Cầu răng sứ, ưu và nhược điểm
Badge field

Cầu răng sứ là gì? Làm cầu răng sứ có đau không?

Published date field

Cầu răng sứ là dụng cụ nha khoa được sử dụng để làm răng giả cố định thay thế cho răng bị mất. Từ đó, phục hồi chức năng nhai cũng như thẩm mỹ của hàm răng. Để tìm hiểu chi tiết về cầu răng sứ, cùng Colgate khám phá ngay trong bài viết sau đây.

Cầu răng sứ là gì?

Cầu răng sứ là giải pháp phục hình răng bị mất bằng cách bắc cầu 2 bên giữa những răng bị mất. Cầu răng sứ gồm 2 mão răng được gắn vào 2 đầu trụ (các răng trên hàm hoặc trụ implant) và răng giả nằm ở giữa 2 mão răng.

Điều kiện thực hiện phương pháp này là hai răng bên cạnh răng bị mất phải đủ chắc khỏe để làm trụ. Do đó, đối với trường hợp mất răng số 7, bạn không thể làm cầu răng sứ vì răng số 8 (răng khôn) không đủ điều kiện làm trụ.

Cầu răng sứ là giải pháp phục hình răng bị mất bằng cách bắc cầu

Các loại cầu răng sứ phổ biến

Cầu răng sứ truyền thống

Đây là loại cầu răng sứ phổ biến với trụ cầu là các răng khỏe mạnh ở hai bên của những chiếc răng bị mất. Để gắn cầu răng sứ truyền thống, nha sĩ sẽ tiến hành mài nhỏ răng 2 bên để làm trụ. Sau đó, tiến hành chụp mão răng lên trụ, giữa các trụ sẽ có cầu răng sứ gắn liền để thay thế răng bị mất.

Cầu răng sứ truyền thống

Cầu răng sứ cánh dán

Với loại cầu răng sứ này, các răng bên cạnh sẽ được giữ nguyên 100% mà không cần mài men răng. Cầu răng sứ cánh dán có cấu tạo gồm răng giả và 2 cánh dán làm từ sứ hoặc kim loại. Để tiến hành gắn cầu răng sứ cánh dán, nha sĩ sẽ gắn cố định 2 cánh dán ở mặt trong của răng trụ 2 bên. Còn răng giả sẽ lấp vào khoảng trống của răng bị mất. Nhược điểm của loại cầu răng này là khả năng chịu lực kém.

Hình ảnh cầu răng sứ cánh dán

Cầu răng sứ với (Cầu răng sứ đèo)

Cầu răng sứ với có cấu tạo tương tự cầu răng sứ truyền thông, tuy nhiên cầu răng này sẽ dùng trụ chống đỡ mão sứ ở 1 bên thay vì 2 bên như bình thường. Do đó, cầu răng này ảnh hưởng không tốt đến răng trụ. Nha sĩ thường sử dụng cầu răng sứ với để phục hình răng cửa hoặc răng cửa bên bị mất bởi đây là những vị trí răng ít sử dụng lực nhai.

Cầu răng sứ với

Cầu răng sứ trên trụ Implant

Khác với các loại cầu răng sứ trên, cầu răng sứ trên trụ implant sẽ sử dụng trụ implant được cấy vào trong xương hàm thay vì răng thật. Do đó, loại cầu răng này sẽ không gây ảnh hưởng đến răng bên cạnh. Đồng thời, cầu răng sứ trên trụ implant cũng giúp hạn chế tình trạng tiêu xương hàm ở khoảng răng bị mất.

Cầu răng sứ trên trụ Implant

Ưu nhược điểm của cầu răng sứ

Ưu điểm của cầu răng sứ

  • Giúp phục hình răng đã mất nhanh chóng, chỉ trong 4 - 5 ngày.
  • Khôi phục các chức năng của răng một cách tự nhiên: ăn nhai, khớp cắn, phát âm, duy trì hình dáng khuôn mặt,...
  • Cầu răng sứ cứng, chắc, khả năng ăn nhai tốt.
  • Màu sắc cầu răng sứ trắng sáng tự nhiên, đảm bảo tính thẩm mỹ.
  • Không gây kích ứng cho các mô trong miệng.
  • Cầu răng làm bằng sứ giúp tránh được tình trạng nhiễu khi chụp X-quang, chụp cắt lớp (CT- scanner), chụp cộng hưởng từ (MRI) ở khu vực cầu răng.
  • Ngăn chặn tình trạng răng dịch chuyển do mất răng tạo khoảng trống trên hàm, bệnh lý của khớp thái dương hàm.

Nhược điểm của cầu răng sứ

  • Răng trụ bị mài nhỏ đi dẫn đến ê buốt, có thể ảnh hưởng đến tủy răng trong tương lai.
  • Răng trụ cần đáp ứng về tính chắc chắn, khả năng chịu lực cho cầu răng nên không phải ai cũng có thể thực hiện gắn cầu răng sứ.
  • Nếu mất nhiều răng hoặc răng bị mất đóng vai ăn nhai trò quan trọng thì không nên gắn cầu răng sứ.
  • Cầu răng sứ không thay thế được chân răng nên không ngăn ngừa được tình trạng tiêu xương hàm, lợi co ở khu vực răng bị mất. Về lâu dài, việc này cũng ảnh hưởng đến các răng trụ bên cạnh.
  • Việc vệ sinh dưới cầu răng khó khăn có thể dẫn đến hôi miệng, lợi viêm và ảnh hưởng không tốt đến răng trụ bên cạnh.

Làm cầu răng sứ có tốt không?

Thực hiện gắn cầu răng sứ sẽ là lựa chọn hoàn hảo khi:

  • Răng trụ được lựa chọn phù hợp.
  • Khoảng răng bị mất không quá dài.
  • Nha sĩ chuyên nghiệp, thực hiện gắn cầu răng đúng kỹ thuật, tuân thủ nguyên tắc tính lực nhai cho cầu răng.
  • Thường xuyên vệ sinh cầu răng sạch sẽ.

Làm cầu răng sứ có đau không?

Làm cầu răng sứ hoàn toàn không gây đau trong suốt quá trình gắn bởi nha sĩ sẽ gây tê vùng cần thực hiện gắn cầu răng. Do đó, lúc mài răng, bạn sẽ không có cảm giác đau hay ê.

Những đối tượng nên sử dụng cầu răng sứ

Các trường hợp sau sẽ được chỉ định thực hiện làm cầu răng sứ:

  • Mất 1 - 2 răng hàm liền nhau.
  • Các răng mất xen kẽ nhau.
  • Mất 1 - 2 răng cửa.
  • Làm cầu răng trên trụ implant.
  • Xương hàm của răng bị mất chưa tiêu, lợi của răng bị mất săn chắc.
  • Răng bên cạnh đủ khỏe, chắc để làm trụ cho cầu răng.
  • Răng miệng khỏe mạnh, không gặp các vấn đề bệnh lý.
  • Lợi xung quanh răng trụ không bị viêm.

Quy trình làm cầu răng sứ tại nha khoa

Mỗi nha khoa sẽ có quy trình làm cầu răng sứ khác nhau. Sau đây là quy trình bắc cầu răng sứ cơ bản mà bạn có thể tham khảo:

  • Bước 1: Thăm khám và kiểm tra răng
    Bác sĩ sẽ tiến hành khám tổng quát tình trạng răng miệng, chụp phim X-Quang để số lượng răng cần phục hình và lên kế hoạch chi tiết.
  • Bước 2: Gây tê và mài cùi răng
    Bác sĩ sẽ gây tê vùng răng cần mài để giảm đau và tiến hành mài răng theo tỷ lệ được tính toán sẵn, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến cấu trúc răng quá nhiều.
  • Bước 3: Lấy dấu hàm và thiết kế mão răng sứ
    Bác sĩ lấy dấu mẫu hàm để chế tác mão răng sứ một cách chính xác.
  • Bước 4: Gắn cầu răng sứ
    Sau khi hoàn thiện cầu răng sứ, bác sĩ gắn vào trụ đã mài sẵn. Đồng thời, kiểm tra cầu răng có khớp với trụ không, độ chịu lực khi ăn nhai của cầu răng, màu sắc cầu răng,... để đảm bảo phục hồi răng đã mất một cách tự nhiên nhất.
  • Bước 5: Hướng dẫn cách chăm sóc và hẹn tái khám răng
    Sau khi gắn xong, bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc răng và hẹn lịch tái khám để kiểm tra răng khi sử dụng cầu răng.

Kinh nghiệm để cầu răng sứ bền lâu trong miệng

Để duy trì cầu răng sứ bền lâu trong miệng, bạn có thể tham khảo một số kinh nghiệm sau đây:

  • Thói quen ăn nhai: không nhai 1 bên, không đưa hàm sang hai bên để nhai thức ăn, không dùng răng cửa cắn hay nhằn đồ ăn để tránh tác động nhiều lực vào cầu răng dẫn đến gãy, vỡ.
  • Không trượt răng cửa hàm dưới ra trước khi gắn cầu răng cửa.
  • Không ăn thực phẩm cứng, dai dễ gây gãy mẻ răng sứ.
  • Nên sử dụng bàn chải đánh răng kết hợp với chỉ nha khoa hoặc máy tăm nước để vệ sinh kỹ kẽ răng xung quanh cầu răng.
  • Nên chải răng đúng cách để tránh tụt lợi và làm mòn cổ răng của răng trụ.
  • Lựa chọn nha sĩ có tay nghề giỏi, giàu kinh nghiệm để làm cầu răng sứ.

Làm cầu răng sứ là một phương pháp phục hồi răng bị mất hiệu quả. Tuy nhiên, để duy trì cầu răng bền trong thời gian dài, bạn cần lựa chọn địa chỉ nha khoa uy tín thực hiện và chăm sóc cầu răng kỹ càng sau khi gắn.