Lập biểu đồ nha chu - colgate

Biểu đồ nha chu: Đó là gì và tại sao nó lại quan trọng

Published date field Cập nhật mới nhất:

Được Colgate Global Scientific Communications đánh giá về mặt y khoa

Bạn đã bao giờ đến phòng khám nha khoa để vệ sinh răng miệng và nhận thấy chuyên gia vệ sinh nha khoa hoặc nha sĩ đang đo nướu của bạn chưa? Bạn có bao giờ tò mò tất cả các thao tác được thực hiện trong miệng bạn để làm gì không? Đọc tiếp để tìm lời lý giải cho lý do tại sao kiểm tra nướu như một phần của chăm sóc dự phòng lại là việc quan trọng.

Biểu đồ nha chu là gì?

Biểu đồ nướu răng là cách đo khoảng cách giữa răng và mô nướu bên cạnh. Nha sĩ hoặc chuyên gia vệ sinh răng miệng sử dụng một dụng cụ gọi là đầu dò và nhẹ nhàng thâm nhập vào các khoảng trống này. Đầu dò này có các dấu vạch như thước đo dây, cho biết độ sâu có thể tiếp cận để kiểm tra sức khỏe nướu răng của bạn.

Chuyên gia nha khoa của bạn thực hiện 6 lần đo lường cho mỗi răng để đảm bảo mọi khu vực trong miệng đều được kiểm tra. Họ còn thực hiện kiểm tra cho mô nướu bị chảy máu hoặc các khu vực tụt nướu cùng các phép đo. Mô nướu khỏe mạnh có kích thước từ 1 đến 3 mm và vừa khít xung quanh răng. Các vùng đáng lo ngại có kích thước từ 4 mm trở lên do mảng bám và vi khuẩn khiến mô nướu bị viêm và tụt khỏi răng. Các vùng có chỉ số cao hơn thường sẽ nhạy cảm hơn với việc thăm dò. Ở những vùng có tình trạng nghiêm trọng hơn, đôi khi độ sâu thăm dò lên tới 12 mm. Những khu vực có vấn đề này thường được gọi là túi nha chu và rất khó để tự chăm sóc tại nhà.

Tại sao biểu đồ nha chu quan trọng?

Biểu đồ nha chu là một bước quan trọng trong việc phát hiện bệnh nướu răng. Theo giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, hơn 80% người trưởng thành tại Việt Nam có vấn đề răng miệng liên quan đến viêm nướu, viêm quanh nướu và viêm quanh răng. Các bệnh nướu răng này gây viêm viền nướu, và dẫn tới tiêu xương bao quanh răng. Bệnh nướu răng có thể không đau, vì thế khó có thể phát hiện tình trạng bệnh nếu không thực hiện chăm sóc nha khoa dự phòng, nhưng các triệu chứng phổ biến gồm nướu nhạy cảm dễ chảy máu, đặc biệt là khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa. Tụt nướu (tụt lợi) cũng là một triệu chứng điển hình khác của bệnh nướu răng.

Việc đo lường mô nướu nên được ghi chép lại ít nhất mỗi năm một lần, hoặc thường xuyên hơn nếu tìm thấy các khu vực có vấn đề, nhằm sớm xác định bệnh nha chu ngay từ ban đầu. Nhiều phòng khám nha khoa lập biểu đồ nha chu ngay khi bệnh nhân có đủ số lượng răng trên cả hai hàm, hoặc khi đã có đủ răng vĩnh viễn. Theo Bài giảng chuyên khoa Răng Hàm Mặt của Thạc sĩ - Bác sĩ Trần Ngọc Phương Thảo, khi bệnh nhân đến khám răng, trên phiếu khám thường có sơ đồ răng để ghi lên đó chuẩn đoán, kế hoạch điều trị và số răng sẽ làm. Khi đó, mỗi răng sẽ có một ký hiệu riêng bằng số để viết ra đơn giản, không mất nhiều thời giờ và khi đọc lên bác sĩ sẽ biết ngay đó là răng gì, nằm ở bên tay trái hay tay phải, hàm trên hay hàm dưới. Lập biểu đồ nha chu có thể được thực hiện ở độ tuổi trẻ hơn nếu mô nướu bị sưng hoặc chảy máu.

Chuyên gia vệ sinh nha khoa hoặc nha sĩ của bạn có thể ghi lại các số độ sâu của nướu theo nhiều cách khác nhau. Đôi khi chúng được gõ trực tiếp vào một phần mềm máy tính. Hoặc sẽ có một trợ lý giúp gõ số cho người thực hiện đo nướu răng. Công nghệ nhận dạng giọng nói cũng có thể được sử dụng, bạn có thể nghe thấy chuyên gia nha khoa của bạn đang đọc to từng con số. Nếu phát hiện bất kỳ khu vực nào đáng lo ngại, chuyên gia nha khoa sẽ thông báo cho bạn biết vị trí của chúng như một phần của quá trình đánh giá. Bạn thậm chí có thể nhận được một bản sao của biểu đồ nha chu để mang về nhà.

Bạn có thể làm gì để giữ mức đo mô nướu ở phạm vi khỏe mạnh?

Chăm sóc răng miệng tại nhà đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo biểu đồ nha chu của bạn trông khả quan. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách ở nhà là bước quan trọng đầu tiên, và bắt đầu với việc đánh răng hai lần mỗi ngày trong ít nhất hai phút và dùng chỉ nha khoa hàng ngày. Hãy nhớ rằng vệ sinh phía trên viền nướu cũng quan trọng không kém việc vệ sinh phía dưới viền nướu. Chải răng nhẹ nhàng khi đánh răng và súc miệng với nước súc miệng để có vùng nướu khỏe mạnh.

Lên lịch vệ sinh răng miệng thường xuyên cũng là một phần quan trọng khác để giữ răng miệng và phần nướu khỏe mạnh trọn đời. Chuyên gia nha khoa của bạn có thể đề xuất cách điều trị nâng cao khác như cạo vôi răng và bào láng gốc răng hoặc đề xuất lịch khám thường xuyên hơn nếu họ nhận thấy xuất hiện túi nha chu hoặc tình trạng chảy máu nướu trong miệng bạn. Nếu không, hãy giữ lịch kiểm tra răng miệng định kỳ mỗi 6 tháng để có được nụ cười khỏe mạnh và kết quả tốt nhất.