Badge field

Tám Bước Chăm Sóc Sức Khỏe Răng Miệng

Published date field

Columbia

Chải răng thôi là chưa đủ để đảm bảo sức khỏe răng miệng.

Bạn đã tìm hiểu về chải răng và sử dụng chỉ nha khoa. Ngoài ra, còn có những phương pháp vệ sinh răng miệng khác mà bạn nên thực hiện nếu bạn muốn giữ gìn hàm răng khỏe mạnh suốt đời. Một số người cho rằng răng của họ sẽ rụng khi họ già đi. Nhưng trên thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. David A. Albert, Bác sĩ Phẫu thuật Nha khoa, Thạc sĩ Y tế Công cộng, gợi ý tám bước để giữ cho răng và miệng của bạn luôn khỏe mạnh. Bác sĩ Albert là phó giáo sư nha khoa lâm sàng tại Đại học Y khoa Nha khoa Columbia.

Bước 1: Hiểu rõ nhu cầu chăm sóc sức khỏe răng miệng của chính bản thân bạn. "Sức khỏe răng miệng của bạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố", bác sĩ Albert cho biết. "Các yếu tố này gồm loại thực phẩm mà bạn ăn, lượng nước bọt trong khoang miệng, các thói quen, sức khỏe tổng thể và thói quen vệ sinh răng miệng của bạn."

Những thay đổi về tình trạng sức khỏe tổng thể thường dẫn đến những thay đổi về sức khỏe răng miệng của bạn. "Ví dụ, các loại thuốc, bao gồm hơn 300 loại thuốc thông thường, có thể làm giảm lượng nước bọt trong khoang miệng của bạn, dẫn đến khô miệng", bác sĩ Albert cho biết.

"Phụ nữ mang thai cũng phải đối mặt với những thay đổi về sức khỏe răng miệng. Những thay đổi này thường bao gồm viêm nướu, được gọi là viêm nướu thai kỳ. Bệnh nhân mắc chứng hen suyễn thường thở bằng miệng, đặc biệt là khi ngủ. Thói quen này có thể dẫn đến khô miệng và tăng sự hình thành mảng bám, cũng như tình trạng viêm nướu. Những người đang đeo niềng răng thường gặp khó khăn trong việc làm sạch răng và có nguy cơ bị sâu răng cao hơn."

Bước 2: Tuân thủ thực hiện thói quen chăm sóc sức khỏe răng miệng hàng ngày.
Chia sẻ với nha sĩ hoặc chuyên gia vệ sinh răng miệng về thói quen chăm sóc sức khỏe răng miệng của bạn.

Sau khi trao đổi, nha sĩ sẽ đề xuất cho bạn một thói quen chăm sóc sức khỏe răng miệng hiệu quả. Thói quen này cần phải dễ thực hiện và phù hợp với hoàn cảnh của bạn. Ví dụ, nếu bạn đang dùng loại thuốc khiến bạn bị khô miệng, điều quan trọng là bạn cần bổ sung chất Fluoride hàng ngày. Điều này cũng được khuyến cáo đối với những người đã bị sâu răng.

Bước 3: Sử dụng sản phẩm có chứa chất flouride.

Không chỉ trẻ em, tất cả mọi người đều có thể cải thiện sức khỏe răng miệng nhờ chất Fluoride. Chất Fuoride tăng cường sự phát triển răng ở trẻ em. Không những thế, chất flouride cũng giúp ngăn ngừa sâu răng ở cả người lớn và trẻ em.

Kem đánh răng và nước súc miệng là những nguồn chứa hàm lượng Fluoride cao. Nha sĩ có thể kê toa cho bạn với nồng độ Fluoride mạnh hơn dưới dạng gel, kem đánh răng hoặc nước súc miệng nếu cần. Gel sẽ được sử dụng bằng cách đánh răng hoặc bôi vào máng định hình. Các sản phẩm kê đơn chứa hàm lượng Fluoride cao hơn và giúp ngừa sâu răng tốt hơn các sản phẩm không kê đơn.

Bước 4: Chải răng và sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám.
Mọi người nên chải ít nhất hai lần một ngày. Thậm chí tốt nhất là bạn có thể chải răng ba lần một ngày hoặc sau mỗi bữa ăn. Ngoài ra, bạn nên dùng chỉ nha khoa để vệ sinh răng miệng ít nhất một lần một ngày. Những thói quen này giúp loại bỏ các mảng bám liên tục hình thành trên răng của bạn, là nơi chứa nhiều vi khuẩn. Nếu không được loại bỏ mỗi ngày, mảng bám có thể chuyển hoá đường, có trong hầu hết các loại thực phẩm và đồ uống, thành axit dẫn đến sâu răng. Vi khuẩn trong mảng bám cũng gây viêm nướu và các dạng bệnh nha chu khác. Điều quan trọng là phải chải răng và sử dụng chỉ nha khoa đúng cách và kỹ càng. Bạn cần loại bỏ mảng bám từ tất cả các mặt của răng và viền nướu quanh chân răng. Nếu không được loại bỏ, mảng bám có thể dẫn đến các vấn đề về nướu và sâu răng.

Bước 5: Hạn chế ăn vặt, đặc biệt là những loại thực phẩm có hàm lượng đường đơn cao và ăn một chế độ ăn uống cân bằng.
Mỗi khi bạn ăn, những mẩu thức ăn sẽ dính vào răng và xung quanh răng của bạn. Chính những thực phẩm này tạo điều kiện cho vi khuẩn trong mảng bám phát triển. Các vi khuẩn này sản sinh ra axit. Mỗi lần bạn ăn thực phẩm có chứa đường hoặc tinh bột (đường phức), răng của bạn sẽ tiếp xúc với các axit này. Điều này xảy ra thường xuyên hơn nếu bạn thường xuyên ăn vặt và thức ăn lưu lại trên răng của bạn trong một khoảng thời gian nhất định. Lượng axit liên tục được hình thành này có thể phá vỡ bề mặt men răng của bạn, dẫn đến sâu răng.

Nếu bạn cần phải ăn vặt, hãy chải răng hoặc nhai kẹo cao su không đường ngay sau khi ăn. Kẹo cao su được làm ngọt bằng xylitol cũng có thể giúp giảm lượng vi khuẩn gây sâu răng.

Một chế độ ăn uống cân bằng cũng rất quan trọng. Không nhận đủ khoáng chất và vitamin có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, cũng như sức khỏe tổng thể của bạn.

Bước 6: Hãy ngưng sử dụng thuốc lá dưới mọi hình thức.
Hút thuốc hoặc sử dụng thuốc lá không khói làm tăng nguy cơ ung thư miệng, viêm nướu, viêm nha chu và sâu răng. Sử dụng thuốc lá cũng góp phần gây ra tình trạng hơi thở có mùi khó chịu và các vết ố vàng trên răng của bạn.

Bước 7: Hãy kiểm tra răng miệng thường xuyên.
Ngay cả khi bạn thăm khám nha sĩ thường xuyên, bạn vẫn là người hiểu bản thân mình nhất và nhận thấy những thay đổi trong miệng của bạn hơn ai khác. Nha sĩ và chuyên gia vệ sinh nha khoa chỉ gặp bạn một vài lần trong năm, nhưng bạn có thể kiểm tra miệng của mình hàng tuần để phát hiện ra những thay đổi có thể sẽ khiến bạn quan tâm. Những thay đổi trong miệng mà bạn nên chú ý tới bao gồm::

  • Nướu bị sưng
  • Răng bị sứt mẻ
  • Răng xỉn màu
  • Các vết loét hoặc tổn thương trên nướu, má hoặc lưỡi của bạn

Việc kiểm tra thường xuyên đặc biệt quan trọng đối với những người sử dụng thuốc lá, những người này có nguy cơ mắc ung thư miệng cao. Nếu bạn hút thuốc hoặc sử dụng thuốc lá không khói, nha sĩ hoặc chuyên gia vệ sinh răng miệng có thể chỉ cho bạn nơi vết loét, vết đốm, mảng bám hoặc cục bướu có khả năng xuất hiện nhiều nhất.

Bước 8: Thường xuyên thăm khám nha sĩ.
Thảo luận với nha sĩ về thời gian định kỳ mà bạn nên đi khám. Nếu bạn có tiền sử sâu răng hoặc có đặt mão răng và cầu răng, hoặc đang đeo niềng răng, bạn nên đến nha sĩ thường xuyên hơn. Một số người, chẳng hạn như bệnh nhân tiểu đường hoặc người hút thuốc, có nguy cơ mắc bệnh nướu răng cao hơn. Những đối tượng này cũng nên đến nha sĩ thường xuyên hơn. Những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm cũng có nhiều khả năng gặp vấn đề về răng miệng. Chẳng hạn như những người bị nhiễm HIV hoặc đang điều trị ung thư. Đối với những người thuộc nhóm này, việc thăm khám thường xuyên hơn là vô cùng quan trọng để duy trì sức khỏe răng miệng tốt.

©2002-2013 Aetna, Inc. Đã đăng ký bản quyền.

Cập nhật lần cuối vào ngày 27 tháng 6 năm 2014

© 2002-
2019 Aetna, Inc. Đã đăng ký bản quyền.