Bạn có thể cảm thấy căng thẳng khi nhận ra má mình bị sưng. Sưng má không chỉ gây khó chịu mà còn khiến người khác chú ý. Nếu má bạn bị sưng, bạn có thể tự hỏi nguyên nhân là gì và bạn có thể làm gì.
Sưng 1 bên má là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Các Nguyên Nhân Phổ Biến của Sưng Má
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến sưng má. Trong một số trường hợp, sưng má có thể là do tổn thương hay chấn thương, như một cú ngã hay vết bỏng. Nó cũng có thể xuất hiện sau phẫu thuật hàm hay các vùng xung quanh. Đôi khi, sưng má chỉ bị một phía, nghĩa là sưng má chỉ xuất hiện ở một bên mặt, nhưng cũng có lúc, nó ở cả hai phía, nghĩa là cả hai bên mặt đều bị sưng. Bác sĩ hay nha sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng dựa trên nguyên nhân có thể xảy ra dưới đây để xác định nguồn gốc của tình trạng sưng má.
- Nhiễm Trùng Tuyến Nước Bọt:Cặp tuyến nước bọt lớn còn được gọi là tuyến nước bọt mang tai nằm trong má, theo Viện Sức Khỏe Quốc Gia (NIH) Nếu những tuyến này bị nhiễm trùng, dẫn đến sưng tấy và xảy ra hiện tượng sưng má. Đôi khi, nhiễm trùng chỉ ảnh hưởng một trong hai tuyến nước bọt, nhưng nếu cả hai tuyến đều bị, tình trạng này được gọi là viêm tuyến mang tai (parotitis hay parotiditis).
- Áp-Xe Răng: Áp-xe răng có thể dẫn đến sưng má. Tình trạng nhiễm trùng này xuất hiện khi vi khuẩn xâm nhập tủy răng, điều có thể xảy ra nếu bạn có răng bị mẻ hay một chỗ sâu răng lớn mà không được điều trị. Ngoài sưng má, người bị áp-xe răng có thể thấy đau, sốt, ê buốt răng hoặc hôi miệng, theo Phòng khám Mayo.
- Phù Mạch: Phù mạch, một hiện tượng dị ứng da, cũng có thể là nguyên nhân của sưng má. Phản ứng này có thể do thức ăn, thuốc hay các chất gây dị ứng phổ biến, như phấn hoa, theo giải thích của Bệnh viện Da liễu Trung ương. Người bị phù mạch có thể bị sưng quanh mắt, môi và má. Những chỗ bị ảnh hưởng có thể tấy đỏ, đau đớn hoặc nóng.
- Viêm xoang: Viêm xoang hay còn được gọi là viêm mũi xoang, là bệnh lý phổ biến có thể gây sưng má, theo giải thích của các bác sĩ Viện Sức Khỏe Quốc Gia. Bệnh này có thể xuất hiện sau khi bị cảm lạnh hoặc cảm cúm và thường sẽ tự hết trong vòng vài tuần. Ngoài sưng má, người bị viêm xoang có thể thấy đau đớn, đau đầu, sốt, nghẹt mũi hoặc thậm chí là đau răng.
Các Phương Pháp Điều Trị Tại Nhà khi bị Sưng Má
Nếu bạn bị sưng má, bạn có thể tự hỏi liệu mình có thể làm gì để thấy thoải mái hơn ngay tại nhà. Các bác sĩ Viện Sức Khỏe Quốc Gia giải thích rằng nâng cao đầu giường hoặc nâng cao đầu bạn bằng cách kê thêm gối có thể giúp giảm sưng má. Nếu tình trạng sưng xuất hiện sau chấn thương, bệnh viện Vinmec khuyến nghị bạn nên dùng túi chườm lạnh.
Tuy nhiên, các biện pháp điều trị tại nhà không phải lúc nào cũng đủ hiệu quả. Nếu không hết sưng, hoặc chuyển biến xấu đi, Bệnh viện Vinmec khuyến nghị bạn nên gặp nhân viên y tế. Nếu tình trạng sưng tấy xuất hiện đột ngột, đau đớn và kèm sốt thì bạn nên gặp bác sĩ hay nha sĩ để được thăm khám. Nếu tình trạng sưng mặt khiến bạn khó thở, hãy tìm kiếm biện pháp điều trị khẩn cấp.
Chẩn đoán và Điều trị
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến sưng má, và bác sĩ hay nha sĩ có thể đánh giá má, mặt và bệnh sâu răng của bạn để xác định nguyên nhân dẫn đến sưng má. Quá trình đánh giá này sẽ bao gồm việc hỏi về lịch sử dịch tễ, như thời điểm khởi phát của tình trạng sưng, cũng như đánh giá các triệu chứng khác. Họ cũng có thể hỏi về tiền sử dị ứng và các loại thuốc bạn đang dùng.
Sau khi xác định được nguyên nhân của tình trạng sưng, bác sĩ hay nha sĩ có thể đề xuất phương án điều trị phù hợp, nếu cần thiết. Phương án điều trị đa dạng phụ thuộc vào nguyên nhân gây sưng. Ví dụ, nếu bác sĩ xác định tình trạng sưng là triệu chứng của áp-xe răng, các biện pháp điều trị có thể bao gồm kháng sinh hay điều trị tủy, phòng khám Mayo giải thích.
Sưng má có thể gây khó chịu, và chúng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nếu bạn lo lắng về tình trạng sưng má hay sưng ở chỗ khác trên cơ thể mình, hãy trao đổi với bác sĩ hay nha sĩ của mình.