Thở bằng miệng gây ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng như thế nào?
Gây khô miệng, hôi miệng
Nếu bạn thường thở bằng miệng, bạn có thể nhận ra cảm giác khô miệng, khô cổ họng dẫn đến chứng hôi miệng và các vấn đề về răng miệng khác. Theo Hiệp hội Nha khoa, cảnh báo một biến chứng tiềm ẩn khác của tình trạng khô miệng là sâu răng, bởi việc thiếu nước bọt để rửa sạch vi khuẩn khỏi răng có thể khiến mảng bám tích tụ nhanh chóng và phá hủy cấu trúc răng.
Xem thêm: Nguyên nhân trẻ bị hôi miệng và cách phòng ngừa
Sai lệch khớp cắn ở trẻ em
Không chỉ ảnh hưởng ở người lớn, tác hại của thở bằng miệng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em. Các trung tâm chăm sóc sức khỏe ước tính có từ 10% đến 25% trẻ em thở bằng miệng. Theo một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Sức khỏe Răng miệng Quốc tế, khi so sánh với trẻ thở bằng mũi, thì trẻ thở bằng miệng thường có răng cửa mọc lệch về trước nhiều hơn.
Trẻ em thở bằng miệng có thể gặp các biến chứng sức khỏe răng miệng như sai lệch khớp cắn. Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), lệch khớp cắn là hàm trên và hàm dưới của răng không khớp với nhau đúng cách. Sai lệch khớp cắn có thể gây khó khăn khi nói, cắn hoặc nhai và ảnh hưởng thẩm mỹ.
Viêm nướu do thở bằng miệng
Giáo trình Bệnh học Răng miệng ở Bệnh nhi cảnh báo một biến chứng tiềm ẩn khác của tình trạng thở bằng miệng: Viêm nướu do thở bằng miệng. Khi trẻ thở bằng miệng, sự tiếp xúc thường xuyên với không khí có thể khiến nướu bị khô và dẫn tới viêm, sưng nướu. Trẻ gặp phải tình trạng này có thể có nướu sưng đỏ và nướu có thể che một phần răng.
Chứng ngưng thở khi ngủ do thở bằng miệng
Những người thở bằng miệng chứ không phải mũi có nhiều khả năng bị rối loạn giấc ngủ, bao gồm chứng ngưng thở khi ngủ. Khi thở bằng miệng, não cho rằng cơ thể đang mất lượng carbon dioxide (CO2) quá nhanh, não sẽ nhạy cảm với tình trạng này và ra lệnh ức chế trung tâm hô hấp.
Các nguyên nhân gây thở bằng miệng phổ biến
Nghẹt mũi: Theo Trung tâm y tế Cleveland Clinic, mặc dù thở bằng mũi là việc thường diễn ra khi hô hấp, nhưng bạn có thể thở bằng miệng trong vô thức nếu mũi bị tắc. Khi bị cảm lạnh hoặc viêm xoang mãn tính, bạn có thể bị nghẹt mũi dai dẳng khiến bạn khó thở bằng mũi. Ngoài ra, phản ứng của mũi với các chất gây dị ứng hoặc kích thích, chẳng hạn như phấn hoa hoặc ô nhiễm có thể gây tắc mũi.
Bệnh hen suyễn: Người bị hen suyễn sẽ gặp tình trạng lớp niêm mạc của ống phế quản sẽ sưng, viêm do phản ứng với các tác nhân gây kích thích. Ống phế quản sẽ hẹp lại hạn chế không khí lưu thông gây khó thở. Hầu hết người bị hen suyễn sẽ thấy khó thở phải thở bằng miệng để nhanh chóng thích ứng.
Lệch vách ngăn: Vách ngăn của bạn là sụn và xương chia bên trong mũi thành hai bên. Khi vách ngăn bị lệch, nghiêng sang một bên, nó có thể chặn đường thở của bạn.
Polyp mũi: Polyp mũi phát triển trong đường mũi có thể cản trở không khí lưu thông qua mũi. Các bệnh viêm đường hô hấp, hen suyễn, dị ứng và rối loạn miễn dịch là nguyên nhân dẫn đến polyp mũi. Nếu không được chữa trị kịp thời, người mắc polyp mũi sẽ có thói quen thở bằng miệng nhiều hơn.
Mắc dị vật trong mũi: Các mô mở rộng ở phía sau mũi đôi khi có thể gây cản trở trong mũi của trẻ, hoặc trẻ nhỏ thường vô tình tự làm tắc mũi bằng cách đút các loại hạt nhỏ hoặc các vật lạ khác vào lỗ mũi.
Sưng vòm họng chặn đường thở ở trẻ: Vòm họng là các tuyến giống như những cục mô nhỏ nằm phía trên vòm miệng và phía sau mũi. Vòm họng giúp bảo vệ trẻ nhỏ khỏi vi khuẩn và vi rút. Đôi khi, vòm họng sưng lên hoặc bị nhiễm trùng sẽ chặn đường thở của trẻ em dẫn đến trẻ thở bằng miệng. Tuy nhiên, vòm họng thường co lại khi chúng ta trưởng thành. Do đó, vòm họng phì đại ít có khả năng gây ra tình trạng thở bằng miệng ở người lớn.
Sứt môi, hở hàm ếch: là dị tật bẩm sinh xuất hiện ở trẻ nhỏ và gây ảnh hưởng đến cấu trúc của miệng. Việc thở bằng miệng trong trường hợp này sẽ kéo dài suốt đời cho đến khi người bệnh thực hiện phẫu thuật.
Các phương pháp điều trị tình trạng thở bằng miệng và các vấn đề liên quan
Để học cách thở bằng mũi thay vì thở bằng miệng, bạn nên đến gặp nha sĩ hoặc bác sĩ để được đánh giá và hướng dẫn. Phương pháp điều trị cho tình trạng thở bằng mũi rất đa dạng và tùy thuộc vào nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này. Bệnh viện Nhi Stanford báo cáo rằng một số phương pháp điều trị có thể bao gồm rửa mũi, xịt mũi, uống thuốc hoặc phẫu thuật.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cần điều trị các biến chứng về sức khỏe răng miệng gây ra bởi tình trạng thở bằng miệng. Để điều trị tình trạng khô miệng, các nha sĩ có thể khuyến khích sử dụng kẹo cao su không đường, nước bọt giả hoặc nước súc miệng.
Niềng răng có thể được khuyến nghị sử dụng cho một số người có răng mọc không thẳng hàng. Trong một số trường hợp, niềng răng trong suốt có thể là một lựa chọn hợp lý để khắc phục thở bằng miệng, theo Viện Y tế Quốc gia (NIH).
Thở bằng mũi và cải thiện vệ sinh răng miệng là cách đơn giản và cần thiết nhất để điều trị tình trạng viêm nướu do thở bằng miệng. Tuy nhiên nếu tình trạng viêm nướu tiến triển nặng, nha sĩ có thể khuyến nghị tiến hành phẫu thuật. Bạn có thể trao đổi với nha sĩ để tìm hiểu thêm các phương pháp điều trị phù hợp với bạn.
Thường xuyên thở bằng miệng không phải là cách hít thở đúng và có thể gây ra hàng loạt các biến chứng về sức khỏe răng miệng khác. Nếu bạn thấy không thể khắc phục thở bằng miệng, hãy tìm kiếm lời khuyên từ nha sĩ hoặc bác sĩ ngay lập tức.