nguyên nhân và cách điều trị môi sưng - colgate

Môi bị sưng ngứa: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Tình trạng môi bị sưng ngứa xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau do tác động bên ngoài, dị ứng với môi trường,... Sưng môi cũng có thể bắt nguồn từ vấn đề sức khỏe và nếu không được phát hiện sớm thì có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm. Cùng Colgate tìm hiểu nguyên nhân môi bị sưng mọng nước và cách điều trị dứt điểm trong bài viết dưới đây.

*Bài viết đã được Colgate Global Scientific Communications đánh giá về mặt y tế.

>> Xem thêm: 

Tự nhiên bị sưng môi trên là bệnh gì? Nguyên nhân sưng môi sau khi ngủ dậy

Tự nhiên bị sưng môi trên là phản ứng của cơ thể với tác động bên ngoài như va đập, côn trùng cắn, dị ứng thời tiết,... khi đó lượng máu sẽ tăng cường lên môi khiến môi bị sưng tấy. Cấu tạo môi gồm lớp da mỏng bao phủ bên ngoài và cơ môi bên dưới có chứa mạch máu. Lớp bên trong môi gọi là niêm mạc miệng, và đó là một phần của lớp đệm niêm mạc tạo thành khoang miệng. Môi sưng tấy khi các mạch máu bị tụ huyết. 

Các nguyên nhân phổ biến gây sưng môi như sau:

1. Chấn thương trực tiếp vùng miệng khiến môi sưng

Da và phần dưới da trên môi là nơi phân bố nhiều dây thần kinh và cung máu. Nếu như môi của bạn bị va đập bởi tác động vật lý sẽ khiến máu dồn vào khu vực đó, gây ra hiện tượng tự nhiên bị sưng môi trên hoặc môi dưới.

Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây sưng môi sau chấn thương:

  • Va đập: Môi dễ bị tổn thương khi va chạm mạnh với các vật cứng như cánh cửa, mặt bàn, hoặc chấn thương do tai nạn giao thông.

  • Cắt hoặc rách môi: Bị vật sắt nhọn hoặc dao cạo râu cứa rách môi có thể gây sưng và đau.

  • Cắn môi: Tự cắn môi khi suy nghĩ, căng thẳng hoặc cắn môi khi ăn, nói chuyện có thể làm tổn thương và gây sưng môi.

  • Tiếp xúc nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh: Tiếp xúc với nhiệt độ quá cao (bị bỏng) hoặc quá thấp (bị đóng băng) cũng có thể làm môi sưng và tổn thương.

Khi gặp chấn thương môi, bạn nên rửa sạch vùng bị tổn thương bằng nước và xử lý vết thương bằng thuốc kháng viêm và chất kháng khuẩn. Nếu vết thương nghiêm trọng hoặc không tự lành, nên tìm đến bác sĩ hoặc cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị.

Để tránh chấn thương miệng, hãy luôn sử dụng đồ bảo hộ miệng khi tham gia vào các hoạt động mạo hiểm và hạn chế cắn môi, đặc biệt khi cảm thấy căng thẳng hay lo lắng.

 

Sưng môi do chấn thương, va đập

2. Môi sưng do dị ứng

Môi trên bị sưng 1 cục có thể xảy ra do cơ thể phản ứng với các tác nhân gây dị ứng từ môi trường bên ngoài hoặc từ thực phẩm. Dưới đây là một số nguyên nhân dị ứng phổ biến gây sưng môi:

  • Dị ứng với môi trường: Một số tác động từ môi trường như bị cháy nắng, thời tiết hanh khô, lạnh… khiến môi nổi hạt li ti, bong tróc.

  • Dị ứng thực phẩm: Sử dụng một số thực phẩm mà cơ thể bị dị ứng như đậu phộng, hải sản, hoặc ăn quá cay có thể khiến môi bị sưng ngứa. Khi gặp phản ứng dị ứng, cơ thể sẽ sản sinh ra histamin - một chất hóa học khiến các mạch máu ở môi bị sưng.

  • Dị ứng mỹ phẩm: Tiếp xúc với các chất gây dị ứng như mỹ phẩm, mỹ phẩm môi, hoặc hóa chất có thể gây phản ứng dị ứng và sưng môi. Sử dụng mỹ phẩm chứa các hợp chất hoặc thành phần gây dị ứng như nickel, paraben, dầu khoáng, màu nhân tạo hoặc hương liệu có thể gây sưng môi.

  • Côn trùng cắn: Côn trùng như ong, muỗi hoặc kiến tấn công môi và cắn có thể gây sưng môi và ngứa.

  • Thuốc: Một số loại thuốc, nhất là nhóm kháng histamin, kháng sinh và các loại thuốc chống viêm có thể gây phản ứng dị ứng và sưng môi.

Các triệu chứng khác của cơ thể khi bị dị ứng là nổi các dải ngứa đỏ, hay còn gọi là phát ban, hoặc các mảng da đổi màu trên bàn chân, tay, mặt hoặc ngực. Ngoài ra, sưng hoặc nghẹn thắt cổ họng, hít thở khó khăn, đau cơ, sốt, nổi mụn cũng có thể xảy ra khi bị dị ứng.

Nếu bạn nghi ngờ môi sưng do dị ứng, nên ngừng sử dụng sản phẩm tiếp xúc hoặc thực phẩm gây nên dị ứng. Nếu tình trạng không giảm hoặc nặng hơn, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra cụ thể.

 

Môi bị sưng do dị ứng

3. Môi sưng do sốc phản vệ

Tình trạng môi sưng do sốc phản vệ có thể xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể có phản ứng quá mức với các chất gây dị ứng hoặc các tác nhân kích thích bên ngoài. Sốc phản vệ (anaphylactic shock) là một phản ứng dị ứng cực kỳ nghiêm trọng và nguy hiểm, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.

Triệu chứng kèm theo của sốc phản vệ thường được chia thành 4 nhóm sau:

  • Nhóm hô hấp: bao gồm đau tức ngực, ngạt mũi, cảm giác nghẹn trong cổ họng và khó nuốt.

  • Nhóm tuần hoàn máu: bao gồm mạch yếu, huyết áp thấp, da xanh, choáng váng.

  • Nhóm da: bao gồm phát ban, da đỏ, ngứa, sưng, nóng, nổi mề đay.

  • Nhóm tiêu hóa: bao gồm buồn nôn, nôn, đau thắt bụng và tiêu chảy.

Nếu bạn hoặc người xung quanh bị nghi ngờ có sốc phản vệ, hãy ngay lập tức gọi điện thoại cấp cứu để được hỗ trợ ngay lập tức. Sốc phản vệ là tình trạng y tế khẩn cấp và cần sự can thiệp ngay lập tức từ các chuyên gia y tế để cứu sống người bệnh. Sau khi xử lý khẩn cấp, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân cụ thể và đề xuất các biện pháp phòng ngừa trong tương lai.

4. Nhiễm trùng môi

Môi bị sưng ngứa là một tình trạng liên quan đến nhiễm trùng môi. Nhiễm trùng là quá trình xâm nhập và tăng số lượng của vi khuẩn, virus hoặc nấm gây hại vào cơ thể. Khi môi bị nhiễm trùng, cơ thể phản ứng bằng cách gửi các tế bào bảo vệ đến khu vực bị nhiễm trùng và giải phóng các chất hóa học để tiêu diệt vi khuẩn hoặc virus. Điều này dẫn đến sự viêm nhiễm và phản ứng tự nhiên của cơ thể, gây sưng môi và ngứa đỏ.

  • Viêm môi do virus chủ yếu là do vi-rút herpes simplex loại I gây ra. Nhiễm trùng herpes ban đầu ảnh hưởng đến môi, biểu hiện qua cụm mụn rộp xung quanh vùng miệng và thường có cảm giác bỏng rát đi kèm. 

  • Nấm Candida và các loại nấm khác cũng có thể xâm nhập vào môi, gây nên viêm nhiễm và môi bị sưng.

Khi môi bị nhiễm trùng, cần phải điều trị bằng các biện pháp y tế như thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm hoặc các loại thuốc khác tùy thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng cụ thể. Nếu tình trạng sưng và viêm nhiễm kéo dài hoặc nặng, nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để được đánh giá và điều trị đúng cách.

 

Môi bị sưng do nhiễm trùng môi

5. Phù mạch khiến môi bị sưng

Phù mạch là hiện tượng tích tụ nước dưới da thường xảy ra trong thời gian ngắn sau khi cơ thể tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng hoặc tác dụng phụ của thuốc. Khi phù mạch xảy ra ở vùng môi, nó có thể gây sưng môi. Phù mạch còn có thể xuất hiện ở các bộ phận khác trên cơ thể như lưỡi, mắt, tay, chân,...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phù mạch môi, bao gồm:

  • Tắc nghẽn mạch máu: Khi mạch máu bị tắc nghẽn hoặc suy yếu, dịch trong mạch máu không thể dễ dàng lưu thông, dẫn đến tích tụ nước và gây sưng môi.

  • Bệnh lý hệ thống: Một số bệnh lý hệ thống, như bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan, cũng có thể gây ra phù mạch và ảnh hưởng đến môi.

6. Một số nguyên nhân sưng môi hiếm gặp khác

Khi môi bị sưng tấy không rõ nguyên do, đó có thể là triệu chứng của một tình trạng hoặc một loại bệnh hiếm gặp như:

  • Phù mạch di truyền.

  • Bệnh bạch cầu.

  • Viêm môi u hạt.

  • Hội chứng MMR.

  • Bệnh to đầu chi.

  • Suy giáp.

  • Bệnh Hodgkin và một vài nguyên nhân bất thường khác.

Đối với những nguyên nhân sưng môi hiếm gặp này, bạn cần thăm khám bác sĩ để được điều trị sớm.

 

Sưng môi có thể là dấu hiệu của bệnh lý

Có thể bạn quan tâm:

Cách điều trị môi bị sưng ngứa khi mới ngủ dậy

  • Chườm lạnh

Dù phần môi nào của bạn bị sưng, bạn đều có thể ngậm kem đá hoặc đá viên để làm giảm sưng. Bạn cũng có thể chườm túi đá lạnh lên khu vực đó ít nhất từ 10-15 phút cứ mỗi 1-2 tiếng trong ít nhất 24 giờ sau chấn thương. Hãy đặt lịch khám khẩn cấp với nha sĩ để đảm bảo rằng chấn thương không gây ảnh hưởng tới răng của bạn.

>>> Xem thêm: Người trưởng thành có bao nhiêu cái răng?

  • Điều trị bằng thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamine

Nếu bạn bị phản ứng dị ứng nhẹ, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng thuốc kháng sinh histamin không kê đơn. Nếu bạn bị dị ứng với thức ăn hoặc thuốc gây phù mạch, triệu chứng sưng môi có thể là dấu hiệu ban đầu của phản ứng dị ứng hoặc sốc phản vệ. Bạn cần phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu cảm thấy tình trạng sưng trở nên nghiêm trọng hơn hoặc gặp khó khăn khi hít thở.

  • Vệ sinh môi sạch sẽ

Nếu như môi bị sưng nhưng không gây đau đớn, ngứa rát hoặc không có biểu hiện khác lạ thì bạn chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, môi của bạn sẽ trở lại bình thường sau vài ngày. Bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý để súc miệng hoặc nước súc miệng Colgate để làm sạch khoang miệng và vệ sinh môi.

  • Hạn chế tiếp xúc với chất gây dị ứng

Nếu môi bị sưng ngứa do dị ứng, hạn chế tiếp xúc với chất gây dị ứng như mỹ phẩm, mỹ phẩm môi, thực phẩm hoặc hóa chất. Bạn cũng nên tránh cắn hoặc chạm vào vùng môi bị tổn thương.

 

Cách điều trị môi bị sưng ngứa bằng chườm đá lạnh

Mức độ sưng của môi trên so với môi dưới như thế nào?

Mức độ sưng của môi trên so với môi dưới phụ thuộc vào nguyên nhân khiến môi bị sưng. Nếu nguyên nhân sưng môi là chấn thương, phần môi bị tác động nhiều hơn sẽ bị sưng nhiều hơn. Ngoài ra, đối với hội chứng Melkersson-Rosenthal, môi trên thường có xu hướng sưng nhiều hơn môi dưới.

 

Mức độ sưng của môi trên so với môi dưới tùy thuộc vào nguyên nhân

Sưng ở một bên miệng có sao không?

Sưng ở một bên miệng có thể là báo hiệu cho tình trạng sức khỏe nghiêm trọng và cần được bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán kịp thời. Nếu tình trạng sưng môi chỉ xuất hiện ở một bên miệng, kèm theo triệu chứng méo miệng, chảy nước dãi, gặp khó khăn khi nói, đây có thể là triệu chứng của bệnh đột quỵ hoặc liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (liệt Bell).

Biến chứng nguy hiểm khi môi bị sưng

Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm khi bị sưng môi liên quan đến bệnh ung thư môi nếu không được điều trị kịp thời:

  • Môi và vùng da quanh môi xuất hiện những vết loét gây cảm giác khó chịu, cản trở việc ăn uống.

  • Môi sưng đỏ sau đó nhợt nhạt hơn hoặc chuyển sang màu đen, kèm theo tình trạng khô da môi, nứt nẻ và chảy máu.

  • Xuất hiện các khối u, nổi hạch trong khoang miệng và vùng cổ khiến bạn cảm thấy đau đớn.

Vết loét là biến chứng nguy hiểm khi sưng môi

Khi nào cần gặp bác sĩ để chấm dứt tình trạng sưng môi?

Sưng môi do nguyên nhân chấn thương, bệnh lý nhẹ về môi có thể tự bình phục sau một vài ngày. Tuy nhiên, nếu môi bị sưng do dị ứng, phù mạch hay chưa tìm được nguyên nhân thì cần gặp bác sĩ sớm để được tư vấn và điều trị kịp thời. Dưới đây là một số triệu chứng khi bị sưng môi bạn cần thăm khám bác sĩ:

  • Thở khò khè, có cảm giác khó thở.

  • Sưng môi kéo dài trên 1 tuần.

  • Xuất hiện các vết loét quanh môi kèm chảy máu.

  • Sốt cao nếu có nhiễm trùng môi.

nên gặp bác sĩ khi môi bị sưng trên 1 tuần

Môi bị sưng thường gây bất tiện hơn là nguy hiểm, nhưng bạn cũng cần gặp bác sĩ ngay nếu bạn có các triệu chứng nghiêm trọng khác. Phản ứng dị ứng có thể đe dọa tính mạng trong thời gian ngắn, và sưng môi nghiêm trọng cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nguy hiểm khác. Trong hầu hết các trường hợp bị sưng môi, chườm lạnh vết thương và vệ sinh sạch sẽ có thể giúp môi bạn lành nhanh hơn.

Nguồn tham khảo:

1. Kristin Hayes, R. (2023) Why are my lips swelling? should I see a doctor?, Verywell Health. Available at: https://www.verywellhealth.com/what-causes-swollen-lips-1192167 (Accessed: 24 July 2023).

2. Cherney, K. (2023) Swollen lips: Causes, treatment, and more, Healthline. Available at: https://www.healthline.com/health/swollen-lips (Accessed: 24 July 2023).