Nếu bạn không may bị gãy răng, điều đầu tiên bạn nên làm là gọi cho nha sĩ. Trong hầu hết các trường hợp, nha sĩ sẽ khuyên bạn nên chữa răng, nhưng bạn có thể ngạc nhiên về các phương án điều trị được khuyến nghị khi bạn bị gãy răng khôn.
Điều Trị Răng Bị Gãy
Khi bạn bị gãy răng - và đó không phải là răng khôn - nha sĩ sẽ kiểm tra răng và chụp X-quang để xác định mức độ nghiêm trọng. Trong hầu hết các trường hợp, răng có thể được chữa với vật liệu trám răng. Nhưng nếu răng bị gãy sâu hơn, nha sĩ có thể phải tái tạo lại răng bằng vật liệu trám, rồi sau đó gắn mão răng. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA, phương pháp này giúp cho răng ổn định hơn và giữ cho răng không bị gãy nữa. Trong những tình huống nghiêm trọng hơn, khi có liên quan đến dây thần kinh và mạch máu (tủy) của răng, bạn sẽ cần phải thực hiện lấy tủy răng trước khi nha sĩ có thể gắn mão răng.
Răng Khôn
Răng khôn còn gọi là răng hàm thứ ba, là răng mọc cuối cùng trong hàm. Răng khôn thường mọc khi bạn sắp qua thời niên thiếu và nằm ở vị trí trong cùng trong miệng, ở phía sau răng hàm thứ hai của bạn. Răng khôn thường có xu hướng mọc ngầm - có nghĩa là răng không có đủ không gian để mọc đúng vị trí. Trên thực tế, Học Viện Phẫu Thuật Miệng - Hàm Mặt Hoa Kỳ cho biết 9 trên 10 người có hoặc đã từng có ít nhất một chiếc răng khôn bị mọc ngầm. Với nguy cơ gây ra rất nhiều biến chứng, hầu hết các nha sĩ khuyên nên nhổ bỏ răng khôn khi còn trẻ, trước khi các vấn đề về răng miệng có thể xảy ra.
Điều Trị Răng Khôn Bị Gãy
Khi một chiếc răng khôn bị tổn thương, nha sĩ sẽ xem xét nhiều yếu tố trước khi quyết định liệu chữa răng có phải là lựa chọn tốt nhất cho bạn hay không. Nếu răng bị mọc ngầm và không giúp bạn nhai dễ dàng, nha sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên nhổ răng khôn. Nếu bạn có những chiếc răng khôn khác không mọc đúng vị trí, ảnh hưởng đến khớp cắn của bạn hoặc khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh nha chu hoặc sâu răng, rất có thể nha sĩ sẽ đề xuất nhổ tất cả răng khôn trong miệng.
Tuy nhiên, nếu bạn và nha sĩ quyết định rằng răng khôn bị gãy không gây biến chứng nào và chiếc răng đó đóng vai trò quan trọng trong hoạt động nhai, nha sĩ có thể đề nghị chữa răng khôn bằng cách trám hoặc bọc răng.
Giữ Cho Răng Khôn Luôn Khỏe Mạnh
Khi miệng của bạn đủ lớn để chứa tất cả các răng khôn, và răng khôn đóng vai trò quan trọng trong chức năng của miệng, thì bạn sẽ muốn giữ cho răng khôn khỏe mạnh. Bạn có thể chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt tại nhà, nhưng đôi khi bạn có thể bỏ qua việc làm sạch các răng nằm ở phía trong cùng của miệng. Vì vậy, hãy chắc chắn lấy bàn chải đánh răng của bạn và dùng chỉ nha khoa đủ xa để làm sạch những chiếc răng này và luôn luôn sử dụng kem đánh răng có chứa chất fluoride như Colgate® Enamel Health™. Hãy khám răng định kỳ tại phòng khám nha sĩ, vệ sinh chuyên nghiệp và chụp X-quang để nha sĩ có thể theo dõi tình trạng răng khôn của bạn để xem có bất kỳ thay đổi nào hay không.
Mặc dù bạn có thể đã đến "tuổi khôn ngoan" (17 đến 25), khi một chiếc răng khôn bị gãy, bạn vẫn cần đến sự hỗ trợ của nha sĩ để có liệu pháp điều trị hiệu quả nhất. Vì vậy, nếu nha sĩ nói rằng không thể chữa được răng của bạn nữa, và bạn cần phải nhổ bỏ chiếc răng đó - đừng quá lo lắng. Đó có thể là điều khôn ngoan nhất bạn nên làm.