Nụ cười giống như tia nắng ấm áp, như nốt nhạc trên dây đàn, như nhịp cầu tiếp nối cho mọi sự chuyển động qua lại của cuộc sống. Nhưng có rất nhiều lý do khiến mọi người cố ý che đi nụ cười của mình: răng khấp khểnh hoặc rụng răng, bệnh nha chu hoặc sự tích tụ của mảng bám và vôi răng. Mỗi bệnh lý và vấn đề cần phương pháp điều trị cụ thể riêng, trong đó việc lấy vôi răng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe răng miệng của bạn.
Những Điều Cần Biết Về Lấy Vôi Răng
Vôi răng, thường được gọi là cao răng, là kết quả của sự tích tụ mảng bám cứng lại (vôi hóa) trên răng. Sau khi bạn chải răng, mảng bám bắt đầu hình thành trên hàm răng sạch của bạn trong vòng 24 giờ, theo phòng khám Mayo Clinic. Trong vòng hai đến ba ngày, các mảng bám bắt đầu quá trình vôi hóa, từ đó biến thành vôi răng.
Vôi răng là một bề mặt cứng và cung cấp nhiều diện tích bề mặt hơn để mảng bám bám vào. Nhiều mảng bám hơn có nghĩa sâu răng có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển và thậm chí là tạo điều kiện cho cả bệnh nha chu, vì vậy lấy vôi răng là một biện pháp quan trọng đối với sức khỏe răng miệng lâu dài.
Một ảnh hưởng khác của cao răng là khả năng hấp thụ vết ố dễ dàng do đặc tính xốp của nó. Những người uống cà phê, trà và hút thuốc dễ có răng bị ố vàng hơn vì vậy ngăn ngừa vôi răng tích tụ trên răng là ưu tiên hàng đầu đối với những người này.
Loại Vôi Răng
Có hai loại vôi răng, theo Đại học Kentucky. Vôi răng trên nướu hình thành phía trên đường viền nướu. Loại này có màu vàng hoặc màu rám nắng và có thể nhìn thấy bằng mắt thường trên bề mặt răng. Vôi răng dưới nướu xuất hiện trong khe hở (kẽ) giữa răng và đường viền nướu. Loại vôi răng này thường không thể nhìn thấy bằng mắt thường trừ khi tình trạng tụt nướu đã xảy ra. Vôi răng dưới nướu thường có màu nâu hoặc đen.
Quy Trình Lấy Vôi Răng
Khi vôi răng tích tụ trên răng của bạn với số lượng lớn, nó cần được loại bỏ thông qua một quy trình được gọi là cạo vôi răng. Chuyên viên vệ sinh răng miệng sẽ sử dụng dụng cụ cầm tay hoặc thiết bị siêu âm để lấy cao răng. Thiết bị siêu âm kết hợp với những rung động tần số cao với nước để lấy cao răng ra ngoài. Sau quy trình cạo vôi răng, nha sĩ sẽ hẹn bạn tái khám tại thời điểm mà nha sĩ xác định xem có cần điều trị thêm hay không. Quy trình điều trị có thể là lấy cao răng và bào láng chân răng hoặc trong những trường hợp tích tụ vôi răng nghiêm trọng hơn - có thể cần phải thực hiện phẫu thuật nướu.
Tại Sao Lấy Vôi Răng Lại Quan Trọng Đến Vậy?
Lấy vôi răng cũng rất quan trọng để ngăn ngừa một số vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), sự tích tụ vôi răng có thể làm cho nướu bị sưng và chảy máu. Tình trạng này được gọi là viêm lợi; giai đoạn đầu của bệnh viêm nha chu. Bệnh nha chu cũng có liên quan đến rủi ro cao về bệnh động mạch vành và đột quỵ. Vi khuẩn từ mảng bám và cao răng cũng có thể xâm nhập vào máu, có thể dẫn đến các bệnh lý như viêm nội tâm mạc, khi máu đông và màng trong tim bị nhiễm trùng.
Có rất nhiều bệnh lý về răng miệng. Nhưng một nguyên tắc chung trong việc bảo vệ sức khỏe răng miệng là xây dựng một nền tảng chăm sóc răng miệng vững chắc. Bắt đầu với việc chải răng ít nhất hai lần một ngày kết hợp với việc sử dụng chỉ nha khoa hàng ngày. Sử dụng kem đánh răng như Colgate® Total sẽ giúp ngăn ngừa sự tích tụ cao răng, loại bỏ vết ố và tránh việc phải thực hiện thủ thuật lấy vôi răng. Và luôn nhớ đi khám răng định kỳ. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể có vấn đề về vôi răng, bạn nên tham khảo ý kiến của nha sĩ hoặc chuyên gia vệ sinh nha khoa.