nguyên nhân và triệu chứng của nướu trắng - colgate

Nguyên nhân và triệu chứng bệnh nướu trắng

Nướu răng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chân răng, ngăn ngừa mảng bám và vi khuẩn xâm nhập tủy răng. Thông thường, nướu màu hồng là biểu hiện của sức khỏe răng miệng tốt, ngược lại nướu trắng là dấu hiệu của các bệnh lý răng miệng. Vậy nguyên nhân và triệu chứng của bệnh nướu trắng là gì? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Xem thêm:

  • Viêm Lưỡi Là Bệnh Gì? Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị
  • Áp xe răng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Nguyên nhân gây bệnh nướu trắng

Nướu trắng là dấu hiệu khởi đầu của viêm nướu răng khi mảng bám bắt đầu tích tụ trên bề mặt nướu. Bên cạnh đó, tình trạng này thường gặp ở những người bị thiếu máu do không cung cấp đủ sắt và vitamin, làm giảm khả năng cung cấp máu đến các mô trong cơ thể, bao gồm cả mô nướu.

Ngoài ra, các mảng trắng loang lổ trên nướu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như loét miệng hay loét canker, nấm miệng,...

Trong một số trường hợp hiếm hoi, nướu trắng có thể là dấu hiệu sớm của ung thư. Bệnh lý tiền ung thư này được gọi là chứng loạn sản. Theo thông tin từ website của Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) loạn sản được chia thành ba cấp độ nhẹ, trung bình và nặng. Việc xác định đúng mức độ loạn sản bạn mắc sẽ định hướng quá trình điều trị, bởi loạn sản nặng có thể chuyển thành ung thư, trong khi loạn sản trung bình có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Nướu trắng do bệnh bạch sản gây ra

Tìm hiểu thêm:

Nướu răng bị trắng liên quan đến những bệnh nào?

Bạch sản

Bạch sản là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nướu trắng, với tình trạng xuất hiện các mảng màu trắng bên trong miệng và không gây đau. Đây là biểu hiện thường gặp và hầu hết đều không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu bạch sản đi kèm với các tổn thương ở nướu, có khả năng là dấu hiệu của bệnh ung thư hoặc tiền ung thư miệng.

Trong khi giới y khoa không chắc chắn về nguyên nhân chính xác của chứng bạch sản, sử dụng thuốc lá ở bất cứ dạng nào và lạm dụng rượu mãn tính có khả năng cao là nguyên nhân gây ra bệnh. Răng giả cọ xát vào lưỡi hay mặt trong má bạn cũng có thể là nguyên nhân của nướu trắng.

Thiếu máu

Thiếu máu là tình trạng cơ thể bị thiếu hụt các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, làm giảm khả năng vận chuyển oxy đến các cơ quan và mô. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu như thiếu hụt sắt, vitamin B12, bệnh Crohn, bệnh Celiac với các triệu chứng thường thấy là mệt mỏi, chóng mặt, tim đập bất thường, khó thở, nhức đầu, tay chân lạnh, làn da nhợt nhạt và nướu răng bị trắng.

Loét miệng

Loét miệng thường gây ra cảm giác đau đớn và khó chịu cho người bệnh, đặc biệt là khi nói, ăn hoặc uống. Các vết loét thường có hình tròn hoặc bầu dục, chính giữa là một vùng màu trắng nhạt và đường viền đỏ. Nguyên nhân gây ra loét miệng có thể do tổn thương bởi vi khuẩn, viêm nhiễm,...

Khi vết loét xuất hiện trên nướu răng, nó có thể làm cho một số đường nướu có màu trắng. Tuy nhiên, những vết loét này sẽ không làm thay đổi màu sắc tổng thể của toàn bộ nướu răng trong khoang miệng.

Xem thêm: Trẻ bị loét miệng và cách chăm sóc răng miệng hiệu quả

Viêm lợi

Viêm lợi là một dạng nhẹ của bệnh viêm nha chu. Nguyên nhân chính của viêm lợi thường do vệ sinh răng miệng kém, không đánh răng đúng cách hoặc không sử dụng chỉ nha khoa thường xuyên.

Các triệu chứng thường gặp của viêm lợi là sưng nướu đỏ, chảy máu chân răng. Ngoài ra, một biểu hiện phổ biến khác của viêm lợi là nướu răng bị trắng dần theo thời gian, đặc biệt khi tình trạng nhiễm trùng đã kéo dài.

Nấm miệng

Nấm miệng (nấm Candida) là tình trạng xuất hiện các mảng loét màu trắng trên niêm mạc miệng ở mặt trong của má, lưỡi và nướu răng, gây đau đớn và khó khăn cho người bệnh khi ăn uống.

Những đối tượng có nguy cơ cao bị nấm miệng là trẻ sơ sinh, người lớn tuổi, người mắc bệnh đái tháo đường hay những người bị suy giảm hệ miễn dịch (bệnh nhân HIV/AIDS) phải sử dụng kháng sinh kéo dài. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm candida phát triển và gây bệnh nướu trắng.

Xem thêm: Cách điều trị dứt điểm nấm miệng ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh

Bệnh Lichen Planus

Bệnh Lichen Planus (hay còn được gọi là Planen miệng) là bệnh tự miễn mãn tính với tình trạng xuất hiện các mảng trắng trên nướu, lưỡi và các mô khác trong khoang miệng cùng những triệu chứng rõ rệt như đau, chảy máu chân răng và viêm nướu. Các mảng trắng này thường có hình dạng lưới, đốm hoặc theo dải và có thể đi kèm với các vết loét, khiến người bệnh cảm thấy nóng rát và khó chịu, đặc biệt khi ăn thức ăn cay, chua hoặc mặn.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, người mắc bệnh Planen miệng nên đi thăm khám và kiểm tra thường xuyên bởi họ có nguy cơ cao bị thiếu hụt dinh dưỡng, nhiễm khuẩn răng miệng, thậm chí nghiêm trọng hơn là ung thư miệng.

Ung thư miệng

Nướu trắng là một trong những dấu hiệu của bệnh ung thư miệng, có khả năng lây lan nhanh chóng nên người bệnh cần phải nhận biết sớm các triệu chứng để được điều trị kịp thời. Một số triệu chứng của ung thư miệng như loét miệng kéo dài, chảy máu trong miệng, xuất hiện cục u bất thường, niêm mạc dày lên, răng lỏng lẻo, cảm thấy đau đớn và khó khăn khi nhai hoặc nuốt. Trong các trường hợp khác, nướu trắng có thể đi kèm với một loạt các dấu hiệu như đau đớn, sưng tấy, chảy máu, mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng của người bệnh.

Dấu hiệu của bệnh nướu trắng

Ngoài mảng bám màu trắng trên nướu, những dấu hiệu khác của bệnh nướu trắng là:

  • Các mảng trắng bất thường hay có kết cấu phẳng.
  • Những bộ phận khác của miệng có vẻ dày hoặc cứng hơn.
  • Những mảng trắng xuất hiện cùng với các tổn thương đỏ, nổi sần (còn được gọi là bạch sản lấm tấm hay hồng sản, có nhiều khả năng là dấu hiệu của tiền ung thư).
Xuất hiện mảng bám màu trắng trên nướu

Cách điều trị bệnh nướu trắng

Để điều trị bệnh nướu trắng, các nha sĩ sẽ dựa vào từng triệu chứng cụ thể để chẩn đoán nguyên nhân cơ bản. Từ đó, một số phương pháp điều trị được đưa ra tuỳ vào từng bệnh như sau:

  • Do thiếu máu: Nếu nướu trắng do thiếu máu, bệnh nhân cần thay đổi chế độ ăn uống để tăng cường lượng sắt và vitamin, đồng thời bổ sung thêm các khoáng chất cần thiết bằng các loại thực phẩm như rau xanh (rau chân vịt, cải xoăn,...), thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu), gan, hải sản, các loại đậu, hạt,...
  • Lở loét miệng: Trong trường hợp bị loét miệng thông thường, các vết loét có thể tự lành trong khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, nếu bị loét nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể phải cần đến 6 tuần mới lành, đồng thời phải có sự hỗ trợ từ nha sĩ. Các phương pháp điều trị lở loét miệng hiện nay gồm có sử dụng thuốc giảm đau, súc miệng bằng nước muối, thoa thuốc mỡ hoặc gel trực tiếp lên các vết loét.
  • Viêm nướu thông thường: Viêm nướu có thể dễ dàng điều trị bằng việc chăm sóc và vệ sinh răng miệng đúng cách. Người bệnh nên đánh răng hai lần một ngày, dùng chỉ nha khoa thường xuyên và thăm khám răng định kỳ để ngăn ngừa tình trạng này.
  • Bạch sản: Đối với bạch sản, các bác sĩ có thể loại bỏ tổn thương bằng dao mổ hoặc laser. Người mắc bệnh này nên tránh hút thuốc lá để ngăn ngừa bạch sản tái phát. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc kháng vi-rút nếu bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu.
  • Planen miệng: Triệu chứng của bệnh Planen miệng có thể được kiểm soát bằng corticosteroids để giảm viêm, ức chế hệ thống miễn dịch, giảm bớt các triệu chứng khó chịu mà không phải dùng thuốc giảm đau quá nhiều.
  • Nấm miệng: Nấm miệng thường được điều trị bằng thuốc kháng nấm. Bác sĩ có thể kê toa thuốc dưới dạng viên nén, viên ngậm hoặc nước súc miệng.
  • Ung thư miệng: Hơn 50% trường hợp ung thư miệng không được phát hiện cho đến khi ung thư đã lan sang khu vực khác như các hạch bạch huyết. Do đó, khi phát hiện bất kỳ vấn đề bất thường nào trong cơ thể, việc khám bác sĩ càng sớm càng tốt là rất quan trọng. Các phương pháp điều trị ung thư miệng hiện nay gồm có hóa trị và phẫu thuật loại bỏ các khu vực bị ảnh hưởng./li>

Xem thêm: Điều trị và chăm sóc sưng nướu, chảy máu nướu

Khi nào nên gặp nha sĩ?

Nếu bạn nhận thấy các mảng trắng hình thành trên lợi, điều đầu tiên cần làm là bạn nên đặt lịch hẹn với nha sĩ của mình. Vì những mảng này có thể là dấu hiệu tiền ung thư, phát hiện sớm là chìa khóa để chữa trị trước khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Ghi lại thời điểm bạn nhận ra các mảng đó để có thể thông tin tới nha sĩ hay bác sĩ phẫu thuật nha khoa của mình.

Việc đặt lịch kiểm tra tổng quát thường xuyên với nha sĩ là cách điều trị và ngăn ngừa hiệu quả. Trong khi kiểm tra, nha sĩ của bạn có thể phát hiện những điều mà bạn có thể không nhận ra, ví dụ như các dấu hiệu ban đầu của chứng bạch sản.

Qua bài viết này, hy vọng bạn đã có đầy đủ thông tin về nguyên nhân và triệu chứng gây ra bệnh nướu trắng. Mặc dù hầu hết đều lành tính và không gây ra những vấn đề sức khoẻ quá nghiêm trọng, nhưng người bệnh vẫn nên thăm khám và đến gặp nha sĩ khi phát hiện những dấu hiệu đã nêu trên để có phương pháp điều trị sớm nhất cho mình.