Cách trị viêm nướu hiệu quả - colgate

Điều trị bệnh viêm lợi uống thuốc gì? Cần những gì?

Published date field Cập nhật mới nhất:

Được Colgate Global Scientific Communications đánh giá về mặt y khoa

Viêm lợi (hay viêm nướu) là tình trạng lợi bị sưng đau, chảy máu kèm theo hơi thở có mùi. Viêm nướu kéo dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn. Vậy điều trị viêm lợi uống thuốc gì, điều trị như thế nào? Cùng Colgate tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Các giai đoạn tiến triển của bệnh viêm lợi

Bệnh viêm lợi thường diễn ra từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng, được chia thành các giai đoạn sau:

  • Giai đoạn viêm lợi đỏ: Những triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm lợi sẽ xuất hiện vào giai đoạn này như ngứa lợi, sưng đỏ, dễ chảy máu. Tình trạng viêm có thể lây lan ra mặt trong của má hoặc lưỡi khiến người bệnh khó chịu. Các triệu chứng nếu không được xử lý đúng cách có thể gây lở loét.

  • Giai đoạn viêm lợi đang tiến triển: Đây là giai đoạn bệnh đang dần nặng hơn, gây sưng phồng, phù nề khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng này kéo dài có nguy cơ khiến người bệnh bị sâu răng, nướu dễ chảy máu, răng lung lay, hôi miệng,...

  • Giai đoạn viêm lợi hoại tử: Giai đoạn này lợi của bệnh nhân đã bị tổn thương nghiêm trọng. Vết thương có thể bị lở loét, hoại tử, nhiễm trùng nướu lan rộng đến những vùng xung quanh. Người bệnh sẽ cảm thấy khó khăn trong việc ăn uống, cảm giác đau nhức tăng lên và có thể mất răng.

>>> Tìm hiểu thêm:

Các phương pháp chữa trị bệnh viêm lợi

Điều trị viêm lợi tại nhà

Phương pháp chữa trị viêm lợi rất đa dạng, nha sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp cho bệnh nhân dựa vào độ tuổi cũng như tình trạng bệnh. Người bệnh có thể thực hiện các phương pháp tại nhà để xử lý viêm nướu ở tình trạng nhẹ cũng như ngăn ngừa khả năng mắc bệnh:

  • Thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách, đúng kỹ thuật.

  • Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch các vụn thức ăn và mảng bám sau mỗi bữa ăn.

  • Có thể dùng khăn bọc đá viên, chườm lên vùng bị viêm để giảm sưng, giảm đau.

  • Dùng nước súc miệng có chứa các chất kháng khuẩn như chlorhexidine, hexetidin, zin gluconat, chlorin dioxide... để làm sạch vi khuẩn, loại bỏ mảng bám ra khỏi khoang miệng và làm dịu vết viêm.

  • Ngưng sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, caffein,... để hạn chế nguy cơ viêm lợi.

  • Hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường và chứa nhiều axit để giảm áp lực lên nướu. Bổ sung rau xanh, trái cây vào bữa ăn hàng ngày để tăng cường vitamin và các khoáng chất.

Điều trị bằng phương pháp nha khoa chuyên nghiệp

Đối với những trường hợp viêm lợi nặng, người bệnh cần phải đến nha khoa để được nha sĩ điều trị. Sau khi được chẩn đoán viêm nướu, nha sĩ sẽ làm sạch các mảng bám và cao răng trên bề mặt răng cũng như bên dưới đường viền nướu. Một số khu vực khó vệ sinh như: mão răng, cầu răng,... cũng sẽ được kiểm tra để làm sạch các mảng bám, vụn thức ăn. Trường hợp viêm lợi nghiêm trọng, nha sĩ sẽ đề nghị thực hiện phẫu thuật cắt lợi để bù đắp khoảng trống hở ra ở chân răng.

Ngoài ra, bạn hãy nhớ đi tái khám và kiểm tra răng miệng định kỳ 6 tháng/lần. Việc kiểm tra giúp bạn theo dõi được tình trạng bệnh cũng như có biện pháp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khác. 

Viêm lợi uống thuốc gì an toàn, hiệu quả?

Bên cạnh những phương pháp điều trị nêu trên, người bệnh có thể kết hợp một số loại thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm dưới đây để tăng hiệu quả điều trị:

 

1. Thuốc trị viêm lợi Naphacogyl

 

Naphacogyl là thuốc đau răng thường được chỉ định trong điều trị viêm nhiễm khoang miệng như viêm lợi, viêm nha chu, áp xe răng, chảy máu chân răng,... Ngoài ra, thuốc còn được bác sĩ kê cho bệnh nhân hậu phẫu răng miệng để phòng ngừa viêm nhiễm.

Người lớn nên uống từ 4-6 viên/ngày, chia 2 lần uống và dùng trong bữa ăn. Trẻ em dùng 2 viên/ngày, cách dùng tương tự người lớn. Lưu ý thuốc chống chỉ định cho người cao tuổi, người mắc các bệnh dạ dày, viêm đường ruột.

Thuốc Naphacogyl được chỉ định trong điều trị viêm nhiễm khoang miệng

 

2. Amoxicillin

 

Amoxicillin có khả năng ức chế sự phát triển vi khuẩn hiệu quả nên thường được bác sĩ chỉ định trong điều trị viêm lợi, viêm nha chu, nhiễm khuẩn đường thở,...

Người bệnh nên dùng 3 lần/ngày, mỗi lần uống 250 – 350mg tùy vào tình trạng của mỗi người. Hãy dùng liên tục từ 7 – 10 ngày để thuốc phát huy tác dụng tối ưu nhất.

Amoxicillin có khả năng ức chế vi khuẩn hiệu quả

 

3. Thuốc kháng sinh Clindamycin chữa viêm lợi

 

Clindamycin là thuốc kháng sinh sử dụng trong các trường hợp nhiễm khuẩn nặng và viêm lợi cấp tính. Bệnh nhân bị viêm lợi nhẹ dùng liều từ 150 - 300mg/lần x 4 lần/ngày. Trường hợp nặng vẫn dùng 4 lần/ngày nhưng tăng liều lượng lên 300 - 450mg/lần.

Clindamycin là thuốc kháng sinh sử dụng trong các trường hợp nhiễm khuẩn nặng và viêm lợi cấp tính.

 

4. Emofluor Gel chuyên trị viêm nướu, viêm lợi

 

Emofluor Gel là loại thuốc dạng gel chuyên dùng trong chữa trị các bệnh lý về chân răng bao gồm mòn hở chân răng, viêm lợi, ê buốt răng. Bên cạnh đó, thuốc còn giúp giảm đau và phòng ngừa sâu răng, hư men răng.

Liều dùng thuốc Emofluor Gel chữa viêm lợi: Lấy một lượng vừa đủ lên ngón tay hoặc bàn chải đánh răng rồi bôi đều lên khu vực bị viêm. Sau 1 phút thì nhổ đi mà không cần súc miệng lại với nước. Dùng 1 lần/ngày vào mỗi buổi tối trong trường hợp đề phòng và 3 - 4 lần/ngày trong trường hợp đặc trị. Thuốc được khuyến cáo dùng cho trẻ từ 6 tuổi trở lên.

 

Emofluor Gel là loại thuốc dạng gel chuyên dùng cho chữa trị các bệnh lý về chân răng

 

5. Syndent Plus Dental Gel trị sưng lợi

 

Syndent Plus Dental Gel là thuốc được sử dụng trong điều trị các trường hợp sưng lợi, viêm lợi, đau buốt răng và nhiễm khuẩn đường miệng. Ngoài ra, sản phẩm còn giúp loại bỏ cao răng hiệu quả. 

Liều dùng khuyến cáo cho người lớn là bôi 3-4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau ít nhất 3 tiếng. Trẻ em bôi 2-3 lần/ngày, mỗi lần bôi cách nhau 6 tiếng và không dùng cho trẻ dưới 30 tháng tuổi.

Ngoài công dụng điều trị viêm lợi, sưng lợi,... Syndent Plus Dental Gel còn giúp loại bỏ cao răng hiệu quả

Để thuốc có thể phát huy hiệu quả tối ưu nhất, người bệnh cần kết hợp với việc giữ gìn vệ sinh răng miệng cẩn thận. Thuốc điều trị viêm lợi trên thị trường khá đa dạng nên tốt nhất bạn nên đi khám để bác sĩ kiểm tra và tư vấn sản phẩm phù hợp, hạn chế tối đa các tác dụng phụ phát sinh.

Hy vọng bài viết trên có thể giúp bạn hiểu hơn về cách điều trị viêm lợi cũng như giải đáp thắc mắc viêm lợi uống thuốc gì hiệu quả. Mỗi người vẫn nên có thói quen vệ sinh răng miệng kỹ càng cũng như kiểm tra định kỳ để đảm bảo răng phát triển tốt và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về răng miệng.