Bạn và con đều có thể trở nên khá lo lắng khi bé bắt đầu thay nhiều răng cùng lúc. Nhưng trên thực tế, đây là một điều đáng để ăn mừng! Thay răng ở trẻ là điều hoàn toàn bình thường và điều này đánh dấu một cột mốc lớn trong sự phát triển của mọi đứa trẻ. Tìm hiểu về thời điểm con bạn có thể bắt đầu thay răng và những việc bạn cần làm sau khi trẻ thay răng.
Những điều bạn cần biết về việc trẻ thay răng sữa
Khi nào trẻ bắt đầu thay răng sữa?
Răng sữa hay răng đầu tiên của trẻ thường lung lay khi trẻ khoảng 6 tuổi. Quá trình này tiếp tục thêm vài năm cho tới khi trẻ khoảng 10-12 tuổi, thời điểm này tất cả các răng sữa đều đã rụng. Những chiếc răng sữa rụng đầu tiên thường là hai răng cửa hàm trên và hai răng cửa hàm dưới. Tiếp theo là răng cửa bên, răng hàm thứ nhất, răng nanh và răng hàm thứ hai (theo thứ tự).
Đôi khi quá trình này có thể bị trì hoãn đến 1 năm. Vì thế, nếu trẻ đã qua sinh nhật 6 tuổi vài tháng mà vẫn chưa thay chiếc răng sữa đầu tiên, bạn cũng không cần lo lắng. Tất nhiên, nha sĩ nhi khoa có thể giúp trả lời bất kỳ câu hỏi hoặc lo lắng nào của bạn.
Trẻ thay răng quá nhanh có ổn không? Dĩ nhiên, việc này hoàn toàn có thể xảy ra. Răng sữa thường ở yên tại vị trí của mình cho tới khi răng vĩnh viễn đẩy chúng ra khỏi nướu như một phần của quá trình tiêu xương. Tuy nhiên, đôi khi con bạn cũng có thể mất một chiếc răng từ quá sớm do sâu răng hoặc tai nạn, hoặc thậm chí là do thường xuyên đẩy đưa một chiếc răng hơi lung lay. Nếu một chiếc răng bị rụng quá sớm, răng vĩnh viễn có thể mọc lên ở khoảng trống này. Điều này có thể khiến các răng vĩnh viễn mọc lệch lạc hoặc chen chúc.
Cần làm gì khi trẻ thay răng sớm
Mặc dù việc trẻ muốn đẩy đưa một chiếc răng lung lay là điều hoàn toàn tự nhiên và bình thường, nhưng bạn không bao giờ nên nhổ răng con với sợi chỉ hoặc chỉ nha khoa. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, một chiếc răng lung lay có thể gây nhiều khó khăn trong quá trình sinh hoạt như khi ăn uống hay đánh răng. Theo Chuyên trang thông tin Y khoa YouMed, khi răng lung lay đến mức khiến bạn lo lắng rằng nó có thể rơi ra trong khi ăn và nuốt phải, bạn có thể lấy khăn giấy đè lên chiếc răng siêu lung lay và bóp nhẹ. Thường thì chỉ cần một lực nhẹ là răng có thể rơi ra. Tuy nhiên, để tránh những biến chứng, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ nha khoa để nhổ. Nếu chiếc răng đã sẵn sàng để nhổ, nó sẽ rụng một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Cần làm gì khi trẻ thay răng
Hiện giờ con bạn đã bắt đầu thay răng sữa, đã đến lúc để củng cố tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng thật tốt:
- Khuyến khích và thậm chí nhắc nhở trẻ đánh răng hai lần mỗi ngày.
- Chỉ cho con bạn cách làm sạch kẽ răng với chỉ nha khoa hoặc các thiết bị vệ sinh kẽ răng thân thiện với trẻ em khác.
- Hạn chế đồ ăn nhẹ hoặc các loại đồ ăn có đường khác.
- Đặt lịch hẹn khám nha khoa định kỳ ở văn phòng nha khoa nhi.
Đây cũng là thời điểm đáng để ăn mừng! Đừng quên chụp ảnh với 'nụ cười mới' của trẻ. Bạn thậm chí có thể làm một cuốn sổ để lưu giữ kỷ niệm về những thay đổi của nụ cười bé qua từng năm.
Thay răng là một quá trình hoàn toàn tự nhiên. Giờ bạn đã biết thêm thông tin về điều này, chúng tôi hy vọng bạn đã sẵn sàng để ăn mừng việc thay răng như một dấu hiệu thú vị về sự trưởng thành của con mình. Và hãy nhớ rằng, khi giúp trẻ chuẩn bị cho việc chào đón những chiếc răng vĩnh viễn mọc lên, chính là khi bạn giúp con có được một hàm răng khỏe mạnh và một nụ cười rạng rỡ suốt đời.