Vì sao uống nước lạnh bị buốt răng - colgate

Ê buốt Răng Với Đồ Nóng Hoặc Đồ Lạnh? Điều đó có nghĩa là gì và làm thế nào để khắc phục tình trạng đó

Nhanh chóng – Đâu là món ăn hoặc đồ uống ưa thích ở nhiệt độ phòng của bạn? Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu bạn phải mất một lúc mới nghĩ ra được câu trả lời. Hầu hết mọi thứ bạn ăn và uống đều có hương vị tuyệt nhất khi tận hưởng chúng ở dạng nóng hoặc lạnh, vì vậy nếu bạn có răng nhạy cảm, bạn có thể phải hạn chế tiêu thụ các loại thức ăn này. Nhưng nhạy cảm với nhiệt độ không đơn giản chỉ là sự bất tiện ở các bữa ăn. Đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp phải một tình trạng bệnh lý nào đó cần được điều trị bởi các chuyên gia nha khoa. Nếu bạn đang có răng bị ê buốt, chúng tôi sẽ chỉ ra một số nguyên nhân có khả năng gây ra tình trạng này cũng như cách điều trị hiệu quả để bạn có thể tiếp tục thưởng thức các món ăn ưa thích của mình thật ngon miệng.

Nguyên nhân gây ra tình trạng răng bị ê buốt khi uống đồ nóng?

Có rất nhiều các nguyên nhân tiềm ẩn có khả năng gây ra tình trạng ê buốt răng, như:

  • Sâu răng
    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người bị sâu răng ở Hoa Kỳ và phần còn lại của châu Mỹ đặc biệt cao bởi mức độ tiêu thụ đường và carbonhydrate lên men được tại đây. Khi những thực phẩm này không được làm sạch khỏi răng bạn, vi khuẩn sẽ phân hủy và hình thành nên mảng bám. Nhạy cảm với đồ ăn nóng và lạnh thường là dấu hiệu cảnh báo sâu răng đang hình thành và đã đến lúc bạn nên lịch hẹn với nha sĩ.
  • Mòn men răng
    Lớp ngoài của răng bảo vệ bề mặt răng gọi là men răng. Không giống như sâu răng, mòn răng không do vi khuẩn gây ra. Men răng có thể bị ăn mòn do chế độ ăn giàu tính axit hoặc đường và là kết quả của sự trào ngược axit, chứng cuồng ăn, nôn mửa mãn tính do mang thai, nghiện rượu. Tình trạng này có thể yếu dần khi bạn già đi, và răng bạn cũng có thể bị ăn mòn bởi Clo nếu bạn thường xuyên bơi lội. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), các rủi ro công nghiệp hoặc nghề nghiệp cũng có thể gây ra tình trạng mòn men răng.
  • Răng bị nứt
    Răng bị sứt mẻ hoặc bị nứt có thể làm lộ các dây thần kinh bên trong răng, gây gia tăng tình trạng nhạy cảm cho răng.
  • Miếng trám bị mòn hoặc lỏng
    Nếu miếng trám răng bạn bị mòn, nứt hoặc lỏng ra, nó có thể không còn tác dụng bảo vệ dây thần kinh bên dưới khu vực sâu răng nữa.
  • Bệnh nướu răng
    Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hầu hết một nửa số người trưởng thành trên 30 tuổi ở Mỹ bị bệnh nướu răng. Nhiễm trùng từ vi khuẩn này có thể gây viêm nướu hoặc ê buốt răng. Nếu không tiến hành điều trị, tình trạng này có thể gây ảnh hưởng tới mô và xương nâng đỡ răng của bạn, dẫn đến tình trạng răng lung lay hoặc thậm chí rụng răng.
  • Tụt nướu
    Khi nướu tụt vào, lớp ngà chân răng bao phủ chân răng có thể bị mòn đi, lớp ngà nhạy cảm phía bên dưới bị lộ ra. Một số nguyên nhân gây tụt nướu bao gồm bệnh nướu răng, chải răng quá kỹ, sử dụng thuốc lá, răng mọc lệch, nghiến răng và chỉnh nha.
  • Nhiễm trùng
    Trong một số trường hợp, răng ê buốt có thể là kết quả của nhiễm trùng sâu trong răng. Nếu đây là nguyên nhân răng bị ê buốt, nha sĩ của bạn có thể gợi ý tiến hành điều trị tủy. Theo Hiệp hội Bác sĩ Nội nha Hoa Kỳ, "có 25 triệu thủ thuật điều trị tủy răng được thực hiện mỗi năm."

Bạn có thể làm gì để điều trị tình trạng răng nhạy cảm

Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây ê buốt răng có thể được điều trị bằng cách thực hiện vệ sinh răng miệng cẩn thận. Đánh răng ít nhất hai lần một ngày. Dùng chỉ nha khoa hoặc vệ sinh kẽ răng với bàn chải kẽ răng hoặc máy tăm nước ít nhất mỗi ngày một lần; sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn và cây cạo lưỡi. Và đảm bảo thăm khám chuyên gia nha khoa để kiểm tra thường xuyên, để họ có thể phát hiện bất kỳ tình trạng nào đang phát triển sớm.

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng răng bị ê buốt, chuyên gia nha khoa của bạn có thể khuyến nghị sử dụng kem đánh răng hoặc nước súc miệng dành riêng cho răng nhạy cảm. Những sản phẩm đó có chứa các thành phần giúp làm tê các đầu dây thần kinh và củng cố men răng của bạn.

Khi nào bạn nên tiến hành điều trị chuyên khoa?

Hiệp hội Bác sĩ Nội nha Hoa Kỳ (AAE) khuyên bạn nên đi khám chuyên gia nha khoa nếu tình trạng ê buốt kéo dài hơn 30 giây sau khi tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao, hoặc nếu đau răng kéo dài hay trở nên nghiêm trọng hơn. Đây là tất cả các dấu hiệu cho thấy bạn có thể bị sâu răng, lộ dây thần kinh, nhiễm trùng hoặc bệnh nướu răng tương đối nghiêm trọng và bạn cần được điều trị chuyên khoa, bao gồm:

  • Trám răng inlay, kết dính hoặc đặt mão răng
    Nếu răng bạn bị gãy, tổn hại hoặc sâu, chuyên gia nha khoa có thể phục hồi răng với một trong những thủ thuật này.
  • Sử dụng Gel Fluoride
    Gel Fluoride sẽ tăng cường men răng của bạn và làm giảm số lượng tín hiệu đau được truyền lên não bạn.
  • Thủ thuật điều trị tủy
    Nha sĩ của bạn có thể thực hiện thủ thuật điều trị tủy để loại bỏ tủy bị nhiễm trùng hoặc bị viêm trong trung tâm răng nơi có các dây thần kinh và mạch máu. Sau đó, họ sẽ làm đầy răng và trám bít lại.
  • Phẫu thuật ghép nướu
    Nếu bạn bị tụt nướu, một lượng nhỏ mô nướu có thể bị lấy khỏi vòm miệng và được ghép vào đường viền nướu của bạn.

Nếu bạn đang bị ê buốt răng khi ăn thức ăn nóng hoặc lạnh, tin tốt là tình trạng này của bạn có thể điều trị được. Bằng cách thực hiện chế độ vệ sinh răng miệng cẩn thận, bạn có thể tự mình điều trị tình trạng này. Và nếu bạn bị răng ê buốt kéo dài hoặc bạn cảm thấy lo lắng, đừng đợi tới lần kiểm tra răng tiếp theo. Ngay lập tức đặt lịch hẹn khám răng với nha sĩ của bạn. Chuyên gia nha khoa sẽ chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng ê buốt và đưa ra phương pháp điều trị cần thiết để bạn có thể tiếp tục thưởng thức các món ăn ưa thích của mình. Và giờ bạn lại tự tin để luôn nở nụ cười trên môi.