9 nguyên nhân trẻ bị hôi miệng - colgate

9 nguyên nhân bất ngờ gây hôi miệng ở trẻ em và cách phòng ngừa

Tình trạng hôi miệng ở trẻ em là vấn đề thường gặp ở trẻ khiến rất nhiều cha mẹ lo lắng. Có lúc ngay cả đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên cũng không thể đánh bay mùi khó chịu tỏa ra từ miệng con bạn. Cùng tìm hiểu nguyên nhân khiến hơi thở trẻ có có mùi hôi và cách điều trị tình trạng đó.

Nguyên nhân phổ biến gây hôi miệng ở trẻ em

1. Vệ sinh răng miệng kém

Nguyên nhân đầu tiên gây hôi miệng ở trẻ em là do vệ sinh răng miệng kém gây tích tụ vi khuẩn trong miệng. Vi khuẩn có thể hình thành mảng bám, gây kích ứng nướu, sâu răng, và hơi thở có mùi hôi.

Đầu tiên, hãy theo dõi thói quen chăm sóc răng miệng của trẻ. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên sẽ loại bỏ các vụn thức ăn gây mùi hôi còn sót lại mà còn làm sạch mảng bám. Hãy nhớ đưa con bạn đi gặp nha sĩ thường xuyên 3 tháng/lần để được làm sạch chuyên sâu và kiểm tra sức khỏe răng miệng.

2. Bệnh lý răng miệng: sâu răng, loét miệng

Trẻ em bị hôi miệng là bệnh gì là câu hỏi được rất nhiều cha mẹ tìm kiếm và thắc mắc. Chứng hôi miệng ở trẻ là triệu chứng của các bệnh lý về răng miệng bao gồm sâu răng, mảng bám tích tụ, loét miệng hoặc phẫu thuật miệng.

Sâu răng, viêm nướu hay lở miệng, nhiễm trùng miệng có thể tiết ra mùi hôi mà ngay cả cách đánh răng đúng chuẩn nhất cũng không thể loại bỏ được. Đây là lý do tại sao việc tìm đến điều trị nha khoa chuyên nghiệp lại vô cùng quan trọng nếu con bạn đang gặp phải các vấn đề này. 

3. Bệnh sưng amidan, sỏi amidan

Amidan khỏe mạnh sẽ có màu hồng và không có chấm, amidan bị nhiễm trùng sẽ sưng đỏ, xuất hiện những chấm trắng và mùi khó chịu. Vi khuẩn có thể tích tụ trong các vết sưng tấy của amidan và hoặc mùi chua của sỏi amidan khiến hơi thở có mùi hôi ở trẻ. Nếu amidan của con bạn trông sưng tấy và đỏ, hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ nhi khoa để được tư vấn cách điều trị.

4. Tắc dị vật đường mũi gây nhiễm trùng

Hôi miệng ở trẻ có thể là kết quả của dị vật bị tắc trong đường mũi của đứa trẻ. Trẻ con luôn tò mò, và lỗ mũi của chúng thì có kích thước phù hợp để cho những đồ vật nhỏ như hạt cườm, hạt đỗ, phụ kiện đồ chơi và đồ ăn. 

Khi những đồ vật này tắc trong đường mũi của đứa trẻ, nó có thể gây nhiễm trùng và mùi khó chịu. Nếu bạn nghi ngờ đây là nguyên nhân gây hơi thở có mùi hôi của con mình, bạn cần sự giúp đỡ của bác sĩ để kiểm tra đường mũi của trẻ và loại bỏ dị vật.

5. Khô miệng hoặc thở bằng miệng

Mút ngón tay, sử dụng núm vú giả, một số loại thuốc và tình trạng khô miệng nói chung đều có thể gây ra hôi miệng ở trẻ em. Tương tự như vậy, ngáy và thở bằng miệng (do ngạt mũi hoặc thói quen khi ngủ) vào ban đêm ngăn nước bọt rửa trôi vi khuẩn ở miệng và dẫn tới tình trạng hôi miệng.

Nước bọt đóng vai trò quan trọng trong việc đánh bay vi khuẩn gây mùi khó chịu, và thiếu nước bọt có thể dẫn đến sâu răng. Hãy đảm bảo rằng con bạn uống đủ nước mỗi ngày, và trao đổi với nha sĩ về cách phòng ngừa khô miệng.

6. Dinh dưỡng hay chế độ ăn

Đôi khi, hơi thở có mùi của trẻ do ăn một số đồ ăn và rau như tỏi, hành và gia vị nặng mùi. Khi con bạn tiêu hóa và hấp thụ những thực phẩm này, các phân tử có mùi đi vào máu và được thải dần dần qua phổi và hơi thở. Các thực phẩm có hàm lượng đạm cao như thịt đỏ, cá, và phô mai thậm chí có thể khiến tình trạng hôi miệng tồi tệ hơn. Bạn nên điều chỉnh và hạn chế những thực phẩm có mùi trong chế độ ăn của trẻ.

7. Vi khuẩn bám trên lưỡi

Lưỡi cũng là nơi chứa nhiều vi khuẩn gây mùi và hôi miệng, vì thế hãy đảm bảo con bạn luôn vệ sinh lưỡi sạch sẽ bằng dụng cụ cạo lưỡi.

8. Bệnh viêm xoang

Viêm xoang làm dịch tích tụ ở đường mũi và họng, khiến nó trở thành nơi lý tưởng cho vi khuẩn khu trú gây ra mùi hôi miệng. Hơi thở có mùi do viêm xoang không thể được chữa trị chỉ bằng đánh răng và súc miệng. Nếu bạn nghi ngờ con bạn bị viêm xoang, đau họng, nóng rát đường mũi và chảy dịch mũi sau, hãy gọi điện cho nha sĩ để đặt lịch khám và lên kế hoạch điều trị.

9. Bệnh tiểu đường, nhiễm trùng dạ dày, suy thận, các vấn đề về gan

Những bệnh lý hiếm gặp hơn này cũng được biết đến là nguyên nhân gây ra hơi thở có mùi hôi ở trẻ em. Nếu con bạn đang hóa trị, có bằng chứng cho thấy nhiễm nấm miệng ở trẻ cũng có thể gây ra hơi thở có mùi hôi. Nếu bạn biết con mình bị một trong các bệnh lý trên, hãy trao đổi với bác sĩ và nha sĩ về những giải pháp khả thi để điều trị hôi miệng ở trẻ nhỏ.

Cách điều trị hôi miệng ở trẻ em

Hãy tuân theo những mẹo điều trị hôi miệng ở trẻ được hướng dẫn Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ (ADA) sau:

  • Hướng dẫn trẻ chải răng trong hai phút và chải răng ít nhất hai lần mỗi ngày. Bạn cần giám sát hoặc giúp trẻ chải răng cho đến khi bé có thể tự chải răng đúng cách.
  • Dùng lượng kem đánh răng có kích thước bằng hạt gạo cho trẻ dưới ba tuổi và bằng hạt đậu cho trẻ lớn hơn. Hãy chắc chắn các bé không nuốt kem đánh răng.
  • Khi chải răng, hãy hướng dẫn bé làm sạch lưỡi để loại bỏ vi khuẩn gây mùi.
  • Ngay khi con bạn mọc những chiếc răng san sát nhau đầu tiên, hãy hướng dẫn bé làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa hàng ngày. Việc này sẽ giúp loại bỏ các cặn thức ăn gây mùi và giúp ngăn ngừa hình thành mảng bám.
  • Hẹn lịch kiểm tra và làm sạch chuyên sâu thường xuyên với bác sĩ nha khoa của trẻ ngay khi bé có chiếc răng đầu tiên để xác định và điều trị sớm bất cứ vấn đề răng miệng nào.

Nếu hôi miệng kéo dài ngay cả khi con bạn đã thực hiện thói quen chăm sóc răng miệng tốt và nha sĩ khẳng định răng miệng của con bạn hoàn toàn khỏe mạnh, bạn nên thực hiện thêm các xét nghiệm toàn thân cho trẻ giúp chẩn đoán nguyên nhân tiềm ẩn của chứng hôi miệng.

Nguyên nhân hôi miệng ở trẻ em xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dù nguyên nhân là gì, hướng dẫn cho trẻ chải răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách có thể giúp các bé giảm vi khuẩn gây mùi và hình thành thói quen chăm sóc răng miệng suốt đời.