Hàm răng láng mịn, sáng bóng, không xỉn màu thực sự là một yếu tố giúp mỗi chúng ta thêm phần tự tin trong cuộc sống, và một trong những cách để đạt được nụ cười rạng rỡ, cuốn hút là thủ thuật đánh bóng răng. Nhiều quy trình nha khoa bao gồm thủ thuật đánh bóng răng sau khi điều trị nha khoa hoặc thủ thuật đánh bóng răng là giai đoạn cuối cùng của một buổi khám răng định kỳ. Thông thường, trợ tá nha khoa sẽ thực hiện thủ thuật này, nhưng trong một số trường hợp, nha sĩ cũng có thể thực hiện thủ thuật này.
Vệ Sinh Và Đánh Bóng Răng
Khi các lớp mảng bám tích tụ trên răng, chúng sẽ cứng lại và tạo thành một lớp chất khoáng cứng gọi là vôi răng. Vi khuẩn có thể sống bên dưới vôi răng và gây ra các bệnh lý về răng miệng và chuyên viên vệ sinh răng miệng sẽ loại bỏ vôi răng bằng một thủ thuật gọi là cạo vôi răng. Sau khi cạo sạch vôi răng cứng bằng dụng cụ chuyên dụng, trợ tá nha khoa sẽ đánh bóng răng. Thủ thuật đánh bóng răng loại bỏ các vết ố trên bề mặt răng và giúp cho răng sáng bóng và láng mịn, và thường là bước cuối cùng trong một quy trình điều trị bảo vệ răng miệng.
Thủ Thuật Đánh Bóng Răng
Đánh bóng răng là một thủ thuật nha khoa không gây đau đớn, và một số bệnh nhân thậm chí còn rất thích thực hiện thủ thuật này. Trợ tá nha khoa sử dụng một đài cao su nhỏ, mềm và đặt vật liệu đánh bóng răng trên đó. Nếu răng của bệnh nhân bị ố vàng nặng, có thể sử dụng phương pháp đánh bóng bằng thổi khí, là thiết bị tạo tia khí nén và nước, được kết hợp với chất vật liệu đánh bóng để đánh bóng răng. Một bài báo trong Tạp chí của Hiệp hội Cổ sinh vật học Ấn Độ (JISP) báo cáo rằng một số chuyên gia vệ sinh nha khoa cung cấp dịch vụ đánh bóng răng có chọn lọc, có nghĩa là họ chỉ đánh bóng những răng vẫn bị ố vàng sau khi đã cạo vôi răng. Một lựa chọn khác là đánh bóng trị liệu, một thủ thuật giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi phần chân răng bị lộ ra trong quá trình phẫu thuật nha khoa.
Bột Đánh Bóng
Chất liệu đánh bóng dùng cho răng được gọi là bột đánh bóng, có tác dụng bảo vệ, ngăn ngừa bệnh lý răng miệng, cũng như làm sạch và đánh bóng răng. Các chuyên viên vệ sinh nha khoa có thể lựa chọn bột đánh bóng như bột loại mịn, loại thường hoặc loại thô và được đặt lên đài cao su, sau đó bột đánh bóng được bôi lên bề mặt của răng. Theo AAOSH, bột đánh bóng loại thô và loại thường có hiệu quả cao nhất trong việc loại bỏ các vết bẩn một cách nhanh chóng, nhưng những loại bột đánh bóng này cũng có thể làm xước và khiến men răng bị mài mòn, khiến việc răng bị ố trở lại là điều khó tránh khỏi. Bột đánh bóng mịn ít gây hư hại hơn và tạo độ bóng cao hơn, nhưng đôi khi có thể kém hiệu quả trong việc loại bỏ vết ố trên bề mặt răng. JISP tuyên bố rằng các chất mài mòn thường được sử dụng trong bột đánh bóng răng là canxi cacbonat và bột đá bọt núi lửa.
Đánh Bóng Răng Bằng Phương Pháp Thổi Khí
Một bài đánh giá về một số nghiên cứu, được xuất bản bởi Tạp chí Vệ sinh Răng miệng, cho thấy rằng đánh bóng răng bằng tia không khí, nước và chất mài mòn giúp loại bỏ vết ố hiệu quả và nhanh chóng hơn so với đánh bóng răng bằng đài cao su và bột đánh bóng răng. Hơn nữa, nói chung, đánh bóng răng bằng khí ít ảnh hưởng đến men răng hơn các phương pháp đánh bóng khác. Natri bicarbonat thường được sử dụng làm chất mài mòn trong đánh bóng bằng khí, và glycine (một axit amin có trong tự nhiên) ít mài mòn hơn và hiệu quả tương đương, cũng được sử dụng.
Những Lưu Ý Khi Đánh Bóng Răng
Nếu có hiện tượng tụt nướu và có sự tiếp xúc với vật liệu trám răng, nên sử dụng một loại bột đánh bóng mịn để không xảy ra hiện tượng ê buốt bề mặt răng. Nếu bệnh nhân gặp các vấn đề như răng nhạy cảm, sâu răng chưa được điều trị, lộ ngà răng hoặc chân răng, nướu bị nhiễm bệnh hoặc tụt nướu, những vấn đề răng miệng này cần được điều trị trước khi cạo vôi răng và đánh bóng răng. Cuối cùng, những bệnh nhân không nên đánh bóng răng bao gồm những người có vấn đề về hô hấp, tăng huyết áp, các bệnh lý làm yếu men răng hoặc dị ứng với các chất mài mòn, theo Tạp chí Vệ sinh Răng miệng.
Mặc dù đánh bóng răng không phải là một phương pháp điều trị nha khoa thiết yếu, nhưng phương pháp này có thể giúp bệnh nhân tự tin về diện mạo của răng và khuyến khích thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách. Nếu răng của bạn có vết ố trên bề mặt, hãy tham khảo ý kiến của nha sĩ về việc liệu đánh bóng răng có giúp cải thiện diện mạo của răng hay không.