Được Colgate Global Scientific Communications chứng nhận về mặt y tế.
Hầu hết các cơn đau răng là do sự nhạy cảm với dây thần kinh (tủy) của răng do sâu răng, tổn thương cho răng và nhiễm trùng gây ra. Các bệnh nha chu, mẻ răng hoặc thậm chí nhiễm trùng xoang cũng có là nguyên nhân của những cơn đau răng dai dẳng.
Nguyên nhân dẫn đến đau răng
Đau răng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, hoặc có thể là dấu hiệu của một biến chứng răng miệng nghiêm trọng:
1. Sâu răng:
Sâu răng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến tủy răng, gây đau nhức vùng chân răng và có thể xảy ra tình trạng sưng hàm mặt.
2. Nhạy cảm ngà:
Khi lớp men răng bên ngoài bị mài mòn để lộ phần ngà răng tiếp xúc với các loại đồ ăn, thức uống nóng hoặc lạnh sẽ gây ê buốt răng. Tình trạng răng nhạy cảm kéo dài mà không được chú trọng sẽ khiến ngà răng dần bị ăn mòn, tạo ra những cơn đau nhói.
3. Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm:
Răng khôn mọc ngầm ngay dưới nướu không trồi lên được, mọc lệch đâm vào răng số 7 sẽ khiến phần chân nướu bị sưng viêm, gây cảm giác đau nhức kéo dài. Lúc này bạn nên thực hiện việc nhổ răng khôn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
4. Viêm nha chu:
Viêm nha chu xảy ra khi các khu vực xung quanh răng bị viêm nhiễm, sưng tấy gây đau nhức.
5. Viêm nướu răng:
Khi bạn sử dụng các dụng cụ vệ sinh như bàn chải, chỉ nha khoa sai cách, bạn sẽ có nguy cơ bị viêm nướu răng. Tình trạng viêm diễn ra trong thời gian dài sẽ dễ dẫn đến chảy máu chân răng, sưng tấy và đau nhức.
6. Áp xe răng:
Áp xe răng do vi khuẩn xâm nhập vào chân răng thông qua ổ sâu răng, viêm nướu khiến chân răng bị sưng tấy, ứ đọng dịch mủ gây đau răng.
Ngoài những nguyên nhân trên, thói quen nghiến răng hoặc ăn đồ ăn quá cứng cũng có thể khiến bạn bị đau răng.
Các triệu chứng thường gặp khi đau răng
Bên cạnh cảm giác đau nhức khó chịu, đau răng còn có thể khiến bạn gặp phải những rắc rối khác như:
Lên cơn sốt.
Nướu sưng tấy đỏ.
Hơi thở có mùi hôi.
Khó nhai, nuốt.
9 cách chữa đau răng đơn giản, hiệu quả
Mặc dù bạn có thể đến nha sĩ để điều trị cơn đau răng, nhưng nếu bạn không tiện đến phòng khám, hãy thử các cách chữa đau răng tự nhiên này để giúp giảm đau nhanh chóng.
1. Cách chữa đau răng tại nhà bằng nước muối
Uống nước quá nóng hoặc quá lạnh có thể khiến răng trở nên nhạy cảm, gây ê buốt, thậm chí là đau nhức. Súc miệng với nước muối sẽ khiến cơn đau dịu đi rất nhiều.
Bạn có thể áp dụng cách chữa đau răng tại nhà đơn giản bằng cách trộn một vài muỗng cà phê muối trong một cốc nước ấm, sau đó súc miệng khoảng một vài phút. Ngoài việc giảm đau và làm sạch các khu vực bị nhiễm trùng, nước muối còn giúp rửa trôi dịch mủ xung quanh các mô nướu bị sưng.
2. Chữa nhức răng bằng túi chườm đá để giảm viêm nhiễm
Túi chườm đá giúp kiềm chế cơn đau và sưng ở các dây thần kinh nông. Tuy nhiên, bạn không được chườm đá trực tiếp lên răng. Ngay cả đồ uống quá lạnh cũng có thể gây đau nếu chân răng đang bị tổn thương; điều này cũng xảy ra tương tự đối với đồ uống nóng và thực phẩm có đường.
3. Mẹo làm dịu cơn đau răng bằng dầu đinh hương
Dầu đinh hương là một loại tinh dầu thường được bày bán trong các cửa hàng thực phẩm chăm sóc sức khỏe, có tác dụng làm dịu cơn đau răng. Cho một vài giọt dầu vào một miếng bông gòn, sau đó đưa vào răng bị nhiễm trùng. Nếu dầu đinh hương quá đậm đặc, hãy pha loãng nó với một ít dầu ô liu.
4. Trà bạc hà trị đau răng
Cũng như đinh hương, bạc hà có đặc tính gây tê, có thể làm dịu cơn đau răng khó chịu. Có 2 cách sử dụng trà bạc hà để trị đau răng:
Pha trà bạc hà để uống hoặc súc miệng.
Thấm trà bạc hà vào bông gòn hoặc dùng túi lọc trà bạc hà còn ấm để áp vào khu vực đau răng.
5. Gel nha đam giúp giảm đau răng
Nha đam là một loại thực vật có khả năng làm dịu rất tốt. Chiết xuất nha đam cũng được bổ sung trong nhiều sản phẩm khác nhau. Mẹo làm dịu cơn đau răng:bạn chỉ cần áp gel nha đam và xoa nhẹ vào khu vực bị đau.
6. Oxy già
Nước oxy già, hay còn gọi là hydro peroxide, là một loại dung dịch có tính sát khuẩn mạnh. Nếu nguyên nhân khiến bạn bị đau răng do nhiễm trùng, súc miệng bằng nước oxy già pha loãng sẽ có hiệu quả giảm đau rõ rệt.
7. Vận động, tập thể dục
Bạn có thể không cảm thấy muốn di chuyển xung quanh nếu bạn bị đau răng. Nhưng đối với những người đã quen tập thể dục, vận động có thể giải phóng endorphin. Đây được xem là thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể. Không cần phải vận động quá mạnh, bạn có thể đi bộ quanh khu nhà hoặc tập 1 vài động tác cơ bản.
8. Thư giãn tâm trí và cơ thể
Đưa cơ thể vào trạng thái thư giãn có thể giúp giảm cơn đau răng. Giữ tâm trí của bạn ở trạng thái thả lỏng bằng cách tập trung vào một thứ gì đó dễ chịu. Tập hít thở sâu và nghe những bản nhạc nhẹ - điều này sẽ chuyển sự chú ý của bạn ra khỏi cơn đau.
9. Sử dụng thuốc giảm đau
Nếu tất cả các phương pháp trên không có hiệu quả, hãy thử dùng thuốc giảm đau. Những loại thuốc giống như khi bạn bị đau đầu, chẳng hạn như aspirin, ibuprofen hoặc acetaminophen, sẽ giúp chống lại cơn đau cho đến khi bạn có thể đi khám răng. Cần lưu ý rằng việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị đau răng vẫn cần được kê đơn.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Trong trường hợp cơn đau của bạn dai dẳng không dứt dù bạn đã làm đủ mọi cách chữa đau răng, hãy đến gặp nha sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Hoặc khi cơn đau kéo dài hơn 2 ngày khiến bạn không thể hoàn thành những công việc hằng ngày, bạn cần hẹn gặp bác sĩ để có sự chăm sóc phù hợp.
Bài viết trên nhằm mục đích cung cấp kiến thức về các chủ đề sức khỏe răng miệng nói chung, không thể thay thế cho lời khuyên, chẩn đoán hoặc điều trị chuyên nghiệp. Hãy tìm kiếm lời khuyên của nha sĩ hoặc từ các trung tâm chăm sóc sức khỏe đủ tiêu chuẩn khác nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến tình trạng y tế hoặc phương pháp điều trị.