Bạn có nhận thấy các răng cửa của con bạn hơi chen chúc? Bạn có lo lắng về thói quen mút ngón tay cái của đứa con đang đi học mẫu giáo của mình không? Việc con bạn bị móm có khiến bạn phiền lòng? Khi bạn nghĩ đến nụ cười của trẻ, độ tuổi thích hợp nhất để niềng răng là khi nào? Chỉnh nha nhi khoa có thể đặt ra rất nhiều câu hỏi. Nếu bạn nghi ngờ con mình có thể cần niềng răng, hãy tìm hiểu xem khi nào nên đặt lịch cho cuộc hẹn đầu tiên với chuyên gia chỉnh nha và những điều bạn có thể trông đợi.
Độ Tuổi Nào Thích Hợp Nhất Để Niềng Răng?
Niềng Răng Có Tác Dụng Gì?
Điều trị chỉnh nha có thể giải quyết nhiều vấn đề của miệng. Những vấn đề này bao gồm răng chen chúc, mất hoặc thừa răng, răng thưa, và lệch khớp cắn. Các vấn đề chỉnh nha cũng còn được gọi là các tật sai khớp cắn (malocclusion). Tiếp xúc nhai (occlusion) là khi răng hàm trên và răng hàm dưới tiếp xúc với nhau — còn được gọi là khớp cắn. Với khớp cắn chuẩn, răng hàm trên của bạn trùm ra bên ngoài răng hàm dưới một chút, và mỗi răng hàm đều khít với rãnh của răng hàm đối diện. Vì thế, tật sai khớp cắn nghĩa là khớp cắn của bạn bất thường, và bạn cần điều trị chỉnh nha — như niềng răng — để giải quyết vấn đề này. Nếu bạn không chữa các tật sai khớp cắn, chúng có thể gây ra các vấn đề về sau, bao gồm mất men răng, sâu răng, và các vấn đề khi nhai và nói.
Khi Nào Bạn Cần Đi Khám Bác Sĩ Chỉnh Nha Lần Đầu Tiên?
Các bác sĩ Hiệp Hội Chỉnh Nha Hoa Kỳ (AAO) khuyến nghị cha mẹ nên đưa con mình đi khám chỉnh nha lần đầu tiên khi trẻ được bảy tuổi hoặc có dấu hiệu của lệch khớp cắn. Răng và hàm của con bạn vẫn đang phát triển ở tuổi này, điều đó giúp cho việc điều trị một số vấn đề chỉnh nha — như móm hay răng chen chúc — dễ dàng hơn. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề chỉnh nha lại được điều trị tốt nhất sau khi tất cả các răng vĩnh viễn đã mọc đủ. Một lịch hẹn sớm sẽ giúp xác định chắc chắn con bạn không cần điều trị hoặc có thể cần điều trị trong tương lai. Nếu bạn cần được tư vấn để đưa ra quyết định về việc có cần đặt lịch khám không, hãy trao đổi với nha sĩ của con mình. Họ có thể kiểm tra miệng của bé và thậm chí giới thiệu bác sĩ chỉnh nha cho bạn.
Các Loại Sai Lệch Khớp Cắn Bạn Nên Chú Ý?
Luôn chủ động nắm bắt các nhu cầu chỉnh nha của trẻ bằng cách theo dõi bất cứ sự sai lệch nào ở răng của bé. Các bác sĩ của Medline Plus nói rằng tình trạng răng mọc lệch khá phổ biến và có tính di truyền. Bạn có thể chú ý đến ba nhóm sai lệch khớp cắn sau:
- Nhóm 1: Trẻ có khớp cắn bình thường, nhưng răng hàm trên hầu như không chồng lên răng hàm dưới.
- Nhóm 2: Răng hàm trên trùm lên răng và hàm dưới quá nhiều, được gọi là răng hô.
- Nhóm 3: Răng hàm dưới nhô ra so với răng và hàm trên, được gọi là răng móm.
Nếu con bạn gặp khó khăn khi cắn hoặc nhai, các vấn đề về nói (bao gồm nói ngọng), hay có xu hướng thở bằng miệng, bé có thể đang gặp tình trạng khớp cắn răng bất thường. Nha sĩ hay bác sĩ chỉnh nha của trẻ có thể đánh giá tình trạng và giúp bạn quyết định các biện pháp điều trị.
Cách Để Giúp Trẻ Thích Nghi Với Niềng Răng
Niềng răng có thể khuấy động nhiều cảm xúc. Cha mẹ và người chăm sóc có thể giúp những đứa trẻ bằng việc động viên và chuẩn bị tinh thần cho chúng trong từng bước của quá trình. Từ lần khám đầu tiên với bác sĩ chỉnh nha nhi khoa cho đến cuộc hẹn cuối cùng để gỡ niềng răng, hãy giúp con bạn chuẩn bị sẵn sàng để chỉnh nha thành công với những mẹo này:
- Khiến trẻ hào hứng. Ngay cả khi bé thấy hơi sợ hãi với phụ kiện mới trong miệng này, bạn cần tìm ra điều gì đó khiến trẻ hào hứng. Cho dù là nghĩ xem trẻ sẽ chọn dải màu nào hay nhắc cho bé nhớ văn phòng chỉnh nha có trò chơi điện tử mà chúng yêu thích, bạn có thể tìm được thứ gì đó mà trẻ sẽ thấy háo hức. Nếu bạn không thể tìm thấy, hãy tạo ra nó! Đón bé tan học sớm một chút để ăn trưa hay bữa nhẹ đặc biệt cùng nhau trước giờ hẹn bác sĩ. (Đừng quên mang theo bàn chải đánh răng!)
- Dạy trẻ giữ vệ sinh tốt. Giúp con bạn bảo vệ nụ cười khỏe mạnh khi đeo niềng răng với một vài chuẩn bị cần thiết. Dạy cho trẻ biết những đồ ăn nào có thể có hại cho dụng cụ bằng kim loại mới trong miệng bé, chỉ cho trẻ cách cọ đánh mặt trong và xung quanh các mắt niềng và dây cung, và mua chỉ nha khoa đặc biệt hoặc máy tăm nước để giúp bé làm sạch kẽ răng.
- Chuẩn bị tinh thần cho trẻ trước bất cứ sự đau đớn nào. Niềng răng có thể đau, vì thế hãy thành thật với con bạn nhưng đừng khiến chúng sợ hãi. Nếu con bạn niềng răng, chúng có thể sẽ thấy đau đớn và không thoải mái sau quá trình điều chỉnh. Chế ngự cơn đau bằng thuốc giảm đau không cần kê đơn, và mua loại sáp đặc biệt để tránh cho nướu và má của trẻ bị kích ứng hay bị đâm bởi mắc cài hoặc dây cung.
- Gia tăng sự tự tin của trẻ. Nếu con bạn lớn hơn một chút, niềng răng có thể gây ra cảm giác phiền phức hoặc thậm chí là hờn giận. Giữ kết nối với trẻ để đảm bảo rằng chúng không bị bắt nạt ở trường. Hãy chỉ cho trẻ thấy niềng răng phổ biến ra sao và bao nhiêu bạn bè của chúng cũng niềng răng. Và cuối cùng, nhắc trẻ về mục tiêu cuối cùng. Một nụ cười khỏe mạnh sẽ khiến trẻ tự tin cả đời — chắc chắn xứng đáng cho việc niềng răng trong một hoặc hai năm.
Ai Cần Niềng Răng?
Thậm chí nếu con bạn — hoặc bạn — đã hơn bảy tuổi, không bao giờ là muộn để đặt lịch hẹn với bác sĩ chỉnh nha. Rất nhiều trẻ vị thành niên và người trưởng thành cải thiện nụ cười của mình để gặt hái thành quả khi đã giải quyết được các vấn đề về khớp cắn. Giải quyết vấn đề răng mọc khấp khểnh hay chen chúc giúp cho việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa thuận tiện hơn, giảm mảng bám và giảm nguy cơ sâu răng và bệnh về nướu. Ngoài ra, một nụ cười rạng rỡ có thể gia tăng sự tự tin của bạn. Mặc dù độ tuổi tốt nhất để niềng răng có thể là giai đoạn trẻ thơ khi răng còn đang phát triển, nhưng bạn vẫn có thể theo đuổi một nụ cười khỏe mạnh ở bất cứ lứa tuổi nào.