Hầu hết mọi người thức dậy vào buổi sáng với hơi thở không được dễ ngửi cho lắm và đây là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng khi hơi thở có mùi, còn được gọi là chứng hôi miệng, cản trở sự tự tin và đời sống xã hội của bạn, thì đã đến lúc bạn nên tìm hiểu nguyên nhân gây ra chứng bệnh khó chịu này. Sâu răng có gây ra hôi miệng không? Và liệu thói quen chăm sóc răng miệng của bạn có đủ hiệu quả để ngăn chặn chứng hôi miệng? Dưới đây là những nguyên nhân có thể gây ra chứng hôi miệng và các biện pháp giúp khắc phục tình trạng này.
Nguyên Nhân Gây Hôi Miệng?
Hôi miệng là kết quả của sự tích tụ vi khuẩn trong miệng. Theo một đánh giá của Tạp chí Dược phẩm & và Khoa học sinh học (JPBS), khi một số vi khuẩn trong miệng tương tác với protein trong nước bọt, nó sẽ tạo ra các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi. Các hợp chất lưu huỳnh là những gì chúng ta ngửi thấy từ miệng khi nhận ra rằng đã đến lúc phải ăn ngay một chiếc kẹo bạc hà. Theo đánh giá của Tạp chí Dược phẩm và Khoa học sinh học JPBS, hôi miệng có thể hình thành do một số nguyên nhân sau:
- Giữ vệ sinh răng miệng kém, khiến các mảnh vụn thức ăn mắc kẹt trong miệng
- Viêm nướu và bệnh nha chu
- Vi khuẩn trên lưỡi
- Các vấn đề về tai, mũi, họng, bao gồm cả viêm amidan và viêm xoang
- Khô miệng
- Thói quen cá nhân, chẳng hạn như hút thuốc và uống rượu
Sâu Răng Có Gây Ra Hôi Miệng Không?
Sâu răng là những lỗ nhỏ trên răng, nơi vi khuẩn tích tụ và ăn mòn men răng. Mặc dù sâu răng không trực tiếp gây hôi miệng nhưng chúng có thể là một trong những nhân tố gây ra tình trạng này. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), vi khuẩn có thể bị mắc kẹt và tích tụ trong các túi nha chu, khiến việc giữ miệng sạch sẽ và có một hơi thở thơm tho trở nên khó khăn hơn.
Nếu bạn bị hôi miệng, không có nghĩa là bạn chắc chắn bị sâu răng, nhưng bạn vẫn có khả năng bị bệnh này. Đó là lý do tại sao duy trì các cuộc hẹn khám răng định kỳ và đến gặp nha sĩ ngay lập tức nếu bạn nghi ngờ mình bị sâu răng hoặc răng đang bị ê buốt, đau nhức lại là điều vô cùng quan trọng.
Xử lý Hôi miệng và Sâu răng Như một Chuyên gia
Một trong những cách dễ nhất để kiểm soát và ngăn ngừa chứng hôi miệng và sâu răng là thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách. Hãy bắt đầu với việc đánh răng hai lần một ngày. Đánh răng giúp loại bỏ vi khuẩn gây sâu răng và các mảnh thức ăn. Bạn cũng nên dùng chỉ nha khoa hàng ngày để loại bỏ vi khuẩn còn sót lại và các mảnh thức ăn mắc kẹt trong kẽ răng.
Giữ cho miệng của bạn luôn ẩm ướt là điều cũng vô cùng quan trọng để có hơi thở thơm tho. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa KỳADA, việc đảm bảo dòng chảy nước bọt khỏe mạnh là một trong những cách bảo vệ tốt nhất để ngăn ngừa hôi miệng, vì nước bọt có tác dụng rửa sạch khoang miệng. Hãy đảm bảo bạn uống nhiều nước và chia sẻ với bác sĩ của bạn về bất kỳ yếu tố nào có thể gây ra tình trạng khô miệng, chẳng hạn như sử dụng một số loại thuốc.
Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ ADA giải thích rằng, hút thuốc cũng là một nguyên nhân khác góp phần gây ra hôi miệng và chúng cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh về nướu. Hãy hỏi bác sĩ của bạn để có một chiến lược giúp bạn bỏ hút thuốc.
Nếu bạn mang răng giả hoặc thiết bị răng miệng khác, phòng khám Mayo Clinic đề nghị làm sạch chúng hàng ngày để ngăn ngừa hôi miệng. Hãy làm theo hướng dẫn cụ thể của nha sĩ để làm sạch thiết bị răng miệng bạn đang sử dụng.
Cuối cùng, hãy khám răng định kỳ để đảm bảo rằng miệng của bạn luôn khỏe mạnh. Các biện pháp làm sạch răng chuyên nghiệp có thể loại bỏ vi khuẩn và thức ăn mà bàn chải răng ở nhà của bạn có thể bỏ sót. Chuyên gia nha khoa của bạn cũng sẽ kiểm tra xem sâu răng có thể chứa vi khuẩn có hại hay không. Nếu phát hiện ra bất kỳ lỗ sâu răng nào, họ có thể trám chúng để ngăn chặn tình trạng sâu răng trở nên tồi tệ hơn.
Hôi miệng có thể là một vấn đề thực sự khó chịu. Mặc dù sâu răng không trực tiếp gây ra hôi miệng, nhưng bạn có thể ngăn ngừa cả chứng hôi miệng và sâu răng bằng cách vệ sinh răng miệng đúng cách và đi khám nha sĩ thường xuyên.