Sử dụng lô hội (nha đam): Bạn sử dụng nha đam tươi ép lấy phần nước và ngậm khoảng 5 phút rồi nhổ ra. Thực hiện mỗi ngày 2 lần để cải thiện tình trạng trắng lưỡi, hôi miệng, viêm nhiễm,...

  • Tránh ăn uống các thực phẩm cay, nóng, mặn, có tính axit để hạn chế kích ứng lưỡi.

  • Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia trong thời gian điều trị.

Điều trị lưỡi trắng chuyên khoa

Trong trường hợp bạn đã thực hiện những cách trên mà tình trạng vẫn không cải thiện, bạn cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để xác định nguyên nhân cụ thể và điều trị theo phác đồ của bác sĩ để tránh các biến chứng nghiêm trọng.

  • Bệnh tưa miệng. Đối với nhiễm nấm, chẳng hạn như tưa miệng, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng nấm như fluconazole (Diflucan®) hoặc nystatin (Nystop®).

  • Bệnh giang mai. Nếu bệnh giang mai gây ra lưỡi trắng, bạn sẽ cần dùng kháng sinh (penicillin) để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Những người dị ứng với penicillin sẽ được chỉ định dùng kháng sinh khác.

  • Liken phẳng miệng: Đối với tình trạng liken phẳng nhẹ có thể biến mất theo thời gian và không cần dùng thuốc. Tuy nhiên với tình trạng nặng hơn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chứa corticoid tại chỗ hoặc uống.

  • Vấn đề bệnh răng miệng: Trường hợp lưỡi trắng xuất phát từ vấn đề răng miệng, bạn cần thăm khám nha khoa để điều trị kịp thời các bệnh lý răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu. Bên cạnh đó bạn cũng cần chú trọng vấn đề vệ sinh răng miệng, sử dụng kèm các sản phẩm hỗ trợ như chỉ nha khoa, nước súc miệng sát khuẩn.

Cách điều trị lưỡi trắng theo chuyên khoa

 

Cách phòng ngừa tình trạng lưỡi trắng

Dưới đây là vài điều bạn có thể bắt đầu thực hiện để làm sạch lưỡi và giữ hơi thở thơm tho, ngăn ngừa trắng lưỡi:

  • Vệ sinh răng miệng tốt. Đánh răng hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa thường xuyên. Vệ sinh lưỡi với cây cạo lưỡi một cách nhẹ nhàng để loại bỏ lớp màng trên lưỡi hiệu quả mà không làm tổn thương nhú lưỡi. Bạn có thể sử dụng thêm nước súc miệng khi vệ sinh răng miệng hàng ngày để có được hơi thở thơm mát hơn.

  • Uống nhiều nước. Bổ sung đủ lượng nước cần thiết trong một ngày sẽ giúp bạn không bị khô miệng, hạn chế các mảng bám trên lưỡi 

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học. Bổ sung đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn để cân bằng dinh dưỡng, đồng thời cần ăn uống điều độ để hệ tiêu hóa hoạt động bình thường, tránh bị trào ngược hoặc viêm loét dạ dày.

  • Nhai kẹo cao su không đường. Nhai kẹo cao su sẽ kích thích quá trình tiết nước bọt, rửa trôi các loại vi khuẩn trong khoang miệng và giảm khô miệng.

  • Thăm khám nha sĩ định kỳ 6 tháng/lần. Hãy lên lịch hẹn khám răng định kỳ mỗi năm 2 lần để kiểm tra và làm vệ sinh chuyên sâu. Nha sĩ sẽ đánh giá sức khỏe răng miệng và đưa ra các hướng dẫn cụ thể dựa trên hồ sơ bệnh án nha khoa của bạn.

Cách điều trị lưỡi trắng theo chuyên khoa

 

Một số câu hỏi thường gặp về tình trạng lưỡi trắng

Làm sao trị bệnh lưỡi trắng ở trẻ em?

Lưỡi trắng (tưa lưỡi) là bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Triệu chứng ở trẻ là những chấm trắng ở đầu lưỡi tạo thành lớp màng trắng bám vào bề mặt lưỡi, khiến trẻ quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn. Để bé yêu nhanh khỏi, bố mẹ có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Sử dụng nước rau ngót để rơ lưỡi cho trẻ.

  • Sử dụng nước lá hẹ để rơ lưỡi cho trẻ.

  • Sử dụng nước trà xanh và ít muối để rơ lưỡi cho trẻ.

  • Sử dụng nước muối loãng để rơ lưỡi cho trẻ.

Cách điều trị bệnh trào ngược dạ dày lưỡi trắng?

Để điều trị bệnh trào ngược dạ dày lưỡi trắng, bạn có thể tham khảo một số phương pháp sau đây:

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách để hạn chế tình trạng tích tụ mảng bám trên lưỡi.

  • Làm sạch mảng bám trên lưỡi bằng bột nghệ, nha đam, tỏi, các loại thực phẩm làm sạch lưỡi như chanh, dâu tây, táo,...

  • Bổ sung nước đầy đủ.

  • Sử dụng thuốc trị nấm miệng sau khi tham khảo ý kiến của nha sĩ.

  • Điều trị bệnh trào ngược dạ dày.

Qua bài viết trên đây, bạn đã được giải đáp các thắc mắc về lưỡi trắng là bệnh gì, tại sao lưỡi bị đóng bợn trắng và cách trị lưỡi bị trắng. Lưỡi trắng có thể là biểu hiệu của tình trạng hôi miệng, bệnh tưa lưỡi hoặc các bệnh lý khác. Vậy nên bạn cần duy trì thói quen vệ sinh răng miệng tốt, chú ý đến các loại thực phẩm ăn uống và bổ sung đủ nước để không chỉ răng miệng mà cơ thể của bạn đều được khỏe mạnh.

Nguồn tham khảo:

1. Staff, M. C. White tongue causes https://www.mayoclinic.org/symptoms/white-tongue/basics/causes/sym-20050676 (accessed Jul 4, 2023). 

2. Today, M. N. White tongue: Causes, pictures, when to see a doctor, and remedies https://www.medicalnewstoday.com/articles/319814 (accessed Jul 5, 2023).

3. Ann Keels, M. Geographic tongue - symptoms, causes, treatment: Nord https://rarediseases.org/rare-diseases/geographic-tongue/ (accessed Jul 5, 2023). 

4. professional, C. C. Medical White tongue: Causes, treatments & prevention https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17654-white-tongue (accessed Jul 5, 2023).