Sức khỏe răng miệng và kem đánh răng thích hợp cho bà bầu
Badge field

Mang Thai Ảnh Hưởng Đến Sức Khỏe Răng Miệng Của Phụ Nữ Như Thế Nào?

Published date field

Columbia
Mang thai gần như có ảnh hưởng đến mọi khía cạnh cuộc sống của người phụ nữ, bao gồm cả sức khỏe răng miệng. Bạn có thể cho rằng trong thai kỳ, bạn cần quan tâm đến sức khỏe răng miệng như những khía cạnh khác trong cuộc sống, tuy nhiên, chăm sóc sức khỏe răng miệng có ý nghĩa quan trọng hơn như vậy rất nhiều.

Các quan ngại đặc biệt về sức khỏe răng miệng của phụ nữ mang thai là gì?

Viêm Nướu Thai Kỳ
Hầu hết phụ nữ đều nhận thấy những thay đổi xuất hiện trong nướu của họ trong thai kỳ. Một số phụ nữ nhận thấy rằng nướu của họ trông đỏ hơn và chảy máu khi họ chải răng. Và ở một số trường hợp, nướu còn bị sưng và chảy máu nghiêm trọng.

Tất cả những thay đổi này được gọi là tình trạng "viêm nướu thai kỳ."Các thay đổi có thể xuất hiện sớm nhất vào tháng thứ hai của thai kỳ. Và tình trạng viêm nướu có xu hướng trở nên nghiêm trọng nhất vào khoảng tháng thứ tám của thai kỳ. Khi em bé được sinh ra, tình trạng này sẽ dần được cải thiện và biến mất.

Viêm nướu thai kỳ thường hay xuất hiện nhất ở phần phía trước của miệng. Các triệu chứng cũng giống như các triệu chứng của bệnh viêm nướu thông thường, nhưng do nguyên nhân khác nhau gây nên. Nồng độ hormone tăng cao có thể là một trong những nguyên nhân gây viêm nướu thai kỳ. Khi mang thai, nồng độ progesterone trong cơ thể của phụ nữ có thể cao gấp 10 lần so với bình thường. Tình trạng này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của một số vi khuẩn gây viêm nướu. Ngoài ra, khi đang mang thai, hệ thống miễn dịch của phụ nữ có thể hoạt động khác so với bình thường. Hiện tượng này có thể thay đổi cách cơ thể phụ nữ phản ứng với các vi khuẩn gây viêm nướu.

Để giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh viêm nướu thai kỳ, hãy thực hiện các biện pháp chăm sóc và vệ sinh răng miệng đúng cách: Chải răng hai lần một ngày, ít nhất hai phút mỗi lần. Sử dụng chỉ nha khoa để vệ sinh răng miệng mỗi ngày. Sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn cũng có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng viêm nướu. Một số nha sĩ đề nghị sử dụng nước súc miệng không chứa cồn, nhưng người ta vẫn chưa rõ liệu nước súc miệng có chứa cồn có ảnh hưởng xấu đến thai kỳ hay không.

Hãy chắc chắn rằng nha sĩ kiểm tra sức khỏe nướu của bạn khi mang thai. Vệ sinh răng miệng chuyên nghiệp có thể làm giảm tình trạng viêm nướu thai kỳ. Có thể thực hiện vệ sinh răng miệng chuyên nghiệp tại mọi thời điểm trong thai kỳ. Các phương pháp điều trị tích cực hơn, chẳng hạn như phẫu thuật nha chu, cần hoãn lại cho đến khi em bé được sinh ra.

Bệnh U Hạt Thai Kỳ (hay còn gọi là Bệnh U Hạt Nhiễm Khuẩn hoặc U Bướu Thai Kỳ) là sự hình thành khối u ở trên nướu, xảy ra ở 2% đến 10% phụ nữ mang thai. Bệnh này còn được gọi là u hạt nhiễm khuẩn hoặc u bướu thai kỳ. Người ta thường gọi sai tên của bệnh u bướu thai kỳ. Những u hạt này không thực sự là khối u và không phải là bệnh ung thư. Thâm chí, bệnh này không nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh, mặc dù các khối u có thể gây khó chịu.

Bệnh u hạt thai kỳ thường xuất hiện từ tháng thứ ba đến tháng thứ sáu trong thai kỳ. Bệnh này có biểu hiện là những nốt đỏ, thường được tìm thấy ở gần mép nướu trên, nhưng cũng có thể được tìm thấy ở những vùng khác trong miệng. Những nốt đỏ này thường dễ chảy máu và có thể hình thành các vết loét hoặc lớp vảy cứng. Các khối u hạt này thường dính vào nướu hoặc niêm mạc qua một cuống mô hẹp.

Người ta vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh u hạt thai kỳ, mặc dù vệ sinh răng miệng kém được coi là một trong những nguyên nhân chính. Chấn thương, hormone, virus và các mạch máu dị dạng cũng được cho là nguyên nhân gây ra bệnh u hạt thai kỳ. Phụ nữ có u hạt thường bị lây lan bệnh viêm nướu thai kỳ.

Bệnh u hạt thai kỳ sẽ biến mất sau khi bạn sinh em bé. Nếu khối u hạt cản trở hoạt động nói hoặc ăn, thai phụ có thể cần phải loại bỏ các khối u này trước sinh. Tuy nhiên, trong khoảng một nửa các trường hợp, các khối u hạt sẽ tái phát trở lại sau khi đã được loại bỏ trong thai kỳ.

Men Răng Bị Ăn Mòn
Ở những phụ nữ bị ốm nghén nặng, nôn mửa thường xuyên có thể làm mòn men răng ở mặt sau của răng cửa. Nếu thai phụ bị nôn mửa thường xuyên, hãy liên hệ với phòng khám nha khoa để biết thêm thông tin về các biện pháp ngăn ngừa ăn mòn men răng.

Điều quan trọng là không chải răng ngay sau khi nôn, vì axit trong miệng sẽ khiến răng của thai phụ bị ăn mòn. Trước khi chải răng, hãy súc miệng bằng hỗn hợp bột baking soda và nước, hoặc bằng nước súc miệng thông thường, có công thức dành riêng để giảm mức axit (pH) trong miệng.

Khô Miệng
Nhiều phụ nữ mang thai cũng phàn nàn về tình trạng khô miệng. Bạn có thể phòng tránh tình trạng khô miệng bằng cách uống nhiều nước và sử dụng kẹo cứng hoặc kẹo cao su không đường để kích thích tiết nước bọt và giữ ẩm cho miệng. Những loại kẹo mà bạn sử dụng nên chứa xylitol, có tác dụng làm giảm vi khuẩn có hại và vi khuẩn gây sâu răng.

Tiết Quá Nhiều Nước Bọt

Phụ nữ mang thai cũng có thể cảm thấy tiết quá nhiều nước bọt trong miệng, dù tình trạng này thường không phổ biến như những tình trạng kể trên.

Tình trạng này thường xảy ra rất sớm trong thai kỳ. Tình trạng tiết quá nhiều nước bọt sẽ biến mất trước khi kết thúc tam cá nguyệt đầu tiên. Đôi khi bạn cũng cảm thấy buồn nôn cùng với tình trạng tiết quá nhiều nước bọt này.

Tôi nghe nói rằng cứ mang thai một lần, thai phụ sẽ rụng một chiếc răng. Điều đó có đúng không?

Không. Đó chỉ là lời đồn đại. Mọi người thường cho rằng nếu bào thai đang phát triển nhưng không nhận đủ canxi thì bào thai sẽ hấp thụ canxi từ răng của người mẹ. Điều này hoàn toàn không đúng. Nếu bạn có thói quen chải răng và sử dụng chỉ nha khoa đúng cách, bạn sẽ không lo bị sâu răng hoặc rụng răng trong thai kỳ cũng như trong mọi thời điểm khác.

Tôi nên chăm sóc sức khỏe răng miệng của mình như thế nào khi đang mang thai?

Xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng với nhiều protein, canxi và vitamin A, C và D. Chải răng hai lần một ngày, ít nhất hai phút mỗi lần. Sử dụng kem đánh răng có chứa chất fluoride. Sử dụng chỉ nha khoa để vệ sinh răng miệng ít nhất một lần một ngày. Sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nướu. Thai phụ cũng nên sử dụng nước súc miệng giúp làm giảm độ axit (pH) trong miệng.

Đi thăm khám nha khoa trong thai kỳ có an toàn hay không?

Cách tốt nhất để chăm sóc sức khỏe răng miệng là thăm khám nha khoa trước khi có thai để kiểm tra và vệ sinh răng miệng. Cũng nên điều trị bệnh nha chu trước khi mang thai.

Trong thai kỳ, tam cá nguyệt thứ hai là khoảng thời gian tốt nhất để chăm sóc nha khoa định kỳ. Nếu có thể, hãy tránh các liệu trình phức tạp như phục hình răng và phẫu thuật răng cho đến sau khi sinh bé.

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, hệ thống các cơ quan nội tạng của thai nhi đang phát triển và thai nhi rất nhạy cảm với những ảnh hưởng từ môi trường. Trong nửa sau tam cá nguyệt thứ ba, thai phụ có thể phải đối mặt với nguy cơ sinh non vì tử cung rất nhạy cảm với các tác động bên ngoài. Ngoài ra, khi gần cuối thai kỳ, thai phụ có thể cảm thấy không thoải mái khi phải ngồi trên ghế của nha sĩ. Sau khoảng 20 tuần mang thai, phụ nữ không nên nằm ngửa trong thời gian rất dài. Việc này có thể gây áp lực lên các mạch máu lớn và gây ra những thay đổi trong việc lưu thông máu.

Tôi nên làm gì khi phải điều trị nha khoa khẩn cấp trong khi mang thai?

Thai phụ vẫn nên điều trị nếu cần thiết để giảm đau, ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc giảm căng thẳng cho thai phụ và thai nhi. Nha sĩ của thai phụ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa hoặc nữ hộ sinh nếu nha sĩ có thắc mắc về an toàn của các loại thuốc hoặc thuốc gây mê. Điều này hiếm khi cần thiết với những thai kỳ bình thường.

Sử dụng phương pháp chụp X-quang nha khoa khi tôi đang mang thai có an toàn hay không ?

Những tiến bộ công nghệ đã làm cho phương pháp chụp X-quang nha khoa trở nên an toàn hơn rất nhiều. Phương pháp chụp X-quang kỹ thuật số phát ra ít bức xạ hơn nhiều so với các phương pháp cũ sử dụng phim X-quang. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng tạp dề chì sẽ bảo vệ bạn và thai nhi khỏi ảnh hưởng của phóng xạ. Thường thực hiện phương pháp chụp X-quang trong tam cá nguyệt đầu tiên, nếu thực sự cần thiết để chẩn đoán hoặc điều trị mà không thể đợi cho đến khi sinh bé. Sau ba tháng đầu tiên của thai kỳ, khả năng chụp X-quang gây ảnh hưởng tiêu cực thậm chí còn thấp hơn.

Tôi có thể uống thuốc nha khoa khi đang mang thai hay không?

Tốt nhất, bạn không nên dùng bất kỳ loại thuốc nào trong khi mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt đầu tiên. Tuy nhiên, đôi khi đơn giản là không thể thực hiện điều này vì lợi ích của một loại thuốc lớn hơn những rủi ro khi sử dụng. Hầu hết các loại thuốc nha khoa phổ biến có thể được sử dụng trong thai kỳ. Tuy nhiên, nên tránh một số loại thuốc - như thuốc an thần và một số loại thuốc kháng sinh.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phân loại nhiều loại thuốc kê toa theo mức độ rủi ro khác nhau đối với thai nhi. Có năm loại chính: A, B, C, D và X. Thuốc loại A dành cho phụ nữ mang thai là an toàn nhất. Acetaminophen (Tylenol) và penicillin nằm trong danh mục này. Thuốc loại X được cho là có hại cho thai nhi.

Hãy luôn trao đổi với nha sĩ về bất kỳ loại thuốc mà nha sĩ kê toa cho bạn trong khi đang mang thai. Nếu nha sĩ cần kê toa một loại thuốc như thuốc kháng sinh hoặc thuốc trị đau răng, nha sĩ thường sẽ trao đổi với bác sĩ sản khoa của bạn.

Tôi có thể sử dụng thuốc nha khoa khi cho con bú hay không?

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ cho rằng hầu hết các loại thuốc kê toa sẽ không có tác dụng phụ đối với nguồn sữa hoặc sức khỏe của trẻ sơ sinh. Thuốc nha khoa ít có khả năng ảnh hưởng đến bé. Một số yếu tố, như tình trạng sức khỏe và tuổi tác, ảnh hưởng đến việc thuốc được đào thải khỏi cơ thể bé trong bao lâu.

Để giảm thiểu rủi ro, chỉ nên sử dụng thuốc sau khi bé bú xong. Sau đó, hãy cố gắng tránh cho bé bú trong ít nhất bốn giờ hoặc lâu nhất có thể. Điều này sẽ giảm thiểu lượng thuốc mà bạn uống đi vào sữa mẹ. Hầu hết các loại thuốc đạt nồng độ tối đa trong sữa mẹ trong vòng một hoặc hai giờ sau khi bạn uống thuốc.

Nha sĩ có thể muốn trao đổi về lựa chọn các loại thuốc với bác sĩ và/hoặc bác sĩ nhi khoa của bé.

03/06/2013

© 2002-
2019 Aetna, Inc. Đã đăng ký bản quyền.