Badge field

Lấy Tủy Răng Là Gì? Quy Trình Thực Hiện Điều Trị Tủy Răng

Published date field

Lấy tủy răng là vấn đề được rất nhiều người quan tâm với những phản ứng khác nhau. Có nhiều trường hợp bệnh nhân lo sợ và tránh né thực hiện điều trị tuỷ răng vì sợ đau đớn trong quá trình làm và sau khi lấy tuỷ. Những phản ứng này thường là do những quan niệm chưa đúng đắn về biện pháp lấy tủy răng cũng như lý do phải thực hiện lấy tủy răng. Hiểu rõ quy trình lấy tủy răng và trường hợp nào cần điều trị sẽ giúp bạn giảm lo lắng, sợ hãi và yên tâm điều trị hơn.

Tủy răng là gì?

Tủy răng là một mô liên kết đặc biệt gồm hệ thống dây thần kinh và mạch máu, được bao bọc bởi phần ngà răng và men răng. Tủy răng bắt đầu từ phần đỉnh của chân răng và kéo dài đến giữa thân răng.

Tủy răng nằm ở hốc răng, gồm hốc thân răng (buồng tủy) và hốc chân răng (ống tủy). Tủy nằm ở hốc thân răng gọi là tủy buồng, tủy ở hốc chân răng gọi là tủy ống. Mỗi chân răng có thể có 1 hoặc nhiều ống tủy, ống tủy phụ, tất cả ống tủy trong 1 răng được gọi là hệ thống ống tủy.

Tủy răng chứa các dây thần kinh nên tham gia vào chức năng cảm giác, đồng thời chúng cũng giúp nuôi dưỡng và sửa chữa phần ngà răng.

Lấy tủy răng là phương pháp cần thiết để điều trị sâu răng tuỷ..

Tại sao cần phải lấy tủy răng?

Lấy tủy răng là một biện pháp cần thiết để điều trị sâu răng. Khi sâu răng xuyên qua men răng và tiến đến ngà răng, răng sẽ bị nhiễm khuẩn hoặc bị áp xe răng. Cuối cùng, sâu răng sẽ tiến vào phá huỷ cấu trúc thần kinh của răng, được gọi là tủy răng.

Tại thời điểm này, cấu trúc thần kinh của răng bắt đầu chết, tình trạng viêm nhiễm gây ra bởi sâu răng không thể nào khắc phục được. Khi tình trạng này xảy ra, hóa chất được giải phóng có thể gây nhiễm khuẩn ở chóp chân răng, dẫn đến đau răng và tụt lợi. Đây cũng chính là lúc đau răng trở nên dễ phát hiện và đau đớn hơn. 

Bệnh nhân thường sẽ tìm kiếm một nha sĩ có thể giúp chữa đau răng và điều trị bằng liệu pháp lấy tủy răng. Do thủ thuật lấy tủy răng rất phức tạp và phải được thực hiện đúng cách, bệnh nhân nên chọn phòng khám có kinh nghiệm và chuyên môn cao về thủ thuật lấy tủy răng.

Thực hiện lấy tủy răng ở đâu?

Theo Hiệp Hội Các Bác Sĩ Nội Nha Hoa Kỳ, phương pháp lấy tủy răng có thể được thực hiện bởi một nha sĩ hoặc bởi một bác sĩ nội nha. Mặc dù, tất cả các nha sĩ đều nghiên cứu về nội nha trong quá trình đào tạo của mình, nhưng bác sĩ nội nha là những nha sĩ đã được đào tạo chuyên sâu hơn. Nha sĩ thường sẽ dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân để quyết định nên thực hiện thủ thuật lấy tủy răng tại chỗ hay chuyển bệnh nhân đến bác sĩ nội nha.

Nguyên tắc điều trị tủy răng

Điều trị tủy răng là để có thể giữ lại răng và đảm bảo hoạt động nhai, nghiền thức ăn. Thế nên khi điều trị tủy răng, nha sĩ sẽ tuân thủ theo 3 nguyên tắc sau:

  • Vô trùng: Để ngăn ngừa nguy cơ viêm nướu trong quá trình điều trị.

  • Hệ thống ống tủy phải được làm sạch hoàn toàn, sau đó nha sĩ sẽ tạo hình phù hợp cho ống tủy để việc trám bít ống tủy được thuận lợi.

  • Trám ống tủy phải được bịt kín theo 3 chiều.

Quy trình điều trị tủy răng chuẩn xác nhất hiện nay

Bước 1: Thăm khám

Quá trình thăm khám ban đầu là việc cần thiết khi tiến hành điều trị tủy răng. Nha sĩ sẽ chụp film răng để đánh giá sơ bộ về tình trạng của răng, chẳng hạn như: lỗ sâu răng, vết trám cũ, hệ thống ống tủy, tình trạng nhiễm trùng,... Từ những đánh giá sơ bộ ban đầu, nha sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị theo tình trạng răng của bạn.

Kế hoạch điều trị sẽ được nha sĩ trao đổi với bạn trong lúc thăm khám. Việc trao đổi này giúp bạn hiểu rõ quá trình, chủ động về thời gian và tài chính để hợp tác với nha sĩ trong việc điều trị.

Bước 2: Gây tê và loại bỏ phần tủy bị viêm

Trong thủ thuật lấy tủy răng, răng được gây tê theo cách tương tự như trong thủ thuật trám lỗ sâu răng. Bệnh nhân được gây tê tức là việc thực hiện lấy tủy răng có thể sẽ khiến người bệnh có cảm giác đau.

Sâu răng, tủy bị viêm và nhiễm khuẩn hay tuỷ chết trong chân răng sẽ được loại bỏ, và răng sẽ được vệ sinh cũng như được chuẩn bị để thực hiện trám răng. Vật liệu trám răng là một chất giống như cao su có tên là gutta-percha. Chất trám răng này có vai trò bịt toàn bộ cấu trúc chân răng và ngăn các dịch khoang miệng có thể chạm vào và làm ảnh hưởng đến cấu trúc bên trong răng.

Bước 3: Tái tạo răng để phục hồi chức năng của răng

Mặc dù chân răng và buồng dây thần kinh đều được bịt kín trong thủ thuật này, răng vẫn có thể bị suy yếu nghiêm trọng và cần thực hiện tái tạo cùi răng và thân răng để bảo vệ phần men răng còn lại. Lõi trám răng và mão răng đóng vai trò như một lớp vỏ bảo vệ. Các vật liệu này bảo vệ răng khỏi bị tổn thương và giúp khôi phục chức năng nhai của răng. 

Đôi khi, nếu tình trạng sâu răng hoặc nhiễm khuẩn là không đáng kể, thì không cần thiết phải gắn mão răng. Trong trường hợp này, tái tạo cùi răng là bước cuối cùng để phục hồi chức năng của răng. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương và tùy thuộc vào việc điều trị của nha sĩ, sẽ cần tới một hoặc nhiều lần thăm khám để hoàn thành quá trình điều trị.

Bước 4: Tái khám và kiểm tra

Sau khi thực hiện lấy tủy răng và phục hồi chức năng cho răng đã được hoàn thành, nha sĩ hoặc bác sĩ nội nha thường sẽ lên lịch tái khám sau 6 tháng để kiểm tra xem vết thương của vùng xương xung quanh răng đã hoàn toàn lành hay chưa. Theo Học Viện Nha Khoa Tổng Hợp Hoa Kỳ, lấy tủy răng, khi được thực hiện chính xác, có tỷ lệ thành công hơn 95% và giá rẻ hơn đáng kể so với thủ thuật nhổ răng và thay răng.

Những biến chứng có thể xảy ra nếu không điều trị tủy răng

Lấy tủy răng là giải pháp cho những tình trạng răng sâu vào tủy, viêm tủy răng hoặc tủy bị chết. Nếu bạn cố tình không lấy tủy răng, tình trạng bệnh sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Các biến chứng bạn có thể gặp phải nếu kiên quyết không diều trị tủy răng như:

  • Viêm chóp răng do vi khuẩn xâm nhập vào và ăn sâu xuống chân răng.

  • Mất răng, tiêu xương hàm.

  • Viêm nhiễm lây lan sang các răng bên cạnh.

  • Nặng hơn, tình trạng viêm có thể lây lan đến các khu vực khác, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Chăm sóc răng sau khi lấy tủy

Sau khi trải qua quá tình điều trị tủy răng, bạn cần có chế độ chăm sóc đặc biệt để răng có thể phục hồi nhanh chóng:

  • Chú ý các cơn đau: Sau khi điều trị tủy răng, bạn có thể sẽ gặp những cơn đau khó chịu. Đây là tình trạng thường gặp, nhưng nếu những cơn đau kéo dài không khỏi thì bạn cần đến ngay phòng khám mà bạn đã thực hiện lấy tủy răng để được thăm khám kịp thời.

  • Hạn chế nhai và cắn bằng răng vừa điều trị: Tốt nhất là bạn không nên nhai, cắn đồ ăn trong vài tiếng đồng hồ sau khi điều trị tủy. Lý do là để chất trám ổn định và không bị bong ra khỏi răng. 

  • Nên ăn các món ăn mềm, được cắt nhỏ để giảm áp lực lên răng.

  • Sử dụng các dụng cụ vệ sinh răng miệng như bàn chải, chỉ nha khoa, tăm nước,.. một cách nhẹ nhàng.

Những câu hỏi thường gặp

Lấy tủy răng có nguy hiểm đến sức khỏe không?

Việc chữa tủy răng hoàn toàn không gây nguy hiểm đến sức khỏe của bệnh nhân. Hơn nữa đây còn là điều cần thiết để ngăn chặn sự viêm nhiễm lây lan sang các khu vực khác, gây ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ răng.

Lấy tủy răng hết bao nhiêu tiền?

Giá điều trị tủy răng (lấy tủy răng) thường dao động từ 500.000 – 4.000.000 VNĐ/răng. Chi phí lấy tủy răng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tình trạng viêm tuỷ, công nghệ, cơ sở vật chất,...

Răng sau khi lấy tủy tồn tại được bao lâu?

Răng sau khi lấy tủy sẽ trở nên yếu hơn vì không còn tủy nuôi răng. Tuy nhiên răng vẫn có thể tồn tại được nhờ vào các phương pháp bảo vệ răng sau khi lấy tủy. 

Với phương pháp trám răng, răng có thể hoạt động tốt trong khoảng từ 3 đến 5 năm. Tuy nhiên bạn vẫn cần tái khám thường xuyên để điều chỉnh lại chỗ trám. 

Đối với phương pháp bọc sứ, răng có thể tồn tại đến 10 năm, thậm chí là vĩnh viễn nếu sử dụng loại sứ cao cấp.

Lấy tủy răng là một quy trình điều trị nhằm bảo vệ răng, đồng thời ngăn ngừa tổn thương cho răng trong tương lai. Tuy nhiên bạn có thể không cần điều trị tủy răng nếu thực hiện khám răng định kỳ hai lần mỗi năm và thực hiện thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách tại nhà.