Việc miệng bạn hơi khô vào ban đêm có vẻ không phải là một vấn đề lớn. Nhưng trước khi bạn mặc kệ hoàn toàn các triệu chứng và sự khó chịu đi kèm với tình trạng khô miệng vào ban đêm, hãy cân nhắc đến việc thiếu hụt nước bọt có thể ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe răng miệng và chất lượng cuộc sống của bạn. Có những điều tưởng chừng chỉ hơi khó chịu nhưng lại có thể gây ra tổn hại đáng kể tới răng của bạn, vì thế bạn nên nói chuyện với nha sĩ về điều đó.
Khô miệng vào ban đêm? Tại sao bạn không nên bỏ qua các triệu chứng
Khô miệng vào ban đêm có nghĩa là gì?
Nước bọt đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe răng miệng. Nó hoạt động như một cách giúp bạn tiêu hóa thức ăn, tránh viêm nhiễm bằng cách giữ miệng luôn sạch sẽ, và thậm chí ngăn ngừa sâu răng bằng cách ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trong miệng bạn. Nếu miệng bạn thường bị khô vào ban đêm, có nghĩa là miệng bạn đang không sản xuất đủ nước bọt, khiến cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng (cũng chính là nguyên nhân gây ra hôi miệng vào buổi sáng), cùng với đó là sự gia tăng nguy cơ sâu răng, khó nuốt và thậm chí nhiễm trùng miệng.
Nguyên nhân nào gây ra chứng khô miệng?
Dù đó là một sự phát triển mới hoặc điều gì đó bạn đã phải vật lộn trong một thời gian dài, có rất nhiều nguyên nhân khiến cơ thể bạn không sản xuất đủ nước bọt. Trước tiên, trừ khi bạn thích ăn vặt về đêm, nếu không bạn sẽ giảm lượng thức ăn tiêu thụ về đêm một cách tự nhiên, có nghĩa là cơ thể bạn sẽ sản xuất nước bọt chậm lại do không có gì để tiêu hóa. Nhưng nếu gần đây bạn đang bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới, bạn có thể nhận thấy miệng bạn bị khô ngay cả khi bạn đang ăn.
Theo Báo Sức khỏe và đời sống, có tới hơn 500 loại thuốc khác nhau được ghi nhận có thể gây biểu hiện khô miệng. Các nguyên nhân khác gây khô miệng gồm:
- Tác dụng phụ của các tình trạng y tế khác nhau và các phương pháp hóa trị và xạ trị
- Bệnh tự miễn
- Mất nước
- Thói quen sinh hoạt (chẳng hạn như người nghiện thuốc lá)
Dấu hiệu của tình trạng khô miệng
Khô miệng có thể đơn giản là tình trạng tuyến nước bọt không sản xuất đủ nước bọt để giữ ẩm cho miệng. Nước bọt là chìa khóa để rửa sạch vụn thức ăn bám trên răng bạn và giúp tái tạo men răng. Nếu có quá ít nước bọt, bạn có thể có nguy cơ bị sâu răng.
Ngoài tăng nguy cơ bị sâu răng, khô miệng còn có thể mang lại sự khó chịu cho bạn. Nếu bạn bị khô miệng vào ban đêm, có một số dấu hiệu đáng chú ý vào buổi sáng như:
- Cảm giác dính trong miệng
- Nước bọt đặc dính
- Hôi miệng
- Khô hoặc đau họng
- Môi nứt nẻ
- Loét miệng
- Thay đổi vị giác
Cách điều trị khô miệng vào ban đêm
Nếu bạn bị khô miệng do mất nước, việc điều trị có thể chỉ đơn giản là đảm bảo bạn uống đủ nước trong ngày và trước khi đi ngủ. Chứng khô miệng có thể là do việc sử dụng thuốc hoặc các tình trạng sức khỏe khác cần thêm trợ giúp để kích thích tiết nước bọt, chẳng hạn như:
- Nhấp ngụm nhỏ nước thường xuyên
- Nhai kẹo cao su không đường
- Sử dụng máy cấp ẩm trong phòng ngủ
- Ngận viên ngậm không đường
Đừng mắc sai lầm khi bỏ qua và cho rằng khô miệng vào ban đêm không phải là vấn đề đáng lo ngại. Nếu tình trạng này ảnh hưởng đến sự thoải mái và chất lượng cuộc sống của bạn, bạn nên thảo luận việc này với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn. Thảo luận cùng các chuyên gia, bạn có thể phát triển một giải pháp giúp chấm dứt tình trạng khô miệng và ngăn ngừa mọi tác dụng phụ tiêu cực đi kèm với nó. Sản xuất nước bọt tốt sẽ giúp bạn có giấc ngủ ngon cùng những giấc mơ ngọt ngào—hoặc ít nhất là hơi thở đỡ mùi hơn vào buổi sáng.