Badge field

Những Bệnh Lý Nhiễm Khuẩn Răng Nghiêm Trọng

Published date field

Răng là nơi có rất nhiều dây thần kinh, đó là lý do tại sao đau răng, mặc dù chỉ ảnh hưởng đến một vùng nhỏ trong miệng, nhưng lại là vấn đề khá nghiêm trọng. Cơn đau do đau răng gây ra có thể làm suy nhược cơ thể và thường là biểu hiện của vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn. Nhiễm khuẩn răng có thể là nguyên nhân gây ra đau răng, dẫn đến tình trạng đau nhức, răng nhạy cảm hoặc đau nhói trong miệng. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ những nguyên nhân thông thường khiến răng bị nhiễm khuẩn và cách làm giảm cơn đau răng với thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách, cũng như với sự giúp đỡ của nha sĩ.

Các Dấu hiệu và Triệu chứng

Răng sưng hoặc đau nhói là một trong những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng nhiễm khuẩn răng. Nếu không được điều trị kịp thời, thì vấn đề tưởng chừng như đơn giản và không gây biến chứng này có thể khiến răng bị nhiễm khuẩn, đau nhói, tấy đỏ, sưng và khiến người bệnh bị sốt cao, tất cả đều là những dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang phải cố gắng chống chọi với nhiễm khuẩn. Bạn cũng có thể nhận thấy hơi thở có mùi khó chịu hoặc tình trạng hơi thở có mùi khó chịu không biến mất sau khi chải răng hoặc súc miệng bằng nước súc miệng.

Trong một số trường hợp, bạn có thể bị mẻ răng, nhưng nhiễm khuẩn thường không dễ được phát hiện vì tình trạng này hình thành sâu bên trong tủy răng, và không có bất kỳ dấu hiệu bên ngoài nào ngoài đau răng và sưng tấy.

Một số dấu hiệu sau đây cho thấy một lỗ sâu răng nhỏ đã tiến triển thành nhiễm khuẩn răng:

  • Đau nhói ở răng, xương hàm hoặc cổ
  • Bị sưng tấy vùng má
  • Răng nhạy cảm với nhiệt độ nóng hoặc lạnh
  • Răng nhạy cảm với áp lực
  • Sốt
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ

Phòng khám Mayo cho biết nếu bạn bị sốt và sưng, hoặc cảm thấy khó thở hay khó nuốt, bạn nên đi khám ngay lập tức. Đây là dấu hiệu của nhiễm khuẩn nặng, có thể vi khuẩn đã tiến vào xương hàm và các khu vực xung quanh xương hàm. Nếu có thể, hãy liên hệ với nha sĩ để điều trị ngay trong ngày hoặc đề nghị nha sĩ mà bạn thường hay khám giới thiệu bạn đến một nha sĩ mà có thể khám cho bạn ngay lập tức. Nếu bạn vẫn không thể gặp nha sĩ ngay lập tức, hãy đến phòng cấp cứu để được chăm sóc kịp thời.

Nguyên Nhân

Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ cảnh báo rằng hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn răng là biến chứng của bệnh sâu răng hoặc mẻ răng không được chữa trị kịp thời. Khi vi khuẩn xâm nhập vào men răng, vi khuẩn có thể gây nhiễm khuẩn các dây thần kinh mềm trong mô tủy răng, dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn thường được gọi là áp xe. Răng bị áp xe cần được điều trị càng sớm càng tốt và bạn càng chờ đợi điều trị lâu, nhiễm khuẩn càng dễ có biến chứng nghiêm trọng. Bất kỳ răng nào cũng có thể bị áp xe vì tất cả các răng đều có mô nhạy cảm, dễ bị nhiễm khuẩn, mặc dù theo Tạp chí Scientific American, những người có răng hàm có rãnh sâu dễ bị sâu răng hơn những người bình thường. Trong một số trường hợp, nhiễm khuẩn thực sự có thể lan đến xương hàm và khiến bệnh nhân phải thực hiện phẫu thuật miệng, vì vậy điều quan trọng là phải đi khám ngay khi bạn nghi ngờ mình bị nhiễm khuẩn miệng.

Các Biện Pháp Điều Trị

Nha sĩ sẽ cần phải làm sạch khu vực bị nhiễm khuẩn trước khi tiến hành điều trị với phương pháp được gọi là lấy tủy răng. Thủ thuật lấy tủy răng đòi hỏi nha sĩ cần phải khoan răng để tiếp cận khu vực bị nhiễm khuẩn. Sau đó, khu vực bị nhiễm khuẩn được loại bỏ và tủy răng được làm sạch bằng dung dịch kháng khuẩn, và sau đó bác sĩ sẽ đặt mão răng để bảo vệ răng. Lấy tủy răng có thể chỉ là một cuộc tiểu phẫu hoặc có thể trở thành một cuộc đại phẫu, tùy thuộc bạn đã bị nhiễm khuẩn bao lâu. Nha sĩ cũng có thể kê cho bạn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn.

Các Biện Pháp Ngăn Ngừa

Không ai muốn phải đối mặt với cơn đau và những biến chứng do nhiễm khuẩn răng gây ra, đó là lý do tại sao phòng ngừa là một phần vô cùng quan trọng trong kế hoạch điều trị nha khoa của bạn. Không phải lúc nào bạn cũng có thể tránh được tình trạng mẻ răng, nhưng bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa được sâu răng bằng cách chăm sóc và vệ sinh răng miệng đúng cách. Chải răng ít nhất hai lần mỗi ngày với các sản phẩm như kem đánh răng, có tác dụng bảo vệ răng khỏi vi khuẩn lên tới mười hai giờ. Chải răng và dùng chỉ nha khoa để loại bỏ vi khuẩn có thể xâm nhập vào men răng và dẫn đến tình trạng sâu răng. Bạn cũng có thể ngăn ngừa nhiễm khuẩn bằng cách khám răng định kỳ Tại phòng khám, nha sĩ có thể chụp X-quang để xác định vị trí các khu vực có khả năng bị sâu răng, cũng như các khu vực dễ bị tổn thương. Từ đó, nha sĩ có thể giải quyết các vấn đề nhỏ và đơn giản trước khi các vấn đề đó biến chứng thành nhiễm khuẩn răng phức tạp và đau đớn.

Đừng để nhiễm khuẩn răng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Nếu bạn nhận thấy mình có dấu hiệu đau răng, tốt nhất là nên tìm cách điều trị tận gốc vấn đề càng sớm càng tốt, nếu không bạn có thể khiến tình trạng nhiễm khuẩn răng trở nên tồi tệ hơn. Giữ thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ giúp bảo vệ nụ cười tươi sáng của bạn khỏi sâu răng và các vi khuẩn gây ra tình trạng nhiễm khuẩn răng.