Chăm sóc răng đúng cách cho người lớn
Badge field

Chăm Sóc Sức Khỏe Răng Miệng Ở Người Trưởng Thành: Kinh Nghiệm Phòng Ngừa

Published date field

Khi trưởng thành mọi người thường cho rằng mình đã qua tuổi dễ bị sâu răng, và việc thăm khám nha khoa thường xuyên không còn cần thiết như khi còn bé, thì có lẽ suy nghĩ này có chút sai lầm. Khi đã trưởng thành, con người càng có nguy cơ gặp nhiều vấn đề răng miệng không xuất hiện trong độ tuổi vị thành niên. Thăm khám nha khoa định kỳ rất quan trọng đối với người trưởng thành, và sau đây là một số ví dụ có thể khiến bạn phải suy nghĩ lại trước khi định hủy lần khám răng tiếp theo.

Bệnh Nha Chu

Sau 35 tuổi, bệnh nhân thường bị rụng răng do bệnh nha chu hơn là do bệnh sâu răng. Nếu bạn không có thói quen chăm sóc răng miệng tại nhà bằng cách chải răng và sử dụng chỉ nha khoa, đồng thời bạn cũng đã bỏ qua những lần thăm khám răng định kỳ, mảng bám vi khuẩn và cao răng có thể tích tụ trên răng của bạn. Các mảng bám và cao răng này có thể gây tổn thương cho xương hàm và các kết cấu hỗ trợ trong miệng của bạn. Răng sẽ bắt đầu bị lung lay, và nếu tình trạng đó tiếp tục diễn tiến, bạn có thể cần phải phẫu thuật nha chu hoặc thậm chí bị rụng một số răng. Nhưng bạn cũng không nên quá lo lắng, trong nhiều trường hợp, đây là một bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Ung Thư Miệng

Theo Viện Nghiên cứu Nha khoa và Sọ mặt Quốc gia Hoa Kỳ, đàn ông trên 40 tuổi có nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng cao nhất. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), trong thời gian sắp tới, có khoảng 36.000 người sẽ bị mắc bệnh ung thư miệng, ung thư lưỡi hoặc ung thư cổ họng và ACS cũng ước tính rằng sẽ có tới 6.850 người sẽ tử vong vì các bệnh ung thư này. Việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ ung thư miệng. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh ung thư miệng được phát hiện đầu tiên bởi nha sĩ trong khi khám răng định kỳ.

Kiến Thức Cần Biết Về Trám Răng

Độ bền của lớp phủ trám răng có thể duy trì từ 8 đến 10 năm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, lớp trám răng có thể có tuổi thọ đến 20 năm hoặc lâu hơn. Khi lớp trám răng trong miệng bắt đầu bị vỡ ra, thức ăn và vi khuẩn có thể xâm nhập bên dưới những lớp trám này. Khi tình trạng này xảy ra, sâu răng có thể xâm nhập sâu vào răng của bạn, ảnh hưởng đến dây thần kinh và bạn có thể cần phải điều trị tủy răng. Nếu cấu trúc răng cùng với lớp trám răng bị phá vỡ, lựa chọn duy nhất của bạn là phải thực hiện điều trị tủy đối với toàn bộ phần mão răng và chân răng để khắc phục tình trạng này.

Vấn Đề Về Khớp Thái Dương Hàm

Các bất thường về khớp cắn và các thói quen răng miệng như nghiến răng có thể dẫn đến tình trạng đau khớp thái dương hàm (TMJ). Có nhiều yếu tố có thể khiến khớp cắn hơi dịch chuyển một chút so với bình thường, nhưng việc nhổ răng có thể khiến vị trí răng trong miệng thay đổi đáng kể, đồng thời thay đổi hoàn toàn khớp cắn. Dần dần, các khớp đảm nhiệm chuyển động của hàm có thể bị ảnh hưởng, gây đau đớn và dẫn đến tình trạng hàm bị trật. Đây là một trong những lý do giải thích tại sao việc cấy ghép răng lại quan trọng đến vậy.

Nếu bạn hay nghiến răng khi ngủ, nha sĩ có thể cho bạn sử dụng dụng cụ bảo vệ chống nghiến răng ban đêm. Thiết bị này có tác dụng làm giảm căng thẳng cho các khớp. Thiết bị cũng giúp bạn ngừng tình trạng nghiến răng, thói quen có thể dẫn đến mòn men răng.

Phòng Ngừa Là Cách Bảo Vệ Hiệu Quả Nhất

Cho dù ở lứa tuổi nào khi còn nhỏ hay khi đã trưởng thành, việc chăm sóc và vệ sinh răng miệng để phòng tránh các vấn đề về răng miệng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Kể cả khi đã trưởng thành, bạn vẫn có thể gặp phải những bệnh lý về răng miệng. Ngoài việc duy trì một thói quen chăm sóc và vệ sinh răng miệng tại nhà đúng cách, bạn nên lên lịch kiểm tra và vệ sinh răng miệng định kỳ. Nha sĩ có thể theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe răng miệng của bạn, phát hiện và xử lý các vấn đề trước khi các vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn. Như ông cha ta từng có câu: "Phòng bệnh hơn chữa bệnh".