cách nhận biết trẻ mọc răng - colgate

Trẻ mấy tháng mọc răng? 9 dấu hiệu mọc răng dễ nhận biết

Published date field Cập nhật mới nhất:

Được Colgate Global Scientific Communications đánh giá về mặt y khoa

Khi mọc răng sữa, trẻ thường cảm thấy khó chịu, hay quấy khóc và sốt nhẹ. Vậy nên, các bậc phụ huynh cần nắm rõ các thông tin như trẻ mấy tháng mọc răng, thứ tự mọc răng sữa ở trẻ, dấu hiệu nhận biết bé mọc răng,... để biết cách chăm sóc để em bé thoải mái hơn trong giai đoạn này. Cùng Colgate tìm hiểu chi tiết các vấn đề trên thông qua bài viết sau đây.

>>> Xem thêm:

Trẻ mấy tháng mọc răng?

Theo chuẩn nhi khoa, trẻ 6 - 8 tháng tuổi sẽ bắt đầu mọc răng sữa ở vị trí hai chiếc răng cửa hàm dưới. Những chiếc răng sữa còn lại sẽ tiếp tục mọc đến khi trẻ 30 tháng tuổi (2 - 3 tuổi), hoàn thiện 20 chiếc răng. Trẻ mọc răng sớm là khi răng nhú lên trước tháng thứ 6, có thể là tháng thứ 3, 4, 5. Trẻ mọc răng muộn là khi răng mọc sau tháng thứ 15. Đây là dấu hiệu cho thấy chậm mọc răng bất thường. Do đó, các bậc cha mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ để kiểm tra.

trẻ 6 - 8 tháng tuổi sẽ bắt đầu mọc răng sữa

 Lịch mọc răng sữa ở trẻ và thứ tự mọc răng

Hai chiếc răng mọc đầu tiên của bé là răng cửa hàm dưới, sau đó các răng khác sẽ tiếp tục mọc, cuối cùng là hai răng hàm thứ hai của hàm trên. Dưới đây là các thời điểm mọc răng ở trẻ mà cha mẹ có thể xem và theo dõi thứ tự mọc răng sữa của con:

  • Răng cửa giữa hàm dưới: Mọc khi bé 6 - 10 tháng tuổi.

  • Răng cửa giữa hàm trên: Mọc khi bé 8 - 12 tháng tuổi.

  • Răng cửa bên hàm dưới: Mọc khi bé 10 - 16 tháng tuổi.

  • Răng cửa bên hàm trên: Mọc khi bé 9 - 13 tháng tuổi.

  • Răng hàm sơ cấp hàm dưới: Mọc khi bé 14 - 18 tháng tuổi.

  • Răng hàm sơ cấp hàm trên: Mọc khi bé 13 - 19 tháng tuổi.

  • Răng nanh hàm dưới: Mọc khi bé 17 - 23 tháng tuổi.

  • Răng nanh hàm trên: Mọc khi bé 16 - 22 tháng tuổi.

  • Răng hàm thứ cấp hàm dưới: Mọc khi bé 23 - 31 tháng tuổi.

  • Răng hàm thứ cấp hàm trên: Mọc khi bé 25 - 33 tháng tuổi.

Quá trình mọc răng sữa của trẻ sẽ diền ra trong thời gian từ 6 - 30 tháng tuổi. Tuỳ cơ địa từng bé, bộ răng sữa 20 chiếc răng sẽ mọc xong lúc bé 2 - 3 tuổi.

Xem thêm: Người trưởng thành có bao nhiêu răng?

 

Thứ tự mọc răng của trẻ bắt đầu từ răng cửa hàm dưới

9 dấu hiệu nhận biết trẻ mọc răng sữa

Trẻ mọc răng có dấu hiệu nhận biết khá rõ ràng bằng mắt thường và quan sát hành động, thái độ của trẻ. Dưới đây là những dấu hiệu mọc răng ở trẻ phổ biến nhất:

Trẻ chảy nhiều nước dãi

Chảy nhiều nước dãi là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết trẻ mọc răng nhất. Tại thời điểm mọc răng, dây thần kinh thứ 5 bị kích thích dẫn đến việc nước bọt tiết ra nhiều. Tuy nhiên do chức năng nuốt nước bọt ở trẻ chưa hoàn thiện và khoang miệng của trẻ còn nông dẫn đến nước dãi chảy ra ngoài nhiều.

Tình trạng chảy nước dãi khi mọc răng sẽ giảm dần khi trẻ lớn và các răng đã mọc nhiều hơn.

 

trẻ chảy nước dãi khi chuẩn bị mọc răng

Nướu có dấu hiệu sưng đỏ

Nướu sưng đỏ là dấu hiệu răng của bé sắp mọc lên tại vị trí đó. Ngoài ra, mẹ có thể thấy bên dưới nướu xuất hiện một khối u nhỏ hơi xanh, đó là hiện tượng tụ máu nướu răng khi răng chuẩn bị mọc. Mẹ không cần quá lo lắng bởi vì đây là biểu hiện bình thường khi mọc răng sữa. Mẹ hãy chườm miếng gạc lạnh lên vị trí đó để giúp bé bớt đau.

Nổi mẩn xung quanh cằm và miệng

Khi nước dãi chảy ra ngoài nhiều, vùng da quanh cằm và miệng của bé có thể bị nổi mẩn. Phụ huynh nên dùng giấy mềm thấm khô nước dãi thường xuyên để tránh da bé nổi mẩn, phát ban.

Bé khó chịu, cáu kỉnh, quấy khóc

Mọc răng khiến bé cảm thấy khó chịu nên sẽ thường quấy khóc. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng sẽ quấy khóc khi mọc răng. Ba mẹ nên kết hợp với các dấu hiệu khác để nhận biết tình trạng mọc răng của bé.

 

quấy khóc là dấu hiệu mọc răng ở trẻ

Bé hay cắn, nhai, gặm

Khi mầm răng nhú lên và hàm bắt đầu cảm thấy ngứa ngáy, trẻ sẽ có xu hướng cắn, nhai, gặm mọi thứ để làm giảm cơn ngứa này. Phụ huynh nên chuẩn bị đồ gặm nướu để đảm bảo vệ sinh và không gây tổn thương đến nướu của bé.

Trẻ thường cắn ngón tay khi chuẩn bị mọc răng

Bé bỏ bú

Quá trình mọc răng sữa khiến lợi bị đau nhức, tạo cảm  giác khó chịu. Do đó, bé có thể bỏ bú, bú kém hơn bình thường. Đây là một trong những dấu hiệu mọc răng ở trẻ khá dễ nhận biết.

Trẻ bị sốt khi mọc răng

Mọc răng khiến hệ miễn dịch của trẻ giảm sút, dẫn đến tình trạng sốt nhẹ. Phụ huynh có thể thực hiện chườm ấm, thay quần áo thoáng mát cho trẻ để điều trị khi bị sốt nhẹ. Nếu sốt cao, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Khó ngủ, ngủ không ngon giấc

Việc mọc răng sữa có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ. Những cơ đau từ nướu khiến trẻ quấy khóc, khó đi vào giấc ngủ.

Bé thường kéo tai, xoa má, cằm

Nướu, tai và má có chung các đường dẫn thần kinh nên khi trẻ thường xuyên kéo tai, dụi tay vào má hoặc cằm có thể là dấu hiệu trẻ sắp mọc răng. Tuy nhiên, đây cũng có thể triệu chứng cho thấy trẻ đang cảm thấy mệt mỏi hoặc gặp vấn đề về sức khỏe.

 

Dấu hiệu trẻ sốt mọc răng có nguy hiểm không?

Dấu hiệu trẻ sốt mọc răng thường không gây ra nguy hiểm và được coi là phản ứng tự nhiên của trẻ đang phát triển. Trẻ sốt mọc răng khoảng 38 – 38,5 độ C và thường chỉ kéo dài trong thời gian rất ngắn (khoảng 1 – 2 ngày). Sau đó, trẻ sẽ tự động khỏi mà không cần điều trị gì thêm. Trong những trường hợp này, cha mẹ có thể tự chăm sóc cho bé tại nhà.

Bạn có thể giúp trẻ giảm đau và sưng nướu bằng cách massage nhẹ vùng nướu bằng khăn mềm hoặc sử dụng các sản phẩm chuyên dụng như gel làm dịu nướu. Bàn chải silicon cho bé rơ lưỡi, hoặc vòng gặm nướu cũng có thể giúp trẻ giảm cảm giác đau khi mọc răng. Trong một số trường hợp, trẻ mọc răng sốt 39-39,5 độ C thì cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để kiểm tra và theo dõi sức khỏe của con.

Trẻ sốt khi mọc răng

Những yếu tố ảnh hưởng đến thời gian mọc răng của trẻ

Dưới đây là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình mọc răng sữa ở trẻ:

  • Di truyền: Nếu bố mẹ ngày còn nhỏ cũng mọc răng sớm thì bé cũng dễ thừa hưởng gen di truyền này.

  • Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quyết định thời gian mọc răng ở trẻ. Việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp quá trình mọc răng của trẻ diễn ra đúng thời điểm, ít xảy ra tình trạng mọc răng chậm.

  • Hàm lượng canxi và vitamin D trong cơ thể: Thời gian trẻ bắt đầu mọc răng phụ thuộc rất lớn vào việc trẻ có bị thiếu canxi hay vitamin D không (dưỡng chất trong sữa mẹ, sinh thiếu tháng,...).

Trẻ mọc răng sớm có ảnh hưởng gì không?

Theo chuyên gia nha khoa, việc trẻ mọc răng sớm là điều hoàn toàn bình thường. Các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng về thời gian mọc răng ở trẻ. Thay vào đó, hãy chú trọng đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày để những chiếc răng của trẻ mọc chắc khỏe và không bị dị dạng. 

Cách chăm sóc khi trẻ có dấu hiệu mọc răng

Giai đoạn trẻ mọc răng là một cột mốc phát triển mạnh mẽ cần được cha mẹ quan tâm và chăm sóc kỹ lưỡng. Điều này không chỉ giúp bé thoải mái trong suốt quá trình mọc răng mà còn giúp con có hàm răng chắc khỏe sau này. Dưới đây là một số cách chăm sóc bé mọc răng bạn có thể áp dụng cho con:

  • Dùng vải sạch nhẹ nhàng lau nướu và miệng cho bé, ngay cả khi răng đầu tiên chưa mọc.

  • Sử dụng bàn chải silicon cho bé để vệ sinh răng nướu của trẻ.

  • Dùng vòng cắn mọc răng để trẻ có thể cắn thỏa thích, giảm bớt sự khó chịu khi ngứa lợi.

  • Cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng và bổ sung vitamin, canxi để tăng sức đề kháng cho trẻ.

Khi trẻ mọc răng đến gần đủ 20 chiếc, bạn có thể áp dụng những cách sau để chăm sóc răng miệng cho bé tốt hơn:

>>>Xem thêm:

vệ sinh răng miệng cho trẻ mọc răng

Câu hỏi thường gặp khi trẻ mọc răng

Bé sưng lợi bao lâu thì mọc răng?

Trước khi răng bắt đầu mọc lên, lợi của trẻ sẽ bị sưng trong khoảng 5 - 7 ngày, kèm theo tình trạng chảy nước miếng thường xuyên. Nếu có nhiều đốm trắng cùng lúc nhú lên trên hàm, trẻ đang mọc răng nhiều cái cùng một lúc. Do đó, thời gian lợi bị sưng có thể sẽ képo dài đến vài tháng.

Trẻ đi tướt mọc răng có sao không?

Trẻ đi tướt do mọc răng sữa thường đi ngoài nhiều lần, phân lỏng và có mùi chua kéo dài trong 4 ngày. Đây là biểu hiện thường gặp khi trẻ mọc răng. Vậy nên, bố mẹ chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp mà không cần cho trẻ uống thuốc.

Bổ sung gì cho bé chậm mọc răng?

Các loại chất cần thiết cho quá trình mọc răng gồm có vitamin K2, canxi, vitamin D. Bố mẹ nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng của trẻ những loại thực phẩm có chứa các chất trên. Ngoài ra, bố mẹ không nên cho trẻ ăn các thực phẩm chứ lượng lớn phốt pho để tránh ảnh hưởng không tốt đến quá trình mọc răng.

Trẻ em mọc răng cấm có biểu hiện gì?

Khi mọc răng cấm, cơ thể trẻ sẽ xuất hiện các biểu hiện như đau nhức, sốt, chảy nước dãi liên tục, nổi mẩn, nôn, tiêu chảy, nghẹt mũi, ho,… Lúc này, bố mẹ có thể áp dụng các biện pháp giảm đau hạ sốt thông thường như xoa bóp nướu, cho trẻ uống nước mát,...

Làm thế nào để giảm đau khi bé mọc răng?

Nếu bé bị đau khi mọc răng, bạn hãy cho bé súc miệng bằng nước ấm pha loãng với muối ăn. Ngoài ra, bạn cũng có thể chườm lạnh vào má để làm giảm các cơn đau do mọc răng sữa.

Trong bài viết trên đây, Colgate đã cung cấp đến bạn về thông tin trẻ mấy tháng mọc răng, các dấu hiệu bé mọc răng và cũng như cách chăm sóc trẻ mọc răng từ sơ sinh đến 3 tuổi. Điều quan trọng hơn, các bậc cha mẹ cần chăm sóc sức khỏe răng miệng của trẻ cho đến khi quá trình mọc răng hoàn thiện. Nụ cười của trẻ là niềm hạnh phúc của cha mẹ, và sẽ hạnh phúc hơn khi thấy con có hàm răng chắc khỏe và trắng sáng!

 

FAQS

  • Trẻ sơ sinh mấy tháng mọc răng?

    Theo chuẩn nhi khoa, trẻ sơ sinh từ 6-8 tháng tuổi sẽ mọc 2 chiếc răng cửa đầu tiên ở hàm dưới. Đến khi trẻ 3 tuổi sẽ mọc đủ 20 cái răng sữa.

  • Dấu hiệu trẻ sốt mọc răng như thế nào?

    Trong giai đoạn trẻ mọc răng, bé sẽ có một số dấu hiệu như sốt nhẹ 38-38,5 độ C, quấy khóc, chảy nước dãi, biếng ăn, bỏ bú do sốt mọc răng khiến trẻ khó chịu.