cách chữa khô miệng - colgate
Badge field

Cách điều trị khô miệng

Bạn có đột nhiên cảm thấy mình không có đủ nước bọt trong miệng? Bạn gặp khó khăn khi nuốt hoặc thậm chí khi nói? Không đủ nước bọt có thể do tình trạng khô miệng gây ra. Tin tốt là có thể dễ dàng điều trị khô miệng, và trong nhiều trường hợp, bạn chỉ cần tự điều trị tại nhà. Tìm hiểu về các cách chữa trị và khi nào bạn cần đến gặp chuyên gia nha khoa.

Khô Miệng Là Gì?

Khô miệng hay còn gọi là chứng khô miệng. Nó đề cập đến tình trạng tuyến nước bọt không sản xuất đủ nước bọt để giữ cho miệng bạn luôn ướt. Nước bọt rất quan trọng bởi nó giúp ngừa sâu răng, tăng cường khả năng nếm, giúp bạn nuốt dễ hơn và hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Vì thế, khô miệng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể của bạn.

Làm thế nào để biết liệu bạn có bị khô miệng hay không? Theo Trung Tâm Y Khoa Mayo, bạn bị khô miệng nếu có các triệu chứng thường gặp dưới đây:

  • Nước bọt khô dính trong miệng
  • Hơi thở có mùi khó chịu
  • Khó nói, khó nếm thức ăn và khó nhai, nuốt
  • Khô họng, rát miệng, rát hoặc nứt da quanh góc miệng, môi
  • Khàn tiếng
  • Cảm giác nóng và đau như kim châm trong miệng, đặc biệt là ở lưỡi, lưỡi đỏ, khô
  • Thay đổi vị giác

Cách điều trị khô miệng tại nhà

Để giảm triệu chứng khô miệng tại nhà, bạn có thể thử bất kỳ phương pháp điều trị nào dưới đây:

  • Ngậm kẹo cứng không đường hoặc nhai kẹo cao su không đường
  • Nhấp hoặc ngậm đá viên nhỏ để làm ẩm miệng suốt cả ngày
  • Bổ sung độ ẩm trong phòng ngủ khi bạn ngủ, chẳng hạn máy tạo ẩm.
  • Thử sử dụng các chất thay thế nước bọt không kê đơn có chứa xylitol, carbonxymethylcellulose, hoặc hydroxyethyl cellulose.
  • Tập thở bằng mũi thay vì thở bằng miệng.

Một số sản phẩm có thể khiến triệu chứng khô miệng của bạn trở nên tồi tệ hơn, và bạn nên tránh sử dụng chúng nếu có thể. Các sản phẩm này bao gồm caffeine, rượu, thuốc lá, thuốc kháng histamin không kê đơn và thuốc thông mũi, các loại thực phẩm chứa đường hoặc axit.

Thực hiện một thói quen vệ sinh răng miệng tốt cũng là yếu tố quan trọng để giảm thiểu khô miệng: đánh răng với kem đánh răng có chứa fluor hai lần một ngày và vệ sinh kẽ răng hàng ngày với bàn chải kẽ răng, chỉ nha khoa hoặc máy tăm nước.

Bác sĩ hoặc nha sĩ của bạn sẽ điều trị khô miệng như thế nào?

Vậy, khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ hoặc nha sĩ để điều trị chứng khô miệng? Nếu các triệu chứng của bạn không biến mất với bất kỳ phương pháp điều trị tại nhà nào, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của nha sĩ hoặc bác sĩ. Họ có thể kê cho bạn thuốc kích thích tiết nước bọt.

Cũng cần lưu ý rằng khô miệng có thể liên quan đến tình trạng sức khỏe khác. Theo Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chỉ ra rằng, một trong những tác nhân gây khô miệng thường gặp là tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị dị ứng nhóm kháng histamin, thuốc chống trầm cảm, chống lo âu, một số loại thuốc chống nghẹt mũi, giảm đau, giãn cơ, tiêu chảy, thuốc điều trị ung thư, Parkinson... Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể quyết định thay đổi đơn thuốc của bạn để giúp giảm bớt các triệu chứng khô miệng.

Một số bệnh cũng có thể gây khô miệng. Ví dụ, hội chứng Sjögren (là một bệnh lý tự miễn liên quan đến các tuyến ngoại tiết trong cơ thể như tuyến lệ, tuyến nước bọt, uyến nước bọt), bệnh Alzheimer (chứng giảm trí nhớ ở người già) hoặc đột quỵ, Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ đề nghị một phương pháp điều trị giúp làm tăng lưu lượng nước bọt khỏe mạnh.

Chứng khô miệng có thể khá khó chịu vì chúng gây khó ăn và khó nuốt. Nhưng bạn có thể tự chữa chứng khô miệng một cách dễ dàng và hiệu quả với một số phương pháp điều trị tại nhà. Và nếu các triệu chứng của bạn vẫn tiếp tục, bác sĩ và nha sĩ có thể giúp đỡ và đảm bảo rằng bạn sẽ sớm được thưởng thức những món ăn ưa thích của mình!