Đối với người trưởng thành, tình trạng hơi thở có mùi khó chịu là một vấn đề phổ biến, và có thể do một số loại thực phẩm và các vấn đề về răng hoặc nướu gây ra. Đây cũng là một vấn đề phổ biến ở trẻ em, nhưng rất may là việc phát hiện ra nguyên nhân gây ra vấn đề này khá đơn giản, từ đó có thể lựa chọn các biện pháp thích hợp để điều trị. Không ai muốn có hoặc bị nói rằng họ có hơi thở có mùi khó chịu hoặc hôi miệng, vì vậy một trong những cách tốt nhất để điều trị tình trạng hơi thở có mùi khó chịu ở trẻ em là đưa trẻ đến gặp nha sĩ. Việc đưa trẻ đến khám nha khoa giúp loại trừ các nguyên nhân gây hôi miệng do các bệnh lý nghiêm trọng hơn gây ra và nha sĩ có thể hướng dẫn bạn về cách xử lý vấn đề này.
Nguyên Nhân Gây Mùi
Giống như ở người lớn, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng hơi thở có mùi khó chịu ở trẻ em. Theo Chương Trình Chăm Sóc Sức Khỏe Trẻ Em California, một số nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:
- Sâu răng, bệnh nha chu và thức ăn bị mắc kẹt trong kẽ răng
- Các tình trạng nhiễm khuẩn như: viêm họng liên cầu khuẩn, viêm amidan và viêm xoang
- Chứng khô miệng do mất nước hoặc thở bằng miệng
- Thực phẩm hoặc gia vị có mùi mạnh
- Bệnh tật và các vấn đề về sức khỏe như: tiêu hóa thức ăn, dạ dày hoặc các vấn đề về gan
Điều Trị Tình Trạng Hơi Thở Có Mùi Khó Chịu
Chải răng hàng ngày và dùng chỉ nha khoa giúp bạn xử lý hầu hết các nguyên nhân và dấu hiệu gây ra tình trạng hơi thở có mùi khó chịu. Nếu trẻ không có dấu hiệu nhiễm khuẩn rõ ràng, chẳng hạn như sốt, sổ mũi hoặc đau tấy, tất cả những gì bạn cần làm là vệ sinh răng và nướu của trẻ đúng cách. Chải răng và nướu của trẻ bằng bàn chải đánh răng mềm dành riêng cho trẻ em để loại bỏ tất cả các hạt thức ăn thừa. Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ cũng khuyến cáo nên vệ sinh bề mặt lưỡi, nơi vi khuẩn tích tụ và phát triển, nhưng hãy chắc chắn rằng bạn không khiến trẻ cảm thấy bị nhét một vật gì đó vào trong miệng mỗi lần vệ sinh lưỡi. Cho trẻ uống nhiều nước để tránh khô miệng do mất nước hoặc khi trẻ thở bằng miệng vào ban đêm. Nếu mùi khó chịu vẫn không biến mất, hãy đến gặp nha sĩ, người có thể kiểm tra sâu răng, bệnh nha chu hoặc các vấn đề về răng miệng khác. Nha sĩ của bạn cũng có thể giới thiệu đến gặp các bác sĩ chuyên khoa khác để kiểm tra các nguyên nhân gây hôi miệng khác nếu miệng của trẻ vẫn trong tình trạng khỏe mạnh.
Các Biện Pháp Phòng Ngừa
Vào cuối ngày (theo nghĩa đen), thói quen chải răng thường xuyên sẽ đảm bảo tình trạng hơi thở có mùi khó chịu không tái diễn. Học Viện Nha Khoa Nhi Hoa Kỳ khuyến nghị các bậc phụ huynh nên chải răng cho trẻ đến bảy hoặc tám tuổi trước khi trẻ có thể tự chải răng. Hãy chải răng cho trẻ hai lần một ngày, sau khi ăn sáng và trước khi đi ngủ, sử dụng kem đánh răng dành cho trẻ em, chẳng hạn như Colgate® 2 trong 1. Nên thực hiện vệ sinh răng miệng bằng chỉ nha khoa vào ban đêm, ngay trước khi trẻ chải răng trước khi đi ngủ. Đưa trẻ đến khám nha khoa định kỳ sáu tháng một lần, hoặc thường xuyên đến khám theo chỉ định của bác sĩ, để xác định và điều trị bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe răng miệng một cách kịp thời nhất.
Chơi đùa và ôm hôn trẻ nhỏ là một trong những sở thích và niềm vui của các bậc cha mẹ; vì vậy đừng để hơi thở có mùi khó chịu cướp đi những phút giây tuyệt vời của bạn và trẻ. Hãy giúp trẻ duy trì vệ sinh răng miệng thật tốt để hơi thở có mùi khó chịu không trở thành một vấn đề mãn tính, cũng như giúp trẻ tránh được các vấn đề nghiêm trọng khác về sức khỏe răng miệng. Với sự hỗ trợ của các bậc phụ huynh, hơi thở của trẻ sẽ luôn dịu ngọt và tươi mát.