Với những lo ngại về các vấn đề môi trường đang ngày gia tăng, nhiều người muốn đưa ra những quyết định sáng suốt hơn về việc sử dụng nhựa. Đối với một số người, chuyển sang sử dụng bàn chải đánh răng bằng tre là một cách đơn giản để giảm thiểu việc sử dụng nhựa tại nhà.
Việc Sử Dụng Bàn Chải Đánh Răng Bằng Nhựa Truyền Thống Có Tác Hại Gì Không? Kênh truyền hình National Geographic cho biết rằng hơn 448 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm, điều này gây ra một số vấn đề lớn cho môi trường vì nhựa không thể phân hủy và thường không được tái chế. Trên thực tế, một số sản phẩm nhựa - như ống hút và bàn chải đánh răng - rất khó, nếu không muốn nói là không thể tái chế. Vậy một chiếc bàn chải đánh răng với một tay cầm tre có phải là một lựa chọn tốt để bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta? Nếu đúng, thì liệu bàn chải bằng tre sẽ vệ sinh răng miệng hiệu quả như một bàn chải nhựa?
Bàn Chải Đánh Răng Bằng Tre Là Gì?
Bàn chải đánh răng bằng tre tương tự như bất kỳ bàn chải đánh răng thủ công nào khác mà bạn có thể tìm thấy trên thị trường. Chúng có tay cầm và lông chải để loại bỏ các mẩu thức ăn và mảng bám trên răng của bạn. Sự khác biệt chính giữa bàn chải đánh răng tre và bàn chải đánh răng bằng nhựa là vật liệu được sử dụng để làm tay cầm.
Mặc dù bàn chải đánh răng bằng tre có vẻ như là một mặt hàng mới, thân thiện với môi trường, nhưng chúng thực chất là một trong những loại bàn chải đánh răng có lịch sử lâu đời nhất. Theo Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ bàn chải đánh răng có lông đầu tiên được phát minh ở Trung Quốc vào thế kỷ 15 và có lông bàn chải được làm bằng lông heo và tay cầm bằng tre.
Mặc dù hầu hết lông chải trên các bàn chải bằng tre hiện đại đều làm bằng nhựa, một số loại bàn chải bằng tre vẫn có lông được làm từ lông heo rừng. Một số loại lông có chứa than hoạt tính, có tác dụng làm trắng răng.
Tre Có Thực Sự Thân Thiện Với Môi Trường Không?
Khi chọn vật liệu cho bàn chải đánh răng, hãy cân nhắc xem tre khác với nhựa và gỗ như thế nào. Cây tre phát triển nhanh chóng, cần ít sự chăm sóc và có thể phát triển mạnh mẽ mà không cần phân bón hoặc thuốc trừ sâu.
Khi được sử dụng ở dạng thô, chẳng hạn như hình dạng của bàn chải đánh răng, tre có ảnh hưởng đến hệ sinh thái không đáng kể so với nhựa. Điều này là bởi lẽ tre có khả năng phân hủy sinh học. Bạn có thể dùng tay cầm bằng trẻ của chiếc bàn chải để ủ phân bón sau khi đã tháo phần lông chải bằng nhựa ra. Bạn cũng có thể tìm cách tái sử dụng tay cầm bàn chải đánh răng một cách sáng tạo, chẳng hạn như biến chúng thành những thanh đánh dấu cây cho khu vườn của bạn. Tuy nhiên, nếu bàn chải đánh răng bằng tre được bỏ vào thùng rác, thì chúng cũng không hề thân thiện với môi trường hơn là bao so với người anh em bằng nhựa của chúng.
Nếu bạn muốn có một bàn chải đánh răng có thể phân hủy hoàn toàn, hãy chọn một chiếc bàn chải có tay cầm bằng tre và lông chải làm từ lông heo rừng. Hãy nhớ rằng lông chải từ lông heo rằng có xu hướng cứng hơn lông chải bằng nhựa và lông cứng có thể gây mòn men răng của bạn và là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tụt nướu.
Sử Dụng Và Bảo Quản Bàn Chải Đánh Răng Bằng Tre
Bạn có thể sử dụng bàn chải đánh răng có tay cầm bằng tre giống như cách bạn sử dụng bàn chải đánh răng bằng nhựa và nên lưu ý những điều tương tự. Khi chọn bàn chải đánh răng của bạn, hãy chú ý đến kích thước của đầu bàn chải, hình dạng của tay cầm và loại lông chải. Lý tưởng nhất là một bàn chải có lông mềm và với đầu bàn chải vừa vặn trong miệng. Tay cầm của bàn chải cần dễ cầm và nắm.
Ban cũng cần thay bàn chải đánh răng bằng tre thường xuyên như bất kỳ loại bàn chải đánh răng nào khác. Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khuyên bạn nên thay một bàn chải đánh răng mới cứ sau ba đến bốn tháng, hoặc khi bạn phát hiện ra những vết sờn hoặc hư hại ở lông bàn chải. Thay bàn chải đánh răng cũ bằng một chiếc bàn chải mới sẽ giúp đảm bảo sức khỏe răng miệng của bạn.
Nếu bạn có thắc mắc về việc chuyển sang sử dụng bàn chải đánh răng bằng tre, hãy tham khảo ý kiến của nha sĩ. Nha sĩ có thể giúp bạn chọn bàn chải đánh răng phù hợp nhất với bạn và đưa ra các khuyến nghị khác để vừa giúp bạn đảm bảo sức khỏe răng miệng, vừa giúp bạn góp phần vào bảo vệ Trái đất.