Nguyên nhân sâu răng và cách phòng ngừa
Badge field

Nguyên Nhân Sâu Răng và Cách Phòng Ngừa Hiệu Quả

Published date field

 

Nguyên nhân nào gây ra sâu răng là một câu hỏi khá phổ biến; chúng ta đều muốn biết làm thế nào để phòng ngừa sâu răng để tránh nguy cơ dẫn đến vấn đề khó chịu hơn là đau răng và mất răng. Sâu răng là kết quả của tổn thương ở răng, một quá trình bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Theo Phòng khám Mayo, quá trình này bắt đầu khi vi khuẩn gây tổn thương trên men răng và dần dần tổn thương sẽ lan vào các lớp sâu hơn của răng nếu không được kiểm soát kịp thời. Nếu bạn có nguy cơ bị sâu răng cao, hãy yên tâm vì vấn đề này hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Chăm sóc răng miệng thường xuyên và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh có thể vô cùng hữu ích trong việc ngăn chặn tổn thương cho những chiếc răng trắng như ngọc của bạn.

Quá Trình Hình Thành Sâu Răng

Sự hình thành mảng bám là giai đoạn đầu của sâu răng. Một số chủng vi khuẩn xuất hiện tự nhiên trong miệng sẽ phát triển mạnh khi bạn sử dụng thực phẩm và đồ uống có chứa đường. Khi đường không được rửa trôi khỏi răng của bạn, vi khuẩn sẽ ăn lượng đường còn sót lại này và tạo ra axit. Các axit sau đó sẽ kết hợp với vi khuẩn, các hạt thức ăn thừa và nước bọt để tạo thành mảng bám, một màng dính mỏng, không màu, bao phủ quanh răng.

Một khi mảng bám hình thành, các axit sẽ làm mòn men răng, hay còn được biết đến là bề mặt cứng nhất ở bên ngoài của răng. Những lỗ nhỏ li ti trên men răng chính là dấu hiệu cho giai đoạn đầu tiên của bệnh sâu răng. Sau giai đoạn này, axit và vi khuẩn sẽ tấn công lớp tiếp theo của răng, một lớp mềm hơn được gọi là ngà răng.

Vi khuẩn và mảng bám tiếp tục phá hủy ngà răng cho đến khi tiến vào lớp trong cùng của răng, hay còn gọi là tủy răng. Ở giai đoạn này, tủy răng bị kích thích, viêm nhiễm và xương hỗ trợ neo giữ răng cũng có thể bị ảnh hưởng. Khi sâu răng đã trở nên nghiêm trọng tới mức này, bạn sẽ cảm thấy răng trở nên nhạy cảm, đau nhức răng và đau răng khi cắn thức ăn. Nếu cơ thể bạn gửi các tế bào bạch cầu để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, bạn có thể bị áp xe răng và cần phải thực hiện thủ thuật điều trị tủy răng.

Phương Pháp Phòng Chống Sâu Răng

Như ông cha ta có câu, “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chăm chỉ và kiên định trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng có thể giúp bạn phòng ngừa sâu răng hiệu quả. Thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách này bao gồm chải răng ít nhất hai lần một ngày và sử dụng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày. Sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm được thiết kế để làm sạch sâu, chẳng hạn như bàn chải đánh răng Colgate® SlimSoft . Nếu bạn không có đủ thời gian để chải răng sau bữa ăn, hãy súc miệng kỹ bằng nước sạch.

Ngoài việc chăm sóc sức khỏe răng miệng, xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh cũng sẽ giúp phòng ngừa sâu răng. Ăn những thực phẩm tốt cho răng như trái cây tươi, rau, phô mai và các sản phẩm từ sữa sẽ giúp bạn có một hàm răng chắc khỏe. Không nên sử dụng đồ uống có đường vì đường sẽ thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển sâu răng. Tránh ăn vặt thường xuyên và sử dụng các loại đồ uống mà không phải là nước để ngăn chặn việc răng của bạn bị tấn công từ các axit do vi khuẩn tạo ra trong miệng.

Khi Nào Cần Đến Gặp Nha Sĩ

Kể cả không có triệu chứng nào liên quan đến giai đoạn đầu của việc hình thành bệnh sâu răng, bạn cũng nên đến nha sĩ một hoặc hai lần một năm để vệ sinh và khám răng định kỳ. Điều quan trọng là tìm ra các triệu chứng, dấu hiệu và ngăn chặn chúng trước khi chúng phát triển thành một vấn đề nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, nếu bạn đang bị đau răng hoặc có răng nhạy cảm, hãy khám răng càng sớm càng tốt.

Hãy nhớ rằng nguyên nhân gây sâu răng chủ yếu là việc chăm sóc răng miệng không thường xuyên và không đúng cách, đồng thời việc sử dụng thực phẩm không lành mạnh cũng có thể khiến vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn. Mặc dù sâu răng có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, nhưng tuân thủ các biện pháp phòng ngừa có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh sâu răng. Trong trường hợp bạn cần điều trị đặc biệt để ngăn ngừa sâu răng, nha sĩ có thể tư vấn cho bạn những việc cần làm để duy trì sức khỏe răng miệng.